Gặp lại những đồng đội xưa trong một chuyến tham quan đặc biệt, trong các cựu chiến binh lại gợi lên bao ký ức hào hùng xen với niềm tự hào trước những đổi thay của thành phố hôm nay.
|
Cựu chiến binh Dương Chí Kỳ cùng các chiến sĩ Điện Biên năm xưa trên đoàn tàu metro của TPHCM. Ảnh: Minh An |
Hồi ức về chiến dịch lịch sử
Sáng 26/4, ông Đinh Văn Phiên (95 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) bất ngờ hội ngộ người đồng đội năm xưa là ông Phan Huy Duyên (88 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) ngay cổng chờ nhà ga metro Bến Thành (quận 1). 70 năm về trước, 2 ông cùng là chiến sĩ Sư đoàn 316 (Sư đoàn Bông Lau) tham gia đánh cứ điểm đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Gặp nhau trong dịp đặc biệt này, trong lòng họ lại gợi lên bao ký ức.
Ông Phan Huy Duyên kể, cách đây 70 năm, để chuẩn bị cho trận đánh lịch sử, ông cùng đồng đội đã hành quân bí mật khoảng 400km từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ. Đường hành quân không quá dài, nhưng phải mất gần 1 tháng là vì phải tránh sự truy lùng gắt gao của địch.
“Để tránh địch phát hiện, chúng tôi hành quân theo cách ngày ngủ, đêm đi. Thời điểm ấy, bom nổ chậm của quân địch rải xuống như mưa, cuộc hành quân vô cùng hiểm nguy và gian khổ, nhưng khí thế chiến đấu luôn hừng hực” - người cựu chiến binh nhớ lại.
Đối với ông Duyên, Điện Biên Phủ là một dấu mốc lịch sử có máu và hoa. Kỷ niệm khiến ông nhớ nhất là cuộc gặp định mệnh giữa ông với người anh họ - liệt sĩ Phan Huy Hiệp - đúng vào ngày 7/5/1954 - ngày chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Ông Duyên kể, trong kháng chiến chống Pháp, ông cùng anh họ Phan Huy Hiệp bí mật tham gia lực lượng kháng chiến. Rồi những năm tháng “nằm gai nếm mật, máu trộn bùn non”, 2 anh em không gặp lại nhau.
Đến ngày 7/5/1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, lúc đi qua cầu Mường Thanh, ông Duyên bất ngờ gặp lại người anh họ cùng trong màu áo bộ đội cụ Hồ.
“Cuộc gặp kéo dài chừng 5 phút trên cầu Mường Thanh trong ngày đại thắng đó cũng là cuộc ly biệt của anh em tôi. Vì sau đó, anh tôi tiếp tục vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam và hy sinh năm 1968” - ông Duyên bùi ngùi.
95 tuổi, rời xa chiến trường Điện Biên Phủ đã 70 năm nhưng khi nhắc lại, cựu chiến binh Đinh Văn Phiên vẫn hừng hực “khí thế Điện Biên”. Ông Phiên quê gốc ở Hà Nam, vào bộ đội khi chỉ mới… mười mấy tuổi.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông làm quân y của Sư đoàn Bông Lau. Sư đoàn của ông được giao nhiệm vụ đánh đồi A1 nên không thể tránh khỏi những hy sinh, mất mát. Theo ông, Điện Biên Phủ là một chiến dịch kỳ tích mà điều làm nên kỳ tích ấy chính là lòng quyết tâm của cả một dân tộc chứ không chỉ của riêng những người lính trên chiến trường. Chính sức mạnh của dân tộc đã làm nên chiến thắng lịch sử.
Từ Điện Biên đến Sài Gòn - TPHCM
Từng trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” ở chiến trường Điện Biên, đại tá Trần Quang Triệu - (90 tuổi) nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 4 - còn là một trong những chiến sĩ đầu tiên tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Ông kể, mình vẫn nhớ như in hình ảnh thành phố vào thời khắc lịch sử 30/4, đâu đâu cũng hoang tàn, đổ nát. Vậy mà nay, thành phố đã thay da đổi thịt đến bất ngờ, những tòa nhà hiện đại vươn lên, giao thông đường hàng không, đường bộ nhộn nhịp, và nay thêm tuyến metro đầu tiên.
“Metro không chỉ là một phương tiện giao thông mà còn thể hiện sự phát triển kinh tế, trình độ văn minh của một đô thị. Có thể chưa sánh được với các nước phát triển, nhưng đất nước này, thành phố này đi lên từ chiến tranh, được như ngày hôm nay là quá đỗi tự hào. Tôi đã từng đi metro của các nước phát triển, thế nhưng chưa bao giờ có cảm xúc mãnh liệt như ngày hôm nay” - ông Trần Quang Triệu xúc động.
Vợ chồng đại tá Dương Chí Kỳ cũng đến ga Bến Thành từ rất sớm, trước giờ tàu chạy gần 2 tiếng. Ông bà không khỏi bất ngờ khi sâu bên dưới lòng đất đã hình thành một nhà ga hoành tráng và hiện đại. Vợ ông - bà Trần Thị Minh Châu (81 tuổi) - tự hào khi nhắc về chồng:
“90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, 55 năm tuổi quân, ông ấy đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vào sinh ra tử ở các trận chiến khốc liệt Điện Biên Phủ (1954) và Điện Biên Phủ trên không (1972)”.
|
Cựu chiến binh Dương Chí Kỳ cùng vợ là phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Minh Châu tham gia trải nghiệm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh: Minh An |
Bà bảo, lấy nhau năm 1967 thì vợ chồng xa nhau biền biệt. Sau ngày thống nhất lại tiếp tục phải xa nhau để ông công tác trong quân đội, còn bà thì học lên phó giáo sư. Mãi đến năm 1994, cả 2 mới được về ở hẳn bên nhau.
Như để bù đắp cho những tháng ngày đằng đẵng cách xa, bây giờ đi đâu họ cũng có đôi. Ông bà cùng nhau đi trải nghiệm ở những địa danh, những công trình kiến trúc, tự hào với sự đổi thay, phát triển từng ngày của đất nước, của thành phố. Và hôm nay có mặt trên tuyến metro đầu tiên của TPHCM, họ vô cùng tự hào khi hành trình phát triển thành phố ghi dấu thêm một công trình hiện đại.
Ông Dương Chí Kỳ nói: “Tôi thấy quá tuyệt vời khi các cựu chiến binh chúng tôi được trải nghiệm tuyến metro đầu tiên của thành phố. Đó là sự ưu ái, quan tâm mà chính quyền thành phố dành cho chúng tôi. Các cựu chiến binh chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được thụ hưởng những thành quả của thế hệ trẻ hôm nay làm ra. Tôi mong không chỉ metro số 1 mà thành phố cần sớm có thêm nhiều tuyến metro nữa, giao thông phải đi trước, hàng không, đường bộ, đường sắt đều phát triển thì thành phố mới phát triển mạnh mẽ được”.
Cựu chiến binh Đinh Văn Phiên cho biết, khi đất nước thống nhất, ông vào TPHCM sinh sống và xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình.
“Hôm nay được tham gia trải nghiệm trên đoàn tàu metro, tôi có cảm giác bồi hồi, rất khó tả. Được nhìn thành phố, nhìn đất nước mình phát triển từng ngày tôi thấy rất tự hào. Dân tộc mình đã chịu quá nhiều đau thương, mất mát, nhưng nhờ sức mạnh của toàn dân tộc nên đã vượt qua. Tôi nghĩ rằng, cũng với sức mạnh dân tộc đó, đất nước chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển hơn nữa” - ông Phiên lạc quan hy vọng.
|
Cựu chiến binh Trịnh Hữu Cán (93 tuổi, ngồi trước) và cựu chiến binh Dương Chí Kỳ cảm thấy tự hào khi trải nghiệm trên tàu metro Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh: Minh An |
Lần đầu tiên metro số 1 chạy hoàn toàn tự động Ngày 26/4 vừa qua, nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Ban Quản lý Đường sắt đô thị tổ chức đón các cơ quan đại diện nước ngoài tại TPHCM, các cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ và báo chí tham gia trải nghiệm đi trên đoàn tàu của tuyến metro số 1. Việc thử nghiệm và đánh giá an toàn các đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã được thực hiện từ năm 2023 đến nay. Quá trình thử nghiệm được thực hiện theo các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản và châu Âu để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho dự án khi đưa vào khai thác. Và trong những ngày qua, các đoàn tàu tuyến metro số 1 (nhà thầu Hitachi, Nhật) đã được chạy hoàn toàn theo chế độ tự động ATO/ATP (Automatic Train Operation). Nghĩa là quá trình chạy hay dừng các đoàn tàu được hệ thống thực hiện hoàn toàn tự động, không cần đến sự can thiệp của nhân viên lái tàu. Để thực hiện đợt thử nghiệm tự động này, nhà thầu đã huy động 7 đoàn tàu chạy đồng thời từ 8 - 18g hằng ngày với thời gian giãn cách khoảng 10 phút/chuyến. Tại mỗi ga, các đoàn tàu sẽ dừng 30 giây và hệ thống cửa chắn sẽ tự mở. Dự kiến thời gian thử nghiệm chế độ này sẽ được thực hiện trong khoảng 2 tuần, sau đó sẽ bắt đầu giai đoạn thử nghiệm tích hợp toàn bộ các hệ thống của dự án. Song song với quá trình thử nghiệm, công tác đào tạo thực hành các nhân viên cũng bắt đầu. Sau khi hoàn thành công tác đào tạo, nhân viên vận hành và bảo trì đảm bảo thành thạo, dự án sẽ chuyển sang giai đoạn vận hành thử trong thời gian khoảng 2 tháng trước khi vận hành chính thức. Ông HOÀNG MAI TÙNG Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (dự án metro số 1) |
Sơn Vinh - Minh Linh