Những anh hùng phương Nam gây náo nhiệt Tây đô

10/11/2024 - 13:12

PNO - Ngày 9/11, tại TP Cần Thơ, 2 đơn vị xã hội hóa của TPHCM là Công ty giải trí We và sân khấu Vũ Luân đã ra quân tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 với 2 vở diễn tôn vinh những người hùng của vùng đất Nam bộ là Tả quân Lê Văn Duyệt và thủ lĩnh kháng Pháp Nguyễn Trung Trực.

Nguyễn Trung Trực là một trong những vai diễn tâm đắc của NSƯT Vũ Luân.
Nguyễn Trung Trực là một trong những vai diễn tâm đắc của NSƯT Vũ Luân

Sân khấu Vũ Luân là một trong những sân khấu xã hội hóa cải lương có bề dày hoạt động. Qua nhiều năm thăng trầm, NSƯT Vũ Luân và thương hiệu sân khấu mang tên anh vẫn là cái tên được khán giả mộ điệu đón đợi. Anh hùng đất phương Nam (kịch bản: Vương Huyền Cơ, chuyển thể: Ngô Linh, đạo diễn: Ngô Quốc Khánh) được NSƯT Vũ Luân dốc nhiều tâm sức cho dịp hội nghề tại Tây đô lần này.

Chừng nào nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây - vở diễn Anh hùng đất phương Nam thể hiện hào khí của
Vở Anh hùng đất phương Nam thể hiện hào khí từ chính câu nói của Nguyễn Trung Trực: "Chừng nào nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây"

Trước đó, bản dựng hát bội với tựa đề Anh hùng của nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM đã để lại nhiều ấn tượng. Tác giả Vương Huyền Cơ cho biết, bên cạnh hình tượng nhân vật trung tâm là Nguyễn Trung Trực, chị mong muốn tôn vinh những anh hùng kháng Pháp, từ những người để lại tên tuổi trong sử sách như Trương Định, Nguyễn Trung Trực cùng các phó tướng của họ đến những nghĩa quân vô danh và trên hết là người dân Nam bộ.

NSƯT Vũ Luân và NS ƯT Tô Châu tái hiện hình tượng 2 anh hùng kháng Pháp là Nguyễn Trung Trực và Trương Định.
NSƯT Vũ Luân và NSƯT Tô Châu tái hiện hình tượng 2 anh hùng kháng Pháp là Nguyễn Trung Trực và Trương Định

Vở diễn cũng nhìn người anh hùng ở góc độ nhân văn, khi họ không chỉ là những chiến binh sắt thép, mà còn là người chồng, người cha, người con, cũng có những phút yếu lòng, cũng rơi nước mắt khi mất đi những người thân yêu nhất.

Những lát cắt bi tráng trong cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy hào khí của người anh hùng yêu nước Nguyễn Trung Trực (ông hy sinh ở tuổi 30) làm NSƯT Vũ Luân thực sự xúc động. Bản dựng cải lương lần này lại càng phát huy cái tình và nỗi niềm của nhân vật. Vũ Luân cũng có đầy đủ đất diễn để thể hiện sở trường qua giọng ca giàu nội lực của mình.

Chuông vàng vọng cổ Kim Luận vào vai bà Điều, người vợ tào khang hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp cứu quốc của chồng.
"Chuông vàng vọng cổ" Kim Luận vào vai bà Điều, vợ Nguyễn Trung Trực, đã hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp cứu quốc của chồng
NSND Phượng Loan trong vai mẹ Nguyễn Trung Trực
NSND Phượng Loan trong vai mẹ Nguyễn Trung Trực
Cảnh Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử tử
Cảnh Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử tử và an nghỉ trong vòng tay nhân dân là cảnh diễn đầy xúc động của Anh hùng đất phương Nam

Anh hùng đất phương Nam còn có sự góp mặt của nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phượng Loan, NSƯT Tô Châu, các nghệ sĩ Kim Luận, Quốc Khánh, Thanh Phong…

Trước đó, vào buổi sáng, Công ty giải trí We đã dự thi vở cải lương lịch sử Người mang 9 án tử (kịch bản: Phạm Văn Quý, chuyển thể: Võ Tử Uyên, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ). Mặc dù điều kiện sức khỏe và tinh thần của người nghệ sĩ không ở trạng thái tốt nhất vào buổi sáng nhưng Võ Minh Lâm, Hoàng Hải, Thy Trang, Bảo Trí, Thy Phương… đã làm khán phòng Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ nóng lên với màn trình diễn “đầy lửa”.

Nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải có hành trình vượt chông gai khi đảm nhận vai Tả quân Lê Văn Duyệt.
Nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải có hành trình "vượt chông gai" khi đảm nhận vai Tả quân Lê Văn Duyệt

Các nghệ sĩ cho biết, vở diễn thực sự vắt kiệt sức mình với các lớp diễn cao trào liên tiếp mà người nghệ sĩ, dù đất diễn ít hay nhiều, đều phải đáp ứng yêu cầu rất cao về nội lực ca diễn, vũ đạo lẫn sự chuyên tâm trên sàn diễn của đạo diễn Hoa Hạ.

NSƯT Thy Trang vào vai bà Đỗ Thị Phận, bạn đời và tri kỷ của Tả quân Lê Văn Duyệt.
NSƯT Thy Trang vào vai bà Đỗ Thị Phận, bạn đời và tri kỷ của Tả quân Lê Văn Duyệt
Ở lần thứ ba vào vai vua Minh Mạng, NSƯT Võ Minh Lâm ngày càng chứng tỏ bản lĩnh của một ngôi sao sân khấu.
Lần thứ ba vào vai vua Minh Mạng, NSƯT Võ Minh Lâm ngày càng chứng tỏ bản lĩnh của một ngôi sao sân khấu
NSƯT Bảo Trí tiếp tục tạo dấu ấn đặc sắc với vai Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý ở phiên bản cải lương.
NSƯT Bảo Trí tiếp tục tạo dấu ấn đặc sắc với vai Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý phiên bản cải lương

Sân khấu gần như luôn ở trạng thái động, Người mang 9 án tử có tiết tấu nhanh, mạnh hiếm thấy trên sân khấu cải lương. “Với Người mang 9 án tử, có thể thấy cải lương hoàn toàn không rề rà, ê a như nhiều người vẫn nghĩ, vẫn có nhịp điệu dồn dập không thua các vở kịch giàu kịch tính. Tuy nhiên, tôi sẽ thích hơn nếu vở có thêm khoảng lặng lắng đọng hơn, như thế sẽ “cải lương” hơn” - chị Ngọc Hy, một khán giả lặn lội từ TPHCM xuống Cần Thơ xem vở - cho biết.

Lê Văn Duyệt dùng quyền "tiền trảm hậu tấu" xử chém Huỳnh Công Lý là lớp diễn hấp dẫn bậc nhất vở Người mang 9 án tử

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 đang đi đến chặng cuối và ngẫu nhiên là nhiều đơn vị mạnh, chủ yếu từ TPHCM, lại tập trung dự thi. Với thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cũng như nguồn lực đầu tư, các vở diễn đều nhận được sự quan tâm từ giới làm nghề lẫn khán giả địa phương. Những ngày tới, các vở Lưu vong - Khí tiết một trung thần (Công ty Hồng Lạc Xuân), Người ven đô (sân khấu Đại Việt), Khúc tráng ca thành Gia Định, San hô đỏ (nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)… hứa hẹn tiếp tục khuấy động Tây đô.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI