Những bà mẹ khiến con gái... mất chồng

05/06/2019 - 05:30

PNO - Chúng tôi hay gọi chị là "người phụ nữ dễ nguôi ngoai nhất thế giới". Bởi hễ bị chồng gây "sốc", hễ tình yêu tưởng đã “chết trong lòng" thì sau một khoảnh khắc lại thấy chị "bần thần sống dậy" sau… một cuộc gọi của mẹ chồng.

“Để đó cho mẹ!”

Chị hiền lành, kỳ vọng vào hôn nhân. Chồng chị thật thà, thương vợ, nhưng... ham chơi bất chấp. Ngay trước khi cưới, chị đã thấy viễn cảnh u ám, nhưng niềm kỳ vọng được củng cố mãnh liệt bằng sự "bảo an" của mẹ chồng: "chồng con nó chưa chín chắn nhưng có mẹ luôn ở bên, sẵn sàng hỗ trợ con".

Nhung ba me khien con gai... mat chong
Hình minh họa

Dù sống riêng nhưng mẹ quả thực là "luôn luôn ở bên" vợ chồng chị. Cưới nhau về đến ngày thứ hai, anh đã đi thâu đêm đặng "chia tay độc thân" với hội bạn. Chị gọi cho chồng không được thì lập tức gọi mẹ. Trong cơn ngái ngủ, người mẹ cũng bắt đầu cuống quýt theo tiếng nức nở của con dâu.

Sau khi trấn an "sẽ lập tức gọi điện lôi thằng trời đánh về", mẹ cũng phải thừa nhận "chắc điện thoại nó hết pin" rồi khuyên con dâu đi ngủ. Chị không ngủ được, lại tiếp tục nhắn tin than thân trách phận với mẹ. Trong cơn đồng cảm, thương xót cao trào với con dâu, lại quá giận con trai mình, mẹ tuyên bố: "Con chờ hai mươi phút, để mẹ sang với con".

Tổ ấm đêm đó đỡ nguội lạnh. Sáng ra, chồng chị vừa bước về nhà đã ngỡ ngàng vì thấy thân mẫu đang chễm chệ ngồi chờ ở phòng khách. Chị vừa giận chồng vừa thấy "hả dạ" về cảnh huống trớ trêu này. Mẹ chồng chị "dạy dỗ" con trai một chặp trước khi đùng đùng đứng dậy, dắt xe ra về. Phòng loan sáng đó lại sực nức mùi hối lỗi của anh chồng. Được dỗ dành tận tình mà không phải tốn một lời trách cứ, chị lập tức nguôi ngoai.

Sau cái lần đầu tiên ngoạn mục đó, mẹ chồng trở thành một "vũ khí bảo hộ" của chị. Riêng anh chồng vẫn "một đời hối lỗi" và… phạm lỗi. Ngày thường vẫn thật thà vui tính và thương vợ, nhưng chỉ cần có… dịp, anh lại đi chơi quên ngày tháng.

Ngoài việc đi thâu đêm, hễ "chiến hữu" gọi, anh sẵn sàng bỏ dở buổi làm hay gác lại mọi kế hoạch vợ chồng. Giai đoạn mang thai, cứ dăm hôm chị lại nghe anh chồng mới ban sáng còn "thương vợ yếu mệt, khổ sở" thì đến giữa buổi đã gọi điện giục: "Em ra coi tiệm thay anh nhé!”.

Mặc kệ chị than thở hay nổi giận, anh ậm ờ năn nỉ rồi chốt hạ bằng một cái ngắt máy và nhanh chóng… "ngoài vùng phủ sóng". Chị bất lực qua trông coi tiệm in ấn của anh, vừa đi vừa… gọi điện nỉ non với mẹ chồng. Mẹ, như hàng trăm lần, đều sốt sắng: "Để đó cho mẹ!".

Nhung ba me khien con gai... mat chong
Ảnh minh họa

Chỉ cần "để đó cho mẹ" là xong. Những lần nguôi ngoai dìu chị qua cuộc hôn nhân trầy trật, cho đến ngày chị biết tin anh có người phụ nữ khác. Bạn nhậu của anh nhiều lần bóng gió báo tin, chị cuống cuồng... méc mẹ. Mẹ một bên an ủi, một bên răn đe.

Khi nhà cửa tạm êm thì đến ngày giỗ cha, anh ngang nhiên dắt người tình về giới thiệu. Những bạn nhậu thứ thiệt nhìn chị ái ngại. Chị lịch sự được dăm phút rồi lặng lẽ rút xuống bếp. Mẹ chạy theo sau, vừa khẩn khoản níu tay con dâu, vừa cam kết: "Thằng chồng con có dại dột ngang tàng tới đâu thì mẹ cũng chỉ có mình con là dâu. Con yên tâm, ngoài con ra không đứa nào được danh chính ngôn thuận bước chân vào nhà này!".

Chị thấy lòng tê tái. Đã bao nhiêu năm mọi trục trặc vợ chồng đều cậy hết vào sự nhiệt tình của mẹ. Mẹ đã trở thành vũ khí duy nhất. Mọi kỹ năng xử lý vấn đề của chị đều đã bị triệt tiêu. Lần này, nếu không "yên tâm", chị cũng không biết phải làm gì khác.

Xa mẹ, em biết sống sao?

Để trở thành một "cám dỗ hôn nhân" thì không cần đến một người mẹ lăm lăm can thiệp vào đời con, hay kiểu mẹ chồng/mẹ vợ áp đặt, định kiến, khó khăn với dâu/rể. Ngược lại, người mẹ chỉ cần thật tốt bụng, thật yêu con, là đủ. 

Mấy hôm nay, nhà cửa ngột ngạt vì Tính hành xử hồ đồ bất thường. Anh nói chuyện nhát gừng, dễ nổi nóng. Không phản ứng được với chồng, Thi đem chuyện trút hết với người nhà: "Ảnh cứ nằng nặc đòi ra riêng, không chịu sống ở nhà ba mẹ em nữa. Mà ảnh vậy thì ra riêng làm sao vợ chồng gánh vác nổi". Thi không ngờ, chính câu nói đó đã làm Tính bất mãn. Theo anh, chính điều đó làm ra cuộc "hôn nhân trẻ con" này - khi mà vợ chồng anh chưa bao giờ được làm người trưởng thành trong cái gia đình do chính mình tạo dựng nên.

Nhung ba me khien con gai... mat chong
Ảnh minh họa

Vợ chồng Tính dọn về nhà mẹ Thi sống khi cô sinh đứa con thứ hai. Theo dự tính ban đầu, Thi sẽ ở cữ tại nhà riêng của vợ chồng. Việc chăm bẵm sau sinh đã có giúp việc, Tính và mẹ vợ thay nhau phụ giúp. Nhưng càng gần đến ngày sinh, Thi càng muốn về nhà mẹ đẻ. Tính cũng hiểu và chiều vợ. 

Từ khi có thêm gia đình nhỏ của Tính, nhà Thi trở thành gia đình bốn thế hệ. Vướng víu đầu tiên xuất hiện khi cậu con trai ba tuổi dần cứng đầu, ỷ lại ông bà. Mỗi lần dạy con, cả Tính và Thi đều phải tự kiềm chế khi cả cha mẹ, ông bà đều vây lại bảo vệ đứa nhỏ. Hiểu chuyện, Tính thường chỉ phạt con trong phòng riêng, tránh để ông bà xót cháu. Nhưng hễ mỗi lần phát hiện đứa nhỏ bị phạt, cha mẹ Thi lại trách cứ, giận dỗi. Đứa bé đến tuổi đi học, vợ chồng Tính đang bàn chuyện tìm trường cho con thì ông bà nổi giận: "Ba mẹ, ông bà để làm gì mà phải gửi con cho người dưng đánh đập?". 

Đề nghị thuê bảo mẫu về trông con để ông bà nhẹ gánh, Tính cũng bị gia đình gạt đi vì "không thích có người lạ trong nhà". Nhiều lần đối thoại bất thành, mỗi lần nhắc chuyện đưa con đi học, Tính lại thấy mình đang phá vỡ sự bình yên của cả nhà. Chuyện học hành của con phải dời lại. Nhưng khi đứa lớn không đi học, đứa nhỏ còn ẵm ngửa, Tính phải ở công ty suốt 10 tiếng mỗi ngày, thì cả gia đình nhỏ phải dựa vào ông bà ngoại. 

Hết thời gian ở cữ, Thi vẫn không mảy may muốn trở về nhà riêng. Mỗi lần Tính đề nghị, Thi lại nằng nặc đòi ở thêm một thời gian để có người phụ trông con. Mọi sự triển hạn đều… vô thời hạn. Cuộc sống dần trở nên ngột ngạt khi mọi dự tính của Tính cho gia đình mình đều không thực hiện được. Khi đứa con nhỏ gần một tuổi, Thi lại nấn ná vì lý do "giờ mà dọn đi thì ba mẹ buồn". 

Nhung ba me khien con gai... mat chong
Ảnh minh họa

Cha mẹ Thi có mặt gần như 24/24 trong phòng con gái để chăm cháu. Tính như mắc kẹt giữa tình thương của cha mẹ vợ, và nhịp sống riêng tư, tự lập mà anh ao ước cho gia đình riêng. Chỉ riêng trong việc nuôi dạy con, anh đã phải lùi lại một bước để giữ hòa khí, cũng là để ông bà đỡ tủi thân, đau lòng vì không hiểu nổi phương pháp giáo dục của con. Anh càng tuyệt vọng mỗi lần Thi lý lẽ về "trách nhiệm làm cha", "vai trò người chồng" khi con đau ốm, hay ương bướng. Vợ chồng dần rơi vào xa cách.

***

Có thể thấy, tình thương của cha mẹ là một sự nâng đỡ quý giá cho cuộc hôn nhân, nhưng cũng dễ trở thành một cám dỗ. Thi đã sa vào "cám dỗ" đó, dần dựa dẫm, mất hết ý chí tự lập trong cuộc sống riêng. Người vợ trên kia cũng đã tự gạt mình ra khỏi cuộc hôn nhân ngay từ những lần "méc mẹ chồng", và phó mặc mọi sự để mẹ giải quyết.

Xã hội ngoài kia cũng không thiếu những "ông chồng", "bà vợ" suốt đời sống trong vai "đứa con" để hễ có khó khăn trong hôn nhân lại mang… cha mẹ ra giải quyết.  Cuối cùng, khi mải mê ôm lấy "cái cọc" cứu hộ đó, chính họ lại rơi ra khỏi dòng chảy của hôn nhân.

Mỗi lần chứng kiến những cuộc hôn nhân tan vỡ có "yếu tố mẹ", tôi lại tự nhắc mình về câu hỏi mà người ta dễ quên trả lời khi sẵn có một gia đình lớn vững chãi sau lưng. Rằng, ta bước vào hôn nhân là để trải nghiệm, để tạo dựng cuộc sống - hay là để nhớ nhung ôm ấp và kiệt lực níu kéo những ngày ấm êm, an toàn trong bụng mẹ? 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI