1. Bà mẹ trẻ tên Chi than thở với chị em đồng nghiệp rằng, hai con bé sinh đôi nhà mình lại vừa tăng cân. Mới 10 tuổi mà tụi nhỏ đều vượt 60kg rồi, kinh khủng quá, thật chẳng biết phải làm sao để kìm hãm chúng lại nữa.
|
Ảnh minh họa |
Mỗi người góp một ý, toàn là những chuyện ai cũng biết về chế độ ăn kiêng, tập luyện, sinh hoạt, ý chí... Nhưng hầu như tất cả đều ngại ngần trước một thực tế rằng, bản thân Chi cũng luôn xả láng trong việc ăn uống, đang là một phụ nữ “sổ sữa” và có một tình yêu thương con khá lạ lùng.
Kiểu như, nghe một bà mẹ khác bảo, con của chị rất thích ăn trứng, chị cũng vậy. Nên thi thoảng chị lại lén con, ăn vụng một quả, chứ không dám để cho con thấy, sợ chúng thèm. Chi khăng khăng nói như trách cứ: làm như vậy không thấy tội con à?
Chi vốn ham “vỗ béo” con từ thuở bé. Tới giờ, tuy rầu rĩ việc con béo phì, Chi vẫn nuông chiều lũ nhỏ bằng ê hề thức ăn nhanh giao hàng tận nhà, tủ lạnh luôn tràn ngập bánh kẹo ngọt, hay chế biến những bữa cơm toàn thịt chiên thừa mứa.
Đề tài “hai bé sinh đôi mũm mĩm” vẫn thường xuyên được Chi mang ra chia sẻ, nhưng để làm một cái gì đó cương quyết và tích cực thì Chi cứ lần lữa mãi. Dù mỗi lần Chi cập nhật tình hình thể trạng của con cho mọi người thì bọn nhóc lại đạt một mức cân nặng mới đáng lo ngại.
Tuy vậy, Chi lại vô cùng quan tâm việc ép con học thêm môn này môn nọ, mua sắm áo quần, vật dụng, đồ chơi đắt tiền, bất kể chúng ngày càng giống hai con gấu nhỏ lặc lè. Rồi một hôm, Chi buồn bã kết luận, cô là người mẹ thất bại, vì dù “cố gắng” thế nào, với ngoại hình quá cỡ, lũ trẻ cũng sẽ gặp khó khăn khi chúng ra đời.
2. “Nếu bạn mạng hỏa, lại lỡ làm mẹ của một đứa con gái vừa bướng vừa lỳ, vừa ở dơ vừa lười học, vừa bề bộn vừa chậm chạp, thì bạn phải làm sao?”. Một bà mẹ khác có con gái trạc tuổi “ẩm ương” thổ lộ trên Facebook như thế và nhận lại bao nhiêu là lời tư vấn “bá đạo”.
Kiểu như “thì bạn phải tập chuyển thành mạng thủy chứ sao”. Hoặc biết đâu con bé cũng nghĩ “bạn phải làm gì khi lỡ là con của một bà mẹ mạng hỏa?”. Thế nhưng, đùa vui với nhau cũng không che giấu được những nỗi niềm lẫn đồng cảm thật sự từ những ông bố bà mẹ cùng cảnh ngộ.
|
Ảnh minh họa |
Có lẽ cảm giác bất lực trước đứa con đến tuổi lỳ lợm ngang bướng là thứ trải nghiệm không bậc phụ huynh nào tin nổi, nếu chưa từng nếm thử. Nó mang lại cảm xúc tiêu cực hơn hẳn việc phải đối diện với mọi xấu xa bon chen ngoài kia.
Cứ thơ bé hoài như thuở nào, có phải hay hơn không? Có bao giờ bạn ước mơ viển vông như thế, khi con trẻ chạm tuổi thiếu niên và tỏ ra xa lánh, rời khỏi vòng tay mẹ, theo một nghĩa nào đó? Lại có bà mẹ khác nhiều kinh nghiệm, chia sẻ rằng, vài năm sau, bọn trẻ sẽ dễ thương trở lại. Chị kể hồi đó chị từng sốc đến bật khóc khi con chị coi chị như kẻ thù.
Chị bảo mình hiểu cảm giác của các bà mẹ có con tới tuổi dở hơi, bởi năm xưa chính chúng ta cũng suy nghĩ, hành xử y như con ta (có thể ở một dạng thức khác, biểu hiện khác) mà ta quên đấy thôi. Chẳng phải chừng hai mươi mấy năm trước, ở xứ đó, chỗ đó, cũng có một người mẹ tội nghiệp từng bất lực kêu trời với đứa trẻ ngang bướng là ta đó sao?
3. Chuyện chưa tới mức ầm ĩ. Bọn trẻ cũng chưa đến nỗi hư hỏng hoặc không thay đổi được. Nhưng có lẽ, bây giờ người ta kỳ vọng và yêu cầu ở trẻ con nhiều hơn. Các ông bố, bà mẹ, nhìn những cái chứng chỉ quốc tế, toàn tiếng nước ngoài của con người khác được khoe trên mạng mà ao ước.
Thời đại của điện thoại thông minh và internet khiến cho mấy cái clip trẻ con đang đánh đàn hoặc thể hiện tài năng gì đấy lan tràn. Ta chạnh lòng, thấy con mình sao mà tầm thường, kém cỏi, thậm chí dưới cả mức trung bình thông thường.
Ta không thể thon thả xinh đẹp, thì nhất định con mình phải được như vậy. Con còn cả cuộc đời trẻ trung trước mắt, có thể nào sống trong cái thân hình phục phịch dư cân. Con nhất định phải mình hạc xương mai sáng sủa, chứ xấu xí là làm bẽ mặt cha mẹ rồi.
Nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ qua. Ngày xưa, cha mẹ chúng ta cũng từng chịu đựng chúng ta, nhưng họ có mang cảm giác thất bại hoặc bất lực về con cái như chúng ta bây giờ?
Chúng ta đi làm quần quật hết ngày này tháng nọ để làm gì? Chúng ta đốt đời trong những văn phòng quanh năm rù rì máy lạnh, ăn bữa cơm hộp tạm bợ vì cái gì chứ? Chẳng phải mọi niềm hy vọng và cả những khát khao cá nhân của chúng ta đều gửi gắm vào con cái ư?
An Nhiên