Những anh hùng sống mãi trong lòng dân

22/12/2023 - 19:21

PNO - Đã có nhiều tác phẩm viết về lực lượng vũ trang nhân dân, tình báo, biệt động… nhưng tập sách Sống để kể lại những anh hùng cho người đọc một tiếp cận khác, với những câu chuyện đời thường giản dị.

“30 năm xa em, như thế là quá đủ rồi”

Có mặt tại buổi ra mắt sách Sống để kể lại những anh hùng  của tác giả Nguyễn Quang Chánh - Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM - mới đây, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (AHLLVTND), đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang, nguyên Phó chính ủy Phòng Tình báo Miền - B2) gây xúc động cho người tham dự. Ở tuổi 95, người anh hùng huyền thoại vẫn còn rất minh mẫn, với cách trò chuyện hài hước và vẫn đầy nhiệt thành khi nhắc về một thời không thể nào quên. 

Cụm tình báo H.63, với sự chỉ huy của đồng chí Tư Cang và hạt nhân của lưới điệp viên này chính là X6 (Phạm Xuân Ẩn), được đánh giá là mạng lưới tình báo hoạt động thành công nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Đằng sau đó là sự hy sinh thầm lặng của gia đình người chiến sĩ kiên trung. Suốt 3 thập niên, ông Tư Cang phải xa vợ xa con - từ khi còn là chiến sĩ quân báo của Việt Minh tại Bà Rịa - Vũng Tàu đến lúc tập kết ra Bắc, trở về Nam hoạt động tình báo rồi trở thành Chính ủy Lữ đoàn đặc công biệt động 316 - đơn vị đã “tiến về Sài Gòn” ngày 30/4/1975. 

“Trong ánh đèn mờ của đêm muộn 30/4/1975, gia đình ông Tư Cang đã được sum họp. Lần đầu tiên ông được gặp mặt con gái và đứa cháu ngoại của mình. Nước mắt của ngày chiến thắng, nước mắt của ngày gặp mặt cứ tuôn trào. Ông gạt nước mắt cho bà và nói: Giờ thì anh sẽ không bao giờ bỏ em một mình nữa, 30 năm xa em như thế là đã quá đủ rồi” - trích Sống để kể lại những anh hùng.

Những cuộc chia ly được tác giả Nguyễn Quang Chánh ghi chép trong sách khiến lòng người nghẹn lại. Chọn tiếp cận từ góc độ hậu phương - gia đình cũng là cách kể chân thực, gần gũi mà cảm động, sâu sắc nhất về cuộc đời và những hy sinh to lớn của các chiến sĩ cách mạng. Rất nhiều “người đàn bà hóa đá vọng phu”, những đứa trẻ ra đời không có cơ hội được gặp cha, rất nhiều anh hùng đã không thể trở về…

“Chiến tranh đã đẩy đưa số phận của gia đình tôi, như bao người khác ở đất nước này, tới tận cùng đau khổ. Nhưng chúng tôi đã đứng lên mạnh mẽ để đi tới, góp sức cùng đồng bào để xây dựng đất nước từ đống tro tàn của chiến tranh và làm rạng rỡ Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp” - lời tâm sự của  AHLLVTND - đại tá Lê Bá Ước, như thay lời cho những anh hùng đã trở về với thời bình.

Năm 1965, đồng chí Lê Bá Ước (Bảy Ước) được cử về chỉ huy Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. 3 năm sau, vợ ông - y sĩ Kim Mến - cũng vượt Trường Sơn vào Nam sát cánh cùng chồng; nhưng rồi bà hy sinh sau một trận càn, khi vừa sinh con nhỏ chỉ vài tháng. Trên chiến trường ác liệt, người trung đoàn trưởng Đặc công Rừng Sác nén đau thương, chiến đấu can trường cho đến ngày giải phóng.

Sống để kể lại

“Ngày đó ác liệt lắm. Tao được lệnh của Bác Hồ không bay chiến đấu nữa, khi đã bắn hạ được 7 chiếc. Bác sợ tao tiếp tục không chiến có thể phải hy sinh. Bác Hồ muốn giữ tao còn sống để sau này thống nhất đất nước, chở Bác về miền Nam và kể cho đồng bào miền Nam nghe những chiến công đánh Mỹ trên đất Bắc” - AHLLVTND, phi công Nguyễn Văn Bảy lúc sinh thời đã kể với tác giả Nguyễn Văn Chánh như vậy. Người phi công huyền thoại lái máy bay tiêm kích MIG-17 Nguyễn Văn Bảy đã qua đời vào ngày 22/9/2019, nhưng cuộc đời ông đã ở lại trong những trang sách và sẽ còn sống mãi trong lòng bao thế hệ. 

Các tác phẩm của tác giả Nguyễn  Quang Chánh, viết về  những người anh hùng  lực lượng  vũ trang  nhân dân
Các tác phẩm của tác giả Nguyễn Quang Chánh, viết về những người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Tác giả Nguyễn Quang Chánh đã nhiều năm ngược xuôi Nam - Bắc, gặp gỡ các nhân vật, ghi chép về họ. Đó là câu chuyện về những người anh hùng tình báo Ba Trần (thiếu tướng Trần Văn Danh), Mười Nho (đại tá Nguyễn Xuân Mạnh); anh hùng biệt động Tư Chu (Nguyễn Đức Hùng), Tám Thảo - “bông hồng thép của ngành tình báo” cùng rất nhiều nhân vật anh hùng, liệt sĩ từ lực lượng đặc công, bộ binh, biệt động, không quân…

Nhiều câu chuyện được kể từ ký ức đồng đội hoặc gia đình các liệt sĩ. Tất cả góp phần làm đầy bức chân dung về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của những người lính cụ Hồ và về một giai đoạn không bao giờ quên của dân tộc. Gần 30 câu chuyện trong tập sách là những cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và số phận riêng của những người anh hùng, trong thời chiến và giữa thời bình. Đó cũng là số phận của lịch sử, của dân tộc trong chiến tranh. 

Ngày tác phẩm Sống để kể lại những anh hùng chính thức ra mắt, nhiều nhân vật trong sách đã tạ thế vì tuổi cao sức yếu, có người đã gần 100 tuổi, nhớ nhớ quên quên. Bởi thế mà những câu chuyện được kể trong sách đã trở thành tư liệu quý giá. 

Lục Diệp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI