Có chồng, nhưng không thể sống thiếu mẹ
Sau khi tìm hiểu nhau thật kỹ, cùng đi học lớp tiền hôn nhân, và quan trọng là yêu nhau thật lòng, cô Trần Thái Linh lên xe hoa, chấp nhận người chồng là anh Nguyễn Trung. Cuộc sống chung của họ càng được đảm bảo khi hai bên gia đình sui gia, chung sức cho các con một cái nhà ở phường 15, Bình Thạnh.
|
Ảnh minh họa |
Có một cỏi riêng, hai vợ chồng trẻ thật sự hạnh phúc, chia sẻ, nâng niu, chiều chuộng nhau. Sau khi sanh, cô vợ về nhà mẹ ruột nghỉ hậu sản. Được mẹ tận tình chăm sóc, có thêm người giúp việc khéo léo nấu ăn ngon, cô vợ phục hồi sinh lực rất nhanh. Bà ngoại còn khá trẻ nên cũng mê bồng trẻ con, thích hát ru cháu ngủ. Có con nhỏ, mà vẫn khỏe re, lại đẹp ra, nên cô vợ dần dần cảm thấy không thể sống nếu thiếu… mẹ.
Còn bà mẹ thì càng chứng minh vai trò quan trọng của mình cho chồng và chủ yếu là với cậu con rể. Ngày cặp vợ chồng trẻ trở về nhà mình lùi dần. Anh chồng chấp nhận sang tạm trú nhà mẹ vợ, dù trong lòng cảm thấy khiên cưỡng, gò bó. Thỉnh thoảng, anh về căn nhà của vợ chồng ngủ lại đêm để nhà khỏi bị bỏ hoang. Thấy ông xã hết lòng chiều chuộng vợ con, cô vợ rất yên tâm.
Một lần, hai vợ chồng bế thằng con đã 2 tuổi về nhà mình, bà hàng xóm gặp cô buột miệng: “Hai đứa có con lớn thế này sao, mới tháng trước, vợ chồng bây đưa nhau về còn tay không mà, sanh nở lúc nào?”. Trong lòng cô vợ hoang mang, bởi ông xã cô thường về nhà vào lúc trời tối khuya, bà hàng xóm thấy bóng người, chứ không thể nhìn rõ mặt. Cô không về, vậy người phụ nữ nào đã vào nhà cô.
Chờ đến hôm ông xã về nhà ngủ, đến nữa đêm, cô bất ngờ, nhẹ nhàng dùng chìa khóa riêng mở cửa vào nhà, và trông thấy một cô bạn đồng nghiệp của chồng đang ở trong phòng tắm. Ông xã xanh mặt, lắp bắp, không giải thích được. Cô lạnh lùng yêu cầu cả hai ra khỏi nhà, và tuyên bố ly hôn với chồng.
|
Ảnh minh họa |
Điều tra sự việc qua bà con hàng xóm, cô biết ông xã cô ít khi về nhà một mình, nhưng nghĩ là hai vợ chồng, nên chẳng ai nghi ngờ. Giận quá, cô vợ không chấp nhận hiện tượng “sướng quá hóa rồ” của chồng, lên án kịch liệt hành vi “ghê tởm, coi trọng niềm vui thể xác”. Cô luôn luôn chiều chồng trong chuyện gối chăn, vậy mà ông xã cô còn ham muốn, đèo bòng.
Mọi việc diễn ra ngoài sự tưởng tượng của cô. Ông chồng hết lời van xin, nhận lỗi và đổ cho sự bồng bột không vượt qua được cám dỗ của cái lạ. Nhưng cô không tin vào sự hối cải của chồng, lật lại chuyện quá khứ, cô nhớ lại thời đang yêu cô, anh còn để ý thêm một cô gái khác. Như vậy, lăng nhăng là bản chất, chứ không phải phút mềm lòng của anh ta.
Gần 40 tuổi, mới lập gia đình, chị Hương vẫn không hấp tấp. Sau khi chọn người đàn ông lớn tuổi cũng chưa có gia đình, chị cẩn thận dò hiểu tâm tính, anh ta hiền lành, ăn nói dễ nghe. Hai người tổ chức đám hỏi, đăng ký kết hôn, rồi mới làm đám cưới. Tuy tổ chức đơn sơ, nhưng đầy đủ lễ nghi. Chị về làm dâu trong một gia đình, ngoài bà mẹ chồng ra, còn có hai bà chị chồng, và một cô em chồng. Mấy bà cô đều chưa lập gia đình.
Nhà chật chị không ngại, nhưng sợ bị đụng chạm. Đi đứng, ăn ngủ đều có người dòm ngó, bình luận, xiên xéo… nên chị hay kiếm cớ về nhà mình. Đến khi có con, chị về nhà mẹ ruột luôn, không muốn về nhà chồng nữa. Bà mẹ chồng giận, cũng không sang thăm cháu. Ông chồng thương con, về nhà mẹ vợ. Nhưng bà mẹ vợ bực mình bà sui, ghét lây con rể. Bà thấy anh ta làm biếng, không lo nổi cuộc sống vợ con, không có công danh, sự nghiệp, nên phải theo ý mẹ. Anh con rể phải về lại nhà mình.
|
Ảnh minh họa |
Từ đó, vợ chồng nhà ai nấy ở như hồi mới quen nhau. Ban đầu, họ còn gặp nhau cuối tuần, đưa con đi chơi. Dần dần cả tháng, ông mới gặp bà vợ để giao ít tiền nuôi con, rồi cả nữa năm nay, ông không thèm gọi điện cho vợ, chỉ ghé trường thăm con. Bà vợ theo dỏi, không thấy ông có dấu hiệu có bồ, nhưng cũng chẳng thấy còn cơ hội vợ chồng đoàn tụ. Mấy lần, bà dắt con sang thăm bà nội, ông chồng đều vắng nhà. Bà nội, và các cô xúm quanh thằng bé, chẳng ai buồn hỏi thăm đến chị.
Khó khăn lắm mới gặp chồng, chị bàn với anh chuyện thuê nhà ra riêng, anh thú thật không có tiền. Đồng lương của chị thì nhỏ nhoi, cố lắm mới đủ lo cho con ăn học. Trong lòng đầy ngổn ngang, bà vợ dẫn con đến gặp chuyên viên tư vấn: “Tôi không biết nên để nguyên hiện trạng, hay ly hôn. Lâu nay, vợ chồng tôi đã mạnh ai, nấy sống. Nhưng tôi chỉ lo, ly hôn, tâm lý con tôi sẽ bất ổn, nó sẽ cảm thấy bị mất cha”. Nhưng thực tế, bà vợ đã không muốn con trai gặp mặt cha. Thằng bé nói với chuyên viên tư vấn: “Con thích gặp ba, nhưng mẹ đã quy định là không được”.
Quyền của mẹ vợ
Trong câu chuyện gia đình của chị Thái Linh, ông chồng ham của lạ, chắc chắn là kẻ đáng bị lên án, tìm kiếm niềm vui thể xác. Nhưng bà vợ không thể là kẻ vô… tội. Căn nhà nhà bỏ không, nơi mà lẽ ra, cô phải nổ lực xây thành tổ ấm, vô tình trở thành cái ổ thuận lợi để “tệ nạn” phát triển. Cô ngại ở nhà riêng, con khóc, con bệnh…không có mẹ bên cạnh sẽ vất vả, chưa kể phải tự lo cơm nước, chợ búa. Sự lười biếng, và chủ quan tin tưởng vào chồng, khiến cô từ bỏ vai trò của một người làm chủ gia đình, và khi bỏ bê gia đình, hạnh phúc cũng mọc cánh bay đi.
|
Ảnh minh họa |
Trong câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ, có một nhân vật không thể bỏ qua. Đó là bà mẹ vợ. Nhiều câu hỏi được đặt ra. Sao bà không kiên quyết bảo con về nhà riêng của hai vợ chồng? Với kinh nghiệm của mình, sao bà không cảnh báo cho con gái trước về sự đổ vỡ? Sao bà không nhận ra sự giúp đỡ của mình sẽ cản trở con gái trở thành một người vợ, người mẹ thật sự ? Và bây giờ, bà có kế sách gì để giúp con hàn gắn hạnh phúc? Bà kiên quyết xúi con gái bỏ chồng.
Bà khuyên con “Ngựa luôn quen đường cũ, con ở với cha mẹ, mà chồng con còn dám phản bội, huống chi con ở với nó, nó còn đối xử với con tệ đến mức nào”. Cô con gái ngại ngần, dè dặt đưa ra ý kiến: “Chúng con sẽ làm lại từ đầu, sẽ bán căn nhà cũ, mua hoặc thuê một căn mới. Con sẽ tha thứ, sẽ chú tâm chăm sóc gia đình, còn ảnh hứa sẽ từ bỏ tội lỗi” Thấy con gái không nghe lời, bà mẹ dọa từ con, cho rằng con quá mê muội, sợ mất chồng, không dám sống độc lập.
|
Ảnh minh họa |
Còn bà mẹ của chị Hương không xúi con gái ly hôn chồng, nhưng bà cũng không sốt sắng giúp cho hai vợ chồng đoàn tụ. Bà bảo con: “Ông xã con lớn tuổi, mới có gia đình, lẽ ra phải hết lòng lo cho vợ con. Con lại sanh được đứa con trai, đó là bảo vật, mà con ở đâu, ông xã con cũng phải đi theo, việc gì con phải về nhà chồng để người ta sai bảo. Còn nếu ông xã con bỏ bê vợ con, thì con cũng không cần loại chồng tệ hại như vậy”.
Rõ ràng bên cạnh những bà mẹ như thế, các cô con gái không thể trưởng thành. Tình thương bảo bọc của các bà mẹ, có vẻ không phù hợp đối với gia đình riêng của con cái. Sự can thiệp của bà làm cho gia đình nhỏ không đủ chất kết dính để trở thành một mái ấm.
Tuấn Lê