Những bà mẹ phi thường trên sân đấu

18/07/2023 - 17:25

PNO - Giờ đây, các nữ vận động viên (VĐV) vẫn lập gia đình rồi sinh con, và tiếp tục con đường thể thao chuyên nghiệp...

World cup 2023, nữ cầu thủ Alex Morgan, bà mẹ của cô con gái 3 tuổi, đang trên đường tìm kiếm danh hiệu vô địch bóng đá nữ thế giới lần thứ ba liên tiếp với đội tuyển Mỹ.

Alex Morgan, tuyển thủ 207 lần khoác áo đội Mỹ và con gái. Ảnh: Getty Images.
Alex Morgan, tuyển thủ 207 lần khoác áo đội Mỹ và con gái. Ảnh: Getty Images.

16 tháng sau khi sinh nở vào năm 2020, cô đã kể về quá trình mang bầu, sinh nở và hồi phục thể lực khó khăn đến thế nào trong 4 tập phim tài liệu Ready for Anything. Cô mang đến cho người hâm mộ cái nhìn sâu sắc về hành trình làm mẹ của một nữ VĐV. 

Kể từ sau khi sinh con, Morgan đã ghi 14 bàn nữa cho đội Mỹ và tiếp tục mang tấm băng thủ quân.

Ngày càng nhiều bà mẹ thành đạt trên sân đấu

Trước đây, các nữ VĐV thường kết thúc sự nghiệp thể thao khi mới lập gia đình và sinh con. Có người bị sức ép từ gia đình, bạn trai, buộc phải rời bỏ sự nghiệp khi còn chưa phát huy hết tiềm năng của mình. Tức là, cả về mặt thể chất lẫn mặt xã hội, các nữ VĐV thường sẽ đến lúc phải đối mặt với lựa chọn giữa thể thao và mong muốn lập gia đình.

Giờ đây, các nữ VĐV thay đổi xu hướng. Vẫn lập gia đình rồi sinh con, và tiếp tục con đường thể thao chuyên nghiệp. VĐV quần vợt Kim Clijsters người Bỉ là thí dụ tuyệt vời. Khi chưa lấy chồng, sinh con, cô có lên vị trí số 1 thế giới nhưng không giành được chiếc cúp Grand Slam nào. Sau khi sinh con, cô giành 3 danh hiệu Mỹ mở rộng (2009, 2010) và Úc mở rộng 2011. Trong quần vợt, chỉ có những chiếc cúp Grand Slam mới là thước đo giá trị nhất.

Gần đây hơn là Serena Williams, lọt vào 4 trận chung kết Grand Slam sau khi sinh con gái vào năm 2017. Người đồng nghiệp Victoria Azarenka cũng lọt vào chung kết Mỹ mở rộng 2020 sau khi sinh con. 

Giải Wimbledon vừa diễn ra tuần trước, khuôn mặt của Elina Svitolina lộ vẻ ngạc nhiên trong khoảnh khắc đối thủ của cô là tay vợt số 1 thế giới Iga Swiatek đánh cú thuận tay cuối cùng vào lưới. Cú đánh hỏng đó đưa Svitolina vào vòng bán kết. “Đầu giải, nếu ai đó nói với tôi rằng, tôi sẽ đánh bại tay vợt số 1 để vào bán kết, tôi sẽ nói rằng người đó bị hoang tưởng”, Svitolina nói. Tại sao? VĐV quần vợt 28 tuổi mới sinh con gái vào tháng 10 năm ngoái.

Cầu thủ Christie Pearce kết hợp việc làm bà mẹ hai con với việc giành hai huy chương vàng Olympic (2008, 2012) và một World Cup (2015) với đội tuyển Mỹ. Còn rất nhiều bà mẹ thành đạt trong các môn thể thao khác, thành đạt ở đây là nói về những thành tích tại đấu trường cao nhất, là Olympic và World Cup: Dara Torres, Paula Radcliffe, Jessica Ennis…

Trường hợp của Serena thật khâm phục. Cô sinh con gái bằng phương pháp sinh mổ khẩn cấp, cô gặp vấn đề về hô hấp sau khi sinh, bác sĩ đã phát hiện ra nhiều cục máu đông, trong đó có một cục trong phổi cô ấy, nghĩa là phải phẫu thuật lấy ra. Serena phải sử dụng thuốc làm loãng máu và nằm liệt giường 6 tuần trong khi hồi phục. 

Rất may, không phải mọi phụ nữ đều qua trải nghiệm sinh nở đau thương như Serena. 

Những thử thách và ý chí của người mẹ

Hiện chỉ có 6% nghiên cứu khoa học thể thao được thực hiện riêng cho phụ nữ hàng năm. Trong đó, lại rất ít nghiên cứu được thực hiện trên những người trước và sau khi sinh. Và như thế, các tiêu chuẩn để hướng dẫn nữ VĐV lấy lại vóc dáng, thể lực, phong độ sau khi sinh, thì không có nhiều.

Việc mang thai và sinh nở ảnh hưởng đến mỗi phụ nữ rất khác nhau, khiến việc đưa ra các khuyến nghị chung trở nên khó khăn. Chuyên gia vật lý trị liệu Helen Keeble cho rằng, con đường hồi phục phụ thuộc một phần vào việc sinh em bé. Quá trình hồi phục sau sinh mổ sẽ khác một chút so với sinh thường. Và một ca sinh thường sẽ khác với một ca sinh thường phức tạp hơn. Nhưng kiểu gì thì theo bà Keeble, phải mất khoảng 6 tuần để bất kỳ vết thương nào lành lại. 

Mỗi môn thể thao có một đòi hỏi khác nhau cho các bà mẹ trở lại. Ví dụ, FIFA đang nghiên cứu về tác động sau khi sinh nở đối với các chấn thương dây chằng đầu gối, bong gân mắt cá, khớp háng. Nhưng vấn đề chung của tất cả các phụ nữ sau sinh, bất kể chơi môn thể thao nào, là cơ sàn chậu, thành bụng, cơ hoành. Khi mang bầu, tất cả những thứ này bị kéo căng và yếu đi. Nó có thể khiến phụ nữ mắc chứng tiểu không tự chủ, chứ chưa nói đến việc trở lại đỉnh cao.

Gần đây, CLB Chelsea thuê riêng một chuyên gia về sàn chậu để hướng dẫn tiền vệ Melanie Leupolz tập thể lực sau khi sinh nở.

Rồi còn vài yếu tố khác. Sau khi sinh, nội tiết tố mất trung bình từ 3 đến 6 tháng để trở lại bình thường. Nếu nữ VĐV đang cho con bú, nguy cơ xảy ra chấn thương của cô ta cao hơn so với mức trung bình.

Nhưng các nữ VĐV đừng lo quá. Khi vượt qua giới hạn của thai kỳ và sinh nở, một số nữ VĐV thực sự cảm thấy mạnh mẽ hơn bao giờ hết do khối lượng máu tăng 50% khi mang thai. Đó là lượng máu mang oxy nhiều hơn và cải thiện khả năng cung cấp năng lượng, khả năng chịu đựng và tăng cường sức mạnh của mình. 

Sinh nở mang lại sức mạnh tinh thần to lớn cho họ. Sẽ có một ý nghĩ luôn theo họ kể từ đó, “ta đã vượt cạn, ta đã vượt qua thử thách khó khăn nhất của người phụ nữ, còn thử thách nào giới hạn được khả năng của ta nữa”.

Chính Phong

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI