Những bà mẹ "ngang hông"

09/09/2021 - 06:00

PNO - Từ ngày 25/8, Trường mầm non Họa Mi 2 (11 Lý Thường Kiệt, P.12, Q.5, TP.HCM) được Bệnh viện Hùng Vương và UBND TP.HCM “hô biến” thành Trung tâm H.O.P.E chuyên chăm sóc cho trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19.

Một điều đặc biệt, 40 bảo mẫu chăm sóc 58 trẻ tại đây đều là các tình nguyện viên (TNV) đến từ các quận, huyện với ngành nghề khác nhau như: giáo viên, nhân viên văn phòng, tiếp viên hàng không, sinh viên...

Trong đó có những người còn rất trẻ, chưa lập gia đình, chưa sinh con, chưa từng một lần chăm trẻ sơ sinh, vậy mà giờ đây họ lại trở thành mẹ của 58 đứa trẻ với tấm lòng, và tình yêu bao la. 

Xuất viện về... trường

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết từ tháng 4/2021 đến nay, bệnh viện tiếp nhận trên 1.000 thai phụ với hơn 500 trẻ được sinh ra từ bà mẹ mắc COVID-19 và con số này ngày càng tăng.

Có những trẻ tử vong từ trong bụng mẹ, có những trẻ sinh ra non tháng vì buộc phải chấm dứt thai kỳ. Và cũng có những trẻ may mắn ra đời khi đã đủ tháng. 

Tại thời điểm ngày 31/8, Bệnh viện Hùng Vương chăm sóc 136 trẻ có mẹ mắc COVID-19, trong đó có 58 trẻ đủ điều kiện xuất viện (sau sinh 72 giờ được test COVID-19 hai lần âm tính và không mắc bệnh lý sơ sinh), nhưng chưa có người thân đón về, thậm chí có những trẻ gần đầy tháng nhưng chưa được về với gia đình. 

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (áo trắng - bên phải) và các bảo mẫu đang chăm sóc bé ở Trung tâm H.O.P.E
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (áo trắng - bên phải) và các bảo mẫu đang chăm sóc bé ở Trung tâm H.O.P.E

Theo bác sĩ Diễm Tuyết, hầu hết các gia đình chưa nhận bé về vì cha, mẹ, các thành viên trong gia đình đang trong thời gian cách ly y tế, điều trị COVID-19 nên họ nhờ bệnh viện chăm sóc, khi gia đình đủ điều kiện sẽ đón bé. 

Bác sĩ Diễm Tuyết cũng cho biết thêm, hiện nay có khoảng 30 trường hợp trẻ mất liên lạc hoàn toàn với người thân, trong đó có những người mẹ đã tử vong. “H.O.P.E mong muốn đồng hành với các bé, để các bé có được sự chăm sóc chu đáo nhất trong những tuần đầu sau sinh mà không có mẹ và gia đình ở bên” - bác sĩ Diễm Tuyết chia sẻ.

Phía sau cánh cổng của Trường mầm non Họa Mi 2 - mà giờ đây là Trung tâm H.O.P.E - khác biệt hẳn với thế giới bên ngoài. 17 giờ, 13 cô bảo mẫu tất tả vào tua trực thay cho các đồng nghiệp vừa tan ca (một tua trực kéo dài 12 tiếng). 

“Mai gặp lại con nha”; “Cô đến rồi đây, hôm nay con có ngoan không nà?” - những tiếng chào, tạm biệt, dặn dò của các cô bảo mẫu đan xen trong tiếng khóc của trẻ. Những cái ôm yêu thương, cái nhìn trìu mến vội vã trao nhau và những bà mẹ “ngang hông” tất bật lao vào việc: pha sữa, cho bé bú, thay tã... 

Thỉnh thoảng, một bảo mẫu chạy đến hỏi nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu Hồng - Khoa Nhi sơ sinh Bệnh viện Hùng Vương được cắt cử qua H.O.P.E hỗ trợ cho các bảo mẫu: “Chị ơi, mắt bé có ghèn, em phải lau thế nào cho đúng cách”, “Chị ơi, bé giống bị hăm tã quá. Em bôi kem chống hăm cho bé nhé!”. 

Thật ra, các bảo mẫu đã được tập huấn những kỹ năng căn bản để chăm sóc trẻ sơ sinh, nhưng có những tình huống các cô muốn hỏi lại để chăm sóc cho trẻ tốt nhất, chu đáo nhất.

Những bảo mẫu không họ hàng, thân thích với những trẻ sơ sinh của mẹ F0 nhưng lại chấp nhận rời xa tổ ấm, nơi trú ngụ an toàn của mình để đến tâm dịch, đến với những đứa trẻ kém may mắn khi ra đời phải xa mẹ, không được mẹ ủ ấm. 

Thạc sĩ điều dưỡng Võ Thị Ngọc Diệp - Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Hùng Vương - cho biết có rất nhiều người, đủ mọi ngành nghề đăng ký làm TNV.

Để trở thành TNV các bạn phải được xét nghiệm COVID-19 hai lần cách nhau ba ngày, sau đó các TNV ở lại trong trường, không về nhà, không tiếp xúc với người ngoài, tránh tình trạng lây nhiễm rồi lây cho các bé.

“Nô tỳ” có mặt!

TNV được tập huấn nhiều buổi về những kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh như: vệ sinh tay, cho bé bú, ẵm bé, thay tã cho bé, hay những bệnh lý sơ sinh để báo liền cho bệnh viện.

“Thật ra, mấy ngày đầu các cô vẫn còn bỡ ngỡ, lúng túng, ẵm bé còn sợ, tay gồng cứng vì sợ bé rớt. Nhưng chỉ một tuần sau các cô gái đã thuần thục, cho trẻ bú xong, vác trẻ vỗ ợ hơi như những bà mẹ thực thụ” - chị Diệp kể.

Và trong mỗi chuyện kể của chị, của bác sĩ Diễm Tuyết, của nữ hộ sinh Hồng, câu “thương lắm” được lặp đi lặp lại mỗi khi nhắc đến các bảo mẫu là TNV. 

Các bác sĩ cũng nhớ lại ngày đầu tiên các bé có mẹ là F0 được đưa về Trung tâm H.O.P.E. Buổi sáng đó là thời gian hiếm hoi được nghỉ ngơi của các TNV sau khi được huấn luyện cấp tốc, nhưng các cô không chịu “ngồi không”, mà ngồi “ôn bài” và đi tới đi lui, nôn nóng hỏi nhân viên bệnh viện: “Khi nào các bé mới về đây? Sao các bé chưa về nữa!”. 

Đúng 15 giờ 30 phút, khi mười bé đầu tiên xuất hiện ở cửa Trung tâm H.O.P.E, các bảo mẫu ùa ra đón. “Tôi và mọi người đều bất ngờ, xúc động trước cảnh này, các cô bảo mẫu ra đón những đứa trẻ xa lạ như đón những người thân yêu, đứa con ruột thịt. Có cô bảo mẫu trên mặt lăn dài những giọt nước mắt. Thương lắm!” - chị Diệp nói.

Ngay sau đó, các cô bảo mẫu đã hóa thân thành những bà mẹ thực thụ. Các cô ôm trẻ vào lòng bằng tất cả sự trìu mến, ánh mắt nào cũng tươi cười bên trên lớp khẩu trang để giao lưu với trẻ.

Mỗi khi cho bé bú, các bà mẹ “ngang hông” thường không bỏ qua cơ hội “tám” với con: “Ôi, cục cưng ơi, sao mà cưng quá, thương quá đi nà”, “Con ai mà xinh đẹp quá ta, con ai mà dễ thương quá ta ơi”, “Con gái nà, lẽ ra giờ này là cô ở nhà, làm việc, nhưng cô vào chăm con, chơi với con đó, con biết không nà, con ngoan nha, khỏe nha”...

Khi trẻ cất tiếng khóc, cô chạy đến ngay và líu lo “nô tỳ đến đây, nô tỳ có mặt”. Chẳng biết đứa trẻ cảm nhận được gì, nhưng có trẻ đã ngưng khóc khi nghe những tiếng vỗ về của các bà mẹ siêu dễ thương và đầy nhiệt huyết này.

Chưa từng làm mẹ, hoặc con cái đã lớn rồi, nhưng theo nữ hộ sinh Thu Hồng, không hề thấy các bảo mẫu ngán việc hay than khó. Khi vào việc, các chị đều tận lực, đều cố gắng chăm sóc được trẻ tốt nhất, qua đó phần nào bù đắp sự thiếu thốn tình mẫu tử của các con.

Vì lẽ đó, mà ngay cả khi xuống ca, thay vì nghỉ hết ca, thì nhiều bảo mẫu lại vào ca sớm khi nghe tiếng con khóc, hay để đỡ đần, chung sức với đồng nghiệp. Họ là những bà mẹ chung, họ có 58 đứa con chung và sắp tới mái ấm này có lẽ còn tăng thành viên nhiều hơn nữa. 

Chị Hồng chia sẻ: “Công việc chăm sóc trẻ sơ sinh đối với các TNV thật sự là không dễ dàng. Chưa nói chuyện chăm bé, mà chỉ cần thức xuyên đêm là nhiều người đã không chịu nổi, nhưng các TNV vẫn vượt qua.

Rồi chuyện chăm sóc, vệ sinh, thay tã cho bé cũng không dễ mà quen được. Không được đào tạo chuyên môn, chỉ huấn luyện gấp gáp, nhưng khi vào chăm bé, các cô đã thích ứng rất nhanh, mau chóng vượt qua sự bỡ ngỡ, lúng túng, và đã thật sự chăm sóc trẻ như những đứa con ruột thịt.

Các cô luôn cố gắng học hỏi thêm và lắng nghe trẻ để phần nào hiểu được tiếng nói của con thông qua tiếng khóc. Tấm lòng của những bảo mẫu thật đáng trân quý”. 

Bác sĩ Diễm Tuyết đúc kết: “Các TNV đều tràn đầy lòng yêu thương với những đứa trẻ sinh ra trong giai đoạn khó khăn này và bị buộc phải xa mẹ những ngày đầu đời”.

Còn chị Diệp thì nhấn mạnh: “Chỉ cần tình nguyện một ngày đã đáng quý, ý nghĩa, nhưng đây các cô bỏ lại gia đình, công việc, đi suốt cả tháng trời. Nếu không có tấm lòng yêu thương trẻ, chia sẻ cộng đồng thì sẽ không làm được”. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI