Nghe huyền thoại sống kể chuyện
Nữ anh hùng 42kg vác hai hòm đạn nặng 98kg, Đại tá tình báo khắc lên ngực bốn chữ “Coi như chết rồi”, Vị tướng lên kế hoạch đánh lừa địch hoàn hảo trong chiến dịch Tây Nguyên, Gùi 55 tấn hàng đi một vòng trái đất, “Chim sắt” của Biệt động Sài Gòn… Đó là những lời giới thiệu ngắn gọn, hấp dẫn về các nhân vật trong Những anh hùng thế kỷ XX phát sóng mỗi ngày trong mục Chuyển động 24h lúc 18g30 trên VTV1.
|
Anh hùng Lê Thị Thu Nguyệt trong một bức ảnh cũ |
Nhắc đến những anh hùng trong thời chiến hiện còn sống như La Văn Cầu - người đã chặt cánh tay, phá đồn địch; Phạm Tuân - phi công đầu tiên bắn hạ pháo đài bay B-52 của Mỹ và là người Việt đầu tiên bay vào vũ trụ…, hầu hết người dân Việt Nam hẳn đã quen thuộc bởi đã được đọc trong sách giáo khoa, tài liệu hoặc qua những lời kể. Chương trình Những anh hùng thế kỷ XX là cơ hội hiếm hoi để người xem gặp lại những anh hùng năm xưa, đi qua những thời khắc lịch sử của dân tộc bằng lời kể của người trong cuộc.
Với thời lượng chỉ hơn ba phút/số, chân dung và chiến tích của các anh hùng thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ được khái quát một cách cô đọng và đầy cảm xúc. Có lẽ sẽ không còn nhiều cơ hội nữa để lắng nghe những anh hùng còn sống chiêm nghiệm về quá khứ, về một thời tuổi trẻ nơi trận mạc.
Lịch sử hai cuộc kháng chiến của dân tộc ghi nhận vô vàn chiến công và nhiều anh hùng có câu chuyện với tình tiết ly kỳ. Như chuyện Anh hùng Lê Thị Thu Nguyệt (người góp phần phá hủy một tàu bay có 300 quân Mỹ, trong đó có 80 sĩ quan cao cấp) đóng giả làm người yêu của một nhân viên đưa hàng vào sân bay, bất ngờ bà bị vợ của người này bắt gặp và nổi cơn ghen. Chuyện Anh hùng Lê Duy Ứng sau khi trúng đạn nghĩ mình sắp hy sinh nên đã rút bút chấm máu từ đôi mắt bị thương của mình vẽ nên bức chân dung Bác Hồ. Hay chuyện Anh hùng Ngô Tùng Chinh tường thuật lại cách dùng dao lam tự mổ bụng lúc bị giam ở Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt năm 15 tuổi.
Những người lính chống Pháp, chống Mỹ giờ đây đã ở tuổi thất thập cổ lai hy kể chuyện đời mình bằng giọng nói hào sảng, truyền cho khán giả niềm xúc động, tự hào. Có một điểm chung nữa ở những con người vĩ đại kia, là tất cả đều không nghĩ danh hiệu anh hùng nhận được là của cá nhân mà thuộc về tập thể. Thành tích là do anh em đóng góp, trong đó xây dựng cho mình (đại tá Nguyễn Viết Sinh), Những gì gọi là thành tích, gọi là chiến công không thể nào thiếu đồng đội. Có đồng đội mới có mình (Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng), Bố mẹ tôi sinh ra tôi xương thịt chỉ còn 15% thôi. Còn 85% của các liệt sĩ. Anh em hy sinh cho mình sống mà (Trung tướng Khuất Duy Tiến)…
|
Anh hùng Nguyễn Văn Tàu - đại tá tình báo Tư Cang ở tuổi 94 |
Nếu không bây giờ, có thể sẽ là không bao giờ
Chương trình Những anh hùng thế kỷ XX lên sóng từ ngày 15/7 đến ngày 27/7 sẽ tiếp tục hành trình tìm đến nhiều anh hùng khác nữa cho các số phát sóng vào tháng 8, 9. Khán giả sẽ còn lần lượt được nghe những “huyền thoại” kể câu chuyện của họ. Đó là Anh hùng Nguyễn Văn Đức - vị thuyền trưởng đoàn tàu không số, nữ biệt động lừng danh Nguyễn Thị Minh Hiền - nguyên mẫu Hiếu bán bar trong vở cải lương Khách sạn hào hoa, “vua” mìn gạt Tô Văn Đực - người làm ra vũ khí tự tạo cho du kích Củ Chi đánh Mỹ, Anh hùng Hồ Thị Thu Hiền - người ba lần nhận truy điệu sống…
Chia sẻ lý do ra đời chương trình Những anh hùng thế kỷ XX, đại diện ê-kíp sản xuất - nhà báo Thành Vũ cho biết: “Thật đáng buồn khi chưa có một chương trình quy mô nào về chân dung những người anh hùng của thế kỷ XX - thế hệ cha chú xả thân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những anh hùng quả cảm thường chúng ta chỉ gặp trong những trang sách. Vì thế, chúng tôi đã nghĩ nếu mình kịp quay hình những người anh hùng vẫn còn sống để làm phóng sự tài liệu, sẽ lưu lại những câu chuyện lịch sử sống động cho nhiều thế hệ về sau.
|
Anh hùng Ngô Tùng Chinh rưng rưng chạm vào chiếc xe kỷ vật đã gắn bó với ông trong thời chiến |
Cơ hội để thực hiện những thước phim về họ không còn nhiều nữa. Thế hệ những người lính chống Pháp nay tuổi trung bình đã 80-90, nhiều người đã mất. Thế hệ những người hùng chống Mỹ cũng đã bước vào tuổi 70. Giờ là lúc tìm tới họ, để họ kể lại những câu chuyện đời mình, để hậu thế trân trọng và tự hào về lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Nếu bây giờ chúng ta không làm, thì có thể là không bao giờ làm điều đó được nữa. Tất cả các nhân vật xuất hiện trong chương trình đều được lựa chọn dưới sự tư vấn của Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh”. Nhà báo Thành Vũ cũng cho biết trong quá trình ghi hình, các thành viên trong ê-kíp không thể cầm lòng khi nghe những câu nói thành thật từ nhân vật của mình: “Các cháu hỏi gì thì hỏi nhiều luôn, sợ mấy năm nữa không còn ai mà trả lời”.
Đó là sự thật đau lòng, bởi thực tế là quỹ thời gian còn lại của những người lính năm xưa không còn nhiều nữa. Những thước phim của Những anh hùng thế kỷ XX vì thế không chỉ là những giờ học lịch sử ý nghĩa, thấm thía, mà còn có giá trị vượt thời gian, trở thành lời nhắn gửi cho thế hệ mai sau.
Hương Nhu