|
Bà Nguyễn Thị Bảy (bìa phải) thường xuyên hỏi thăm tình hình đời sống của người thuê trọ |
MÁ BẢY
16g, chị Bùi Thị Hiền, người Mường, quê Thanh Hóa, địu con trước ngực, dắt xe đạp tấp vô ghế đá nhà bà Nguyễn Thị Bảy - Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Nữ chủ nhà trọ P.Thới An, Q.12 - gọi: “Má Bảy ơi, con đi làm về rồi đây”. Thấy giỏ xe chỉ có bó rau với mấy miếng đậu hũ, bà Bảy la: “Ăn vậy hoài lấy đâu sữa cho con bé bú hả bây?”. Nói rồi, bà mang ra con cá, miếng thịt, bỏ vô giỏ chị Hiền. Nhiều buổi chiều đã trôi qua như vậy kể từ khi chị Hiền mang thai. Cho đến giờ, con gái chị đã 8 tháng tuổi.
Chị Hiền kể, 40 tuổi, chị mới có con, nên mừng khôn tả. Nhưng, khi thai nhi được 6 tháng, chồng bỏ về quê, mình chị ở lại với trăm nỗi lo, cận ngày sinh vẫn ráng đạp xe đi làm kiếm tiền. 4g sáng, chị đập cửa nhà bà Bảy: “Má ơi, con đau bụng quá”. Rồi chị “mẹ tròn con vuông”; hằng ngày, bà Bảy nấu cháo, bắt xe buýt đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định nuôi, ban đêm thì các chị công nhân cùng khu trọ túc trực.
|
Chị Lê Thị Kim Chi (thứ hai từ trái qua) cùng chị em thuê trọ đọc báo sau giờ làm việc |
Đi học về, hai bé Trương Quỳnh Trâm (11 tuổi), Trương Anh Cường (5 tuổi) tíu tít gọi bà Bảy: “Nội ơi”. Thấy khách tỏ vẻ ngạc nhiên, chị Lê Thị Huệ - quê Quảng Nam, mẹ hai bé - giải thích: “Nhà chồng tôi ở vùng núi của tỉnh Thanh Hóa. Ngày cưới, họ hàng không vô được, má Bảy đứng ra đại diện nhà trai. Tôi sinh Quỳnh Trâm, Anh Cường, đều do má đưa đi và chăm sóc trong bệnh viện. Năm ngoái, ba chồng tôi bệnh nặng, má Bảy ra Thanh Hóa thăm. Nhiều tháng bí tiền, tôi xin khất tiền phòng, má rầy, kêu cứ lo cho tụi nhỏ đã, tiền bạc tính sau. Chúng tôi xem má như người mẹ thứ hai, nhà của má cũng thân thuộc như nhà mình. Có má, với người quê chúng tôi, Sài Gòn tuy lạ mà quen, đầy nghĩa tình”.
Tháng 5/2017, Chi hội phụ nữ công nhân lao động tổ 8, khu phố 1, P. Thới An được thành lập với 22 hội viên, do bà Bảy làm chi hội trưởng. Ngoài công việc tại phân xưởng, nhiều chị còn nhận thêm quần áo, hàng điện tử về nhà trọ gia công. Chiều chiều, bà Bảy đi dọc khu trọ, kiểm tra quần áo đang phơi, cái nào khô thì kêu mang vô. Khi các chị phải tăng tốc may đồ để kịp giao, bà ẵm con giúp. Chị Nguyễn Thị Thanh Thoảng, quê Tiền Giang, tâm sự: “Tôi ở với má 10 năm rồi, quý cái tình của má, không muốn chuyển đi đâu nữa”. Còn chị Vũ Thị Tuyết Anh, ngụ tại khu phố 1, chia sẻ: “Tôi quý bả quá nên dù ở bên tổ 9, vẫn đăng ký xin vô Chi hội phụ nữ công nhân lao động tổ 8 của bả sinh hoạt”.
Hôn nhân đổ vỡ, bà Bảy một mình nuôi bốn đứa con. 28 năm ròng, bà bán rau ngoài chợ Hàng Xanh, rồi mở tiệm bán rau, củ, quả, mắm muối tại nhà. Thấy chị Nguyễn Thị Ven chật vật quá, bà liền nhường việc bán tạp hóa lại. “Khu trọ tôi có 34 phòng, hơn 80 người thuê, Ven bán nhu yếu phẩm cũng kiếm thêm được chút đỉnh nuôi con” - bà Bảy nói.
KHU NHÀ TRỌ AN NINH
19g, chị Lê Thị Kim Chi - Tổ trưởng Tổ phụ nữ nhà trọ tổ 27, khu phố 3, P. An Phú, Q.2 - ôm sách báo, còn chồng chị khiêng cái bàn tròn ra gần cổng khu trọ. Vài phút sau, bà Lê Thị Ẩn và hai chị Tôn Nữ Kim Sương, Hoàng Thị Hiếu chạy ra, cùng ngồi đọc báo.
Hiện, khu trọ của chị Chi có 40 phòng với hơn 100 người thuê. Anh chị em đến từ nhiều vùng miền, làm việc trong các công trường, buôn bán nhỏ hoặc giúp việc nhà, bảo mẫu. Hằng tháng, những hộ có hoàn cảnh quá khó khăn như bà Ẩn, chị Phượng, chị Huyền đều được giảm mấy trăm ngàn tiền phòng. Có trường hợp vợ chồng từ Vĩnh Long lên, sống được vài tháng thì chị vợ chuyển dạ. Anh chồng hoảng quá, cứ đứng xớ rớ ngoài cổng vì “trong túi chỉ còn hơn hai trăm ngàn”. Chị Chi gọi ngay bốn, năm anh chạy tới khiêng cô vợ ra taxi và dúi vào tay mấy triệu đồng. Lên tới bệnh viện, người chồng gọi về bảo thiếu tiền, vậy là chị lại đón xe ôm tới đưa tiếp. Không chỉ vậy, chị còn kêu gọi khu trọ góp ít tiền để cặp vợ chồng trẻ mua tã, sữa cho con.
Khu trọ lắp bốn camera, nhờ vậy, chị Chi phát hiện nhiều đối tượng trộm điện thoại, quần áo của người thuê trọ, đồng thời can ngăn kịp những vụ chồng bạo hành vợ. Như vào một tối tháng 7/2015, qua màn hình, phát hiện anh H. cầm mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu vợ do ghen tuông, chị Chi liền chạy ra can ngay, rồi ngồi cả đêm khuyên giải. Lần khác, nghe một công nhân báo mất điện thoại “xịn” vừa mua, chị Chi dành nhiều giờ đồng hồ ngồi trích xuất hình ảnh từ camera, cuối cùng, phát hiện kẻ trộm là bạn cùng phòng với khổ chủ.
MẪN NHI
Hiện, các cấp Hội của TP.HCM đã thành lập được 172 câu lạc bộ, tổ, nhóm chủ nhà trọ với 4.760 thành viên. Dịp tết Đinh Dậu, các câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ đã chủ động chăm lo 22.246 phần quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 4,5 tỷ đồng. Có 7.608 nữ chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng trọ, tiền điện, nước. Trong năm 2017, Hội LHPN các quận, huyện đã giới thiệu, bảo lãnh cho 58 chủ nhà trọ vay hơn 1,3 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN TP.HCM để nâng cấp, sửa chữa nhà trọ, đồng thời hỗ trợ 211 nữ công nhân vay vốn với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. |