Không phải ngẫu nhiên mà ở nước Mỹ người ta phát động chiến dịch thắp đèn màu xanh dương để cổ vũ trẻ tự kỷ. Xanh dương là màu của hy vọng, tin yêu và cũng là màu dịu mát nhất trong bảng màu.
Vòng tròn xanh dương được gia đình, xã hội chung tay kết nối dành cho trẻ tự kỷ, bao hàm ý nghĩa Hiểu - Yêu thương - Chia sẻ. Nhưng thực tế ở Việt Nam, những ánh mắt nhìn về trẻ tự kỷ mang màu gì?
|
NS Thái Thùy Linh (bìa phải) trong chương trình “Tôi đã hiểu, còn bạn?” |
Tôi đã tức nghẹn
(mẹ bé Thiệu Long, Q.Bình Thạnh)
Một lần đưa con đến lớp, tôi vấp phải một cảnh nhói lòng. Hai cô bé đang ngồi dưới sân trường ăn snack, thấy con tôi vào, một bé gọi lớn: “Thiệu Long, Thiệu Long” và ngoắc ngoắc thằng bé. Con tôi chạy đến ngay. Cô bé kia cầm một miếng snack đưa sát miệng thằng bé, đợi nó há miệng ra thì rụt lại.
“Trò chơi” nhử miếng bánh ấy lặp lại mấy lần cho đến khi tôi bước đến can thiệp. Thiệu Long không biết thể hiện cảm xúc của mình trong tình huống đó, nhưng tôi - mẹ bé - đương nhiên là có. Tôi chợt liên tưởng đến những người xiếc thú; ứng xử của họ với con thú cũng chẳng tệ đến thế. Tôi nói với cô bé kia là con không được phép làm vậy. Tại sao con lại lợi dụng sự không hiểu biết của bạn để làm trò cười? Như vậy là không tốt. Nếu con còn làm vậy, cô sẽ báo cô giáo.
Thế nhưng, thay vì tỏ thái độ biết lỗi, cô bé ấy lại nghênh mặt, đứng dậy quay đi, buông một câu hỗn láo: “Con khùng, mẹ cũng khùng”. Tôi tức nghẹn. Thấy thương cho con, cho mình và cả cho cô bạn nhỏ ấy. Người lớn phải vô tâm và độc ác đến thế nào trẻ con mới vậy.
Phải làm công tác tư tưởng cho mẹ
(bố bé Quang Minh, Q.Bình Thạnh)
Bố của Quang Minh là tài xế Grab, mẹ bán nước sâm trước cổng một trường tiểu học. Mẹ lo đưa đón, chăm sóc cho em gái; bố lo cho con trai. Ở lớp học dành cho trẻ chậm phát triển, tự kỷ… thông thường chỉ thấy ông bà hoặc mẹ các bé đưa đón, bố Quang Minh là một trong những ông bố hiếm hoi.
Tranh thủ khoảng thời gian giữa những giờ đưa đón con, anh chạy những cuốc xe ngắn. Nghe tôi hỏi thăm về mẹ bé, anh nói, chị hay bị mệt, do khi sinh hai con xong tẩm bổ không tốt, thiếu máu. Chị lại hay suy nghĩ đủ điều khi đưa đón Quang Minh, ảnh hưởng sức khỏe. Vì thế, anh nhận trách nhiệm đó, hễ thấy con có được chút tiến bộ là kể cho mẹ nghe để an tâm, nên sức khỏe của mẹ cũng dần cải thiện.
Anh nói, khi phát hiện con là một đứa trẻ đặc biệt, anh không thể chấp nhận sự thật, lao vào rượu chè tìm quên; nhưng tỉnh rượu lại càng thêm buồn, càng loay hoay không biết phải làm thế nào. Đến một lần, thấy vợ đưa con đi can thiệp về, dựng xe lên là té lăn ra đất vì quá mệt mỏi, căng thẳng; anh chợt nhận ra mình là người chồng, người cha quá tồi. Lẽ ra mình phải là chỗ dựa cho vợ con lúc này chứ.
“Mà ngộ lắm. Trước đây bé rất thờ ơ, nhìn bố mẹ như người xa lạ, nhưng càng gần con càng thấy ánh mắt bé bớt dần sự vô hồn, tươi vui hơn. Giờ bé đã biết thể hiện sự háo hức mỗi khi gặp bố. Với tôi, chỉ vậy là đã xứng đáng với bao cực khổ của những ngày đưa con đi khắp các trường ở thành phố” - anh chia sẻ.
Vợ chồng bỏ nhau
Chị Thanh là dược sĩ ở Phan Thiết, nhưng phải bỏ việc vào TP.HCM thuê trọ, để có điều kiện điều trị cho con bị tự kỷ. Suốt gần ba tháng qua, chị kiên trì dạy con đạp xe ba bánh để tăng sự tập trung. Nhìn nụ cười chị dành cho con mỗi khi bé đạp được một vòng xe, không ai biết chị vừa qua một cơn sóng gió gia đình.
Chồng chị là doanh nhân nên luôn đi sớm về khuya. Trước khi chị sinh con cho đến khi con được vài tháng, anh có mặt ở nhà thường xuyên hơn; nhưng từ khi gần hai tuổi, con phát bệnh, hay la hét, khóc quấy, anh ngày càng ít ở nhà.
Gần đây, chị phát hiện anh vắng nhà không phải vì công việc mà anh “bận” tới lui nhà trọ của một cô gái. Có những hôm từ sáng đến tối, anh ở lì trong nhà trọ ấy. Anh giải thích cho sự phản bội là bởi tâm trạng của anh không tốt khi con thường xuyên la hét, vợ lúc nào cũng âu lo…
Thùy Linh (Đồng Nai) thì bị cả chồng và gia đình chồng kết tội mẹ không biết dạy nên con bị tự kỷ (!). Trước khi được bác sĩ giải thích, chính Linh cũng hoang mang không hiểu vì sao con mình lại như vậy. Linh học hết lớp 9, làm công nhân may; lấy chồng xong là ở nhà, sinh con.
Khái niệm “trẻ tự kỷ” hoàn toàn xa lạ với Linh cho đến chính con Linh mắc chứng này. Chịu không nổi sức ép của gia đình, Linh bỏ nhà, bỏ chồng, ôm con lên TP.HCM, gửi vào trường chuyên biệt, đi giúp việc nhà theo giờ kiếm tiền…
Không ít gia đình đã rơi vào hoàn cảnh như chị Thanh và Linh: con tự kỷ, cha mẹ đưa nhau ra tòa vì không chịu nổi áp lực của cuộc sống, mà đứa con vô tình góp phần tạo ra. Trong khi đó, chính gia đình là nơi góp phần tác động hiệu quả nhất trong quá trình giúp trẻ tự kỷ phục hồi. Không ít bé đã thay đổi rất rõ theo hướng tích cực hoặc tiêu cực sau những biến chuyển từ chính gia đình mình.
Khôi Nguyên Thảo
Nhiều bố mẹ có con tự kỷ đều chọn giải pháp viết số điện thoại của mình lên mũ, áo, túi… của con khi con đến nơi công cộng và chuẩn bị tâm thế nhận lỗi khi con gây ra chuyện.
Thậm chí như trường hợp của Minh, một cậu bé tự kỷ ở Hà Nội, bố mẹ đã viết chữ XIN ĐỪNG ĐÁNH và số điện thoại của mình thật to sau lưng áo Minh. Nhờ vậy, Minh được thông cảm khi lỡ gây chuyện; có gì người ta cũng gọi cha mẹ đến để chịu trách nhiệm. Thế nhưng, vẫn không ít lần Minh về nhà với thân thể bầm tím, áo quần rách toạc…
Cần nâng cao hiểu biết cho trẻ em về trẻ tự kỷ
Sau Hà Nội và Hải Phòng, chương trình truyền thông về chứng tự kỷ "Tôi đã hiểu, còn bạn?" tiếp tục diễn ra tại TP.HCM vào cuối tháng Tư, thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là các em nhỏ, tìm hiểu và thay đổi nhận thức về vấn đề này. Nghệ sĩ Thái Thùy Linh cùng nhóm tình nguyện Tim Hồng đã phát động chương trình này nhằm bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ người tự kỷ, cung cấp những thông tin để phát hiện, can thiệp sớm chứng tự kỷ cho các gia đình tại Việt Nam.
Nghệ sĩ Thái Thùy Linh tâm sự: “Chúng tôi hy vọng chiến dịch không chỉ dừng lại trong tháng Tư - Tháng vì trẻ tự kỷ mà sẽ có những hoạt động nối tiếp. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng truyền thông đến trẻ em - là những đối tượng rất quan trọng, những truyền thông viên đắc lực.
Nếu chính các bé hiểu về tự kỷ và không kỳ thị các bạn, giúp đỡ khi các bạn đi học, chấp nhận các bạn học cùng mình, thông cảm với khó khăn của các bạn và tuyên truyền giúp cho thầy cô, bố mẹ hiểu về tự kỷ, chắc chắn tình trạng kỳ thị trẻ tự kỷ sẽ sớm chấm dứt. Khi có con tự kỷ, gia đình cần tìm hiểu và chấp nhận tình trạng của con để sớm can thiệp, nhằm giúp bé phát triển tốt hơn.
Mai Hương
Tôi muốn cùng con chia sẻ với những bé tự kỷ
Tôi vừa về tới sân bay, chỉ kịp chạy thẳng đến nơi diễn ra chương trình, thay đồng phục của chương trình để cùng thổi kèn với con mình và cậu bé tự kỷ. Tôi đã có món quà nhỏ nhưng thú vị dành cho cậu bé - một dây đeo kèn Saxophone mang về từ Mỹ “không đụng hàng”.
Dù rất bận nhưng tôi luôn muốn cùng con mình có mặt ở những nơi như thế. Lúc đầu, con gái tôi cũng dè dặt khi những người bạn tự kỷ lại gần, đưa tay bẹo má. Tôi nói với con, những hành động đó thể hiện các anh chị ấy yêu thương, muốn gần gũi con. Nếu là người bình thường, họ có thể biểu đạt mong muốn bằng trò chuyện, bằng ánh mắt… nhưng người tự kỷ thì không thể.
Đó là thiệt thòi không ai mong muốn, chúng ta cần hiểu và chia sẻ. Khi đã hiểu, con sẽ thấy những điều không bình thường đó thật ra là rất bình thường. Khi sẻ chia được với các bạn, cái tâm của cả bố và con đều tìm thấy sự an vui.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn