Những bà mẹ F0

28/08/2021 - 06:46

PNO - Từng có ý kiến rằng, “Việc đếm các ca nhiễm không còn quan trọng nữa”, thế nhưng việc trở thành F0 vẫn là nỗi lo lắng của mọi người, nhất là những người mẹ, bởi họ là trung tâm kết nối của các thành viên trong gia đình. Những lo lắng ấy, trong những ngày đặc biệt nhạy cảm này, câu chuyện về các bà mẹ F0 luôn khiến người ta phải nghẹn ngào.

Con ở nhà với ai?

“Em đang trên đường đi cách ly rồi. Dù không có triệu chứng nhưng ở cộng đồng dễ lây, nhà cũng không nhiều tầng, em đi để giữ an toàn cho bọn trẻ. Chúng nó vẫn cần kiểm tra lần nữa. Con Mi lớn rồi, ở nhà biết sắp xếp mà đi cách ly cũng biết tự chăm sóc mình. Cu Bin đang dị ứng, phải ăn chế độ riêng. Nói dại, lỡ bé Mi nhiễm, phải đi cách ly, còn một mình thằng Bin ở nhà thì không biết phải làm sao”.

Hoa Thủy, một bà mẹ đơn thân, bỗng trở thành F0 vì bị nhiễm từ người hàng xóm thường qua nhà giúp dọn dẹp vào cuối tuần, phải tính toán và sắp xếp mọi việc trong nhà cho 21 ngày thật chi tiết và kỹ lưỡng.

Sau 15 ngày “chiến đấu” với COVID-19, gia đình chị Trần Thị Kim Thoa (Q.10, TP.HCM) gồm sáu người đều là F0 đã nhận kết quả âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 (ảnh chụp trước khi cả nhà trở thành F0) - ẢNH: QĐND
Sau 15 ngày “chiến đấu” với COVID-19, gia đình chị Trần Thị Kim Thoa (quận 10, TPHCM) gồm sáu người đều là F0 đã nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 (ảnh chụp trước khi cả nhà trở thành F0) - Ảnh: QĐND

Vốn tính “cái gì cũng phiên phiến thôi”, trong một đêm, Hoa Thủy phải tập trung suy nghĩ, cắt đặt, xử lý cho nhiều tình huống và dặn dò các con, ghi hướng dẫn và thực đơn từng ngày cho cô con gái tuổi teen, chia các phần thuốc và lịch trình hằng ngày cho cậu con trai nhỏ nghịch ngợm, kèm lời dặn dò dán ngay trên bàn uống nước để cô chị kiểm tra.

Ngoài chiếc va-li mình mang theo đi cách ly, Thủy còn chuẩn bị sẵn hai ba-lô khác cho hai con.

Tất cả các việc ấy ba mẹ con đều làm qua video call, cả nhà đều đeo khẩu trang và cách nhau ít nhất 2m.

Sáng hôm sau lên xe vào bệnh viện dã chiến, ngoái nhìn căn nhà đã giăng dây với hai đứa con ở lại bên trong, chắc chắn bà mẹ F0 này không chỉ cần tình yêu mà cần cả một nghị lực phi thường. Con sẽ ở nhà với ai? Sống ra sao? Nhà còn an toàn không?… là những câu hỏi khiến mọi bà mẹ F0 khó mà an tâm.

Dù thế nào, con cũng phải trong tầm mắt

Nếu việc đi cách ly, không ở bên con là vấn đề của Hoa Thủy thì Thảo P., một người mẹ tự kiểm tra, phát hiện mình dương tính với virus SARS-CoV-2, còn có thêm một mối lo lắng khác vì Hoàng Anh - con gái duy nhất của cô - có bệnh nền hen suyễn và vốn bụ bẫm nên thuộc nhóm rủi ro cao nếu nhiễm bệnh.

Thảo P. vốn cẩn trọng nên khi dịch bắt đầu lan ở TPHCM từ tháng Năm, cô đã làm việc tại nhà, thực hiện 5K rất nghiêm túc cùng chồng con khi ra ngoài.

Trong những ngày giãn cách, Thảo P. hạn chế tối đa tiếp xúc và đến nơi đông người, chỉ mua hàng online và luôn khử khuẩn rất kỹ. Ngay khi có thể mua kit test, cô đã tự kiểm tra sức khỏe gia đình định kỳ nhưng cuối cùng vẫn nhiễm virus.

Thảo P. lập tức liên lạc với y tế địa phương, thông báo tình trạng sức khỏe, các biểu hiện bệnh, nêu rõ lịch trình để các nơi có thông tin với F1 và cô yêu cầu được cách ly tại nhà.

“Nhờ cẩn thận mà em có đầy đủ máy móc, thiết bị hỗ trợ như máy đo oxy, máy trợ thở… Các biểu hiện giúp em tự xác định mình đang ở tầng thứ hai trong tháp năm tầng của F0. Em cách ly tại nhà, chỉ cập nhật tình trạng sức khỏe với nhân viên y tế phường ba lần một ngày” - Thảo P. kể.

Bà mẹ F0 này cũng liên lạc với bác sĩ riêng hiện đang làm việc tại bệnh viện dã chiến, thậm chí còn được giới thiệu thêm một chuyên gia điều trị COVID-19 từ Đài Loan. Các loại thuốc kháng viêm, chống đông máu… cũng được kê toa sẵn, cô đặt mua qua mạng nhưng may mắn chưa cần dùng vì đến ngày thứ ba, các cơn sốt chỉ cần Panadol 500mg đã lui dần.

Ngoài việc thực hiện đúng các chỉ dẫn của bác sĩ, Thảo P. còn ghi lại đầy đủ thời gian, diễn biến bệnh, các loại thuốc và hoạt động của bản thân. Thậm chí, cô ghi rõ lượng nước, loại thực phẩm mình đã dùng, định lượng trong mỗi bữa…

Cô chia sẻ: “Em sợ lỡ bệnh trở nặng, em nhập viện thì với các thông tin này, bác sĩ điều trị sẽ nắm tình hình nhanh hơn. Nếu may mắn em không phải vào viện, thông tin này cũng sẽ hữu ích cho người khác tham khảo”.

“Mỗi cơ thể sẽ phản ứng khác nhau nhưng chí ít, những phương pháp chung như uống Oresol cân bằng điện giải; xông vỏ bưởi, chanh, sả, tinh dầu cho thông mũi; uống nước cam chanh ấm, chịu khó ăn hoặc cố uống sữa dù không muốn nuốt… đều có ích và quan trọng là chúng được cung cấp bởi một F0 bằng xương bằng thịt”.

Chanh chứa nhiều vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh (Ảnh minh họa từ Internet)
Chanh chứa nhiều vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh (Ảnh minh họa từ Internet)

Thảo P. cũng tính, ngày thứ tư của cô có thể mới là ngày ủ bệnh hay phát bệnh đầu tiên của chồng và con. Nếu tự điều trị tốt, sức khỏe khá lên thì qua ngày thứ tám, cô sẽ trở thành người chăm sóc chồng con nếu chẳng may lây nhiễm. Sự tính toán chi tiết, cẩn thận của Thảo P. giúp cả nhà đều chủ động, bình tĩnh và lạc quan. 

May mắn vì vẫn có thể ôm con hằng ngày

Bà mẹ thứ ba là bà mẹ trẻ nhất, vất vả nhất trong biến cố 21 ngày của cả gia đình. Nhưng cô nói cô vẫn may mắn hơn nhiều người mẹ khác vì không bị tách khỏi con, vẫn được ôm con, chăm sóc con - cậu trai bé bỏng mới 18 tháng đã nhiễm virus cùng mẹ và bố. Lạ lùng, ông bố to khỏe nhất nhà và chỉ là F1, đến lần thử thứ ba vẫn âm tính nhưng sốt cao, nằm li bì nên cả nhà phải nhập viện cùng nhau.

“Ở khu phong tỏa rồi nhập viện dã chiến, không dễ chuẩn bị đầy đủ đồ dùng để mang theo. Thế nhưng, cả vợ chồng em đều thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh. Hết vitamin C thì ăn bưởi, cam; lấy vỏ đun nước xông. Bánh mì khô quá nuốt đau họng thì nấu cháo ăn liền đang nóng bẻ nhỏ bánh mì bỏ vô cho mềm, ăn chống đói để uống thuốc cho đúng cữ chứ nhìn nhân viên bệnh viện dã chiến đã quá vất vả mà mình còn kêu thì không đành lòng.

Phải coi những ngày này là thử thách ngặt nghèo, vượt qua thì thấy càng quý những ngày bình yên khỏe mạnh trước đây. Vì con nhỏ, chưa nói được, em càng cần phải cố gắng hơn; có động cơ, mục đích để khỏe nhanh hơn… từ những việc nhỏ nhất như uống thêm một ly nước khi họng đau đến việc lắng nghe hơi thở của con để yên tâm là phổi con vẫn khỏe.

Vượt qua được 7, 14 rồi 21 ngày thì lại thở phào vì mình đã có kháng thể miễn dịch, ít nhất là trong sáu tháng tới. Thú thật, suốt những ngày ở bệnh viện dã chiến, vẫn được ôm con là niềm động viên lớn nhất đối với em. Được ở cùng nhau đã là một may mắn nên khi mọi người ở nhà lo em làm sao có thể chăm được cả mình lẫn con, em đều bảo cứ yên tâm, em làm được”.

Không bỏ qua những lý giải khoa học, dịch tễ nhưng tôi vẫn tin rằng tình yêu và sự cố gắng vì biết mình còn phải là chỗ dựa của các con, của các thành viên khác trong nhà chính là liều thuốc mạnh nhất của các bà mẹ F0 đã và đang vượt qua những ngày tháng này. 

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI