Những “bà giáo” bền bỉ gieo yêu thương

19/11/2024 - 06:02

PNO - Suốt 17 năm qua, lớp học đặc biệt của những cô giáo, “bà giáo” đã nghỉ hưu ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đã mang đến niềm vui, kỹ năng tự lập cho những em nhỏ khuyết tật.

Bà giáo Đỗ Thị Nhàn hướng dẫn học sinh tập viết - ẢNH: L.H.
"Bà giáo" Đỗ Thị Nhàn hướng dẫn học sinh tập viết - Ảnh: L.H.

Niềm vui đến lớp

Lớp học được cô giáo Lê Thị Hòa (Trường tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) sáng lập năm 2007. Ban đầu, chùa Hương Lan (xã Đông Sơn) cho mượn phòng khách làm phòng học. Sau, có nhiều em khuyết tật đến xin học, nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, lớp mở rộng hơn 100m2 cùng nhiều trang thiết bị. Hiện có 3 lớp với hơn 60 học sinh (HS), do 6 cô giảng dạy. Trong đó, có 3 cô đã nghỉ hưu.

Một trong những HS lớn tuổi nhất và gắn bó lâu nhất với lớp là Cấn Thị Khuê (32 tuổi). Cô là con thứ ba trong gia đình nghèo, cha mất sớm vì bệnh ung thư. Bản thân cô lại bị khuyết tật vận động bẩm sinh, chân tay khòng khoèo. 17 năm trước, khi biết trong xã có lớp học tình thương, cô đã xin đi học.

Nhìn cô bé bước vào lớp như chú cua đồng, mỗi câu nói là cả sự khó nhọc của cả gương mặt và khuôn miệng, các cô giáo đều lén gạt nước mắt. Không phụ công cô giáo, Khuê là HS có nhiều tiến bộ nhất lớp. Sau 6 năm, cô đã học hết lớp Năm và dừng lại ở đây.

Chị gái Khuê tâm sự: “Ở nhà, em chỉ ngóng cuối tuần để đến lớp. Em được cô giáo dạy cách chăm sóc bản thân, em còn biết hỗ trợ các em nhỏ”.

Trong lớp có Hoàng Thị Hà, Nguyễn Văn Trung trạc tuổi Khuê. Nhà Trung ở gần, thứ Bảy, Chủ nhật nào cũng tự đạp xe đến lớp. Trung giống mẹ mình, cũng bị thiểu năng trí tuệ, sống nhờ sự đùm bọc của họ hàng. Sau 17 năm đằng đẵng, Trung vẫn đang tập đọc, tập viết, học tính toán. Dẫu vậy, được đến lớp đã là niềm vui lớn nhất của cậu.

Hà là 1 trong 4 đứa con cùng bị nhiễm chất độc da cam của ông Hoàng Văn Thụ. Hà bị liệt nửa người, chỉ có tay phải được xem là bình thường. 14 năm nay, chiếc xe lăn của Hà được buộc vào xe đạp của ông Thụ và ông đưa con đến lớp theo cách đó.

Hà vẫn học lớp Một, nhưng người cha chưa 1 ngày bỏ lỡ lịch học của con, bởi “chỉ ở đây cháu mới có niềm vui”. Còn Nguyễn Thị Thùy Dung (huyện Hoài Đức), nhà cách lớp học hơn 20km. Cha em - ông Nguyễn Văn Sơn - cho biết Dung bị bại não từ khi lọt lòng.

Năm 2015, ông đưa con đến lớp học này, chẳng ngờ, em rất thích. Ông xúc động nói: “Thứ Bảy, Chủ nhật nào tôi cũng đưa con đến lớp, ngồi chờ con học xong rồi đón về. Cháu đã biết đọc, biết viết, làm toán trong phạm vi 100, cháu cũng biết sử dụng máy tính và biết ước mơ…”.

Mong các em được hòa nhập

3 “bà giáo” tuổi 70 - bà Đỗ Thị Nhàn, Trần Thị Thoa, Đỗ Thị Âu - đều dạy các em từ khi còn là giáo viên Trường tiểu học Đông Sơn. Bà Âu còn nhớ, khi biết bà nhận dạy, xóm giềng đều e dè: ở nhà, cha mẹ các cháu chỉ có 1 đứa còn không bảo được, giờ các cô gom cả lại thì dạy làm sao…

Bà nói: “Bấy giờ, tôi nhận dạy với tâm thế đơn giản lắm: thương các em và cả cha mẹ các em. Các em quá thiệt thòi rồi, nên chúng tôi muốn các em được yêu thương, học được những điều đơn giản để tự lập trong cuộc sống”.

Cả 3 “bà giáo” vừa phải kiên trì, nhẫn nại để hiểu lời nói vừa phải tìm hiểu ngôn ngữ ký hiệu để trao đổi với HS. Có em không tự chủ được vệ sinh cá nhân, có em đang học thì khóc lóc... Các bà phải thay nhau đưa HS đi tắm, ôm các em dỗ dành.

Bà Thoa chia sẻ: “Có lần, HS không kiểm soát được hành vi, quay sang đánh cô. Nhưng chúng tôi đều đã làm bà nên coi các em như đứa cháu trong nhà, không nỡ mắng, chỉ thương”. Em H. không nói được, nhưng viết chữ rất đẹp. Một lần, các bạn trêu H. chuyện lấy chồng. Em lấy phấn viết lên bảng dòng chữ: “Không ai lấy. Xấu lắm”. Bà Thoa nghẹn lòng khi “đọc” được tâm lý của cô học trò đã thành thiếu nữ, và viết bên cạnh: “Không phải thế đâu. Xinh lắm”.

Bà Nhàn mắc suy thận, gia cảnh khó khăn. Mấy năm trước, bà phải cắt bỏ 1 bên thận, dù vậy, cuối tuần nào bà cũng có mặt ở lớp. Bà nói: “Mỗi khi các em đọc được trọn vẹn 1 câu thơ, viết được 1 câu văn hay làm đúng 1 phép toán là tôi hạnh phúc lắm. Chúng tôi chỉ mong các em được hòa nhập, được yêu thương và sẻ chia”.

Cứ thế, 3 “bà giáo” cùng những chiếc xe đạp cà tàng cần mẫn đồng hành cùng các em trong từng con chữ, phép toán cũng như vô vàn điều nhỏ nhoi trong cuộc sống.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI