Những ẩn dụ đẹp và buồn

22/12/2024 - 14:07

PNO - Trắng là một quyển tự thuật của tác giả Han Kang (sinh năm 1970 tại Gwangju, sau đó cùng gia đình chuyển đến sống ở Seoul, Hàn Quốc từ khi cô 10 tuổi) gồm những mẩu ghi chép đầy tính tự sự. Tác phẩm được trao giải Nobel văn chương năm 2024 “vì tác phẩm văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt, đối diện với những tổn thương lịch sử và làm lộ rõ sự mong manh của đời người”.

Đúng như cái tựa đầy cô đọng, Trắng bao gồm tất cả những thứ có màu trắng. Từ những thứ mang màu trắng nhìn được bằng mắt, câu chữ của Han Kang cũng vén lên bức màn trắng của tâm thức để có thể nhìn thấu những suy nghĩ xuyên qua hình ảnh đầy tính ẩn dụ cô đã cài vào trang viết. Vì vậy, Trắng không phải là một tác phẩm dễ đọc và dễ chạm với nhiều người.

Tầng tầng lớp lớp ý nghĩa được ẩn một cách khéo léo phía dưới những thứ cô cố tình đặt ra trước mắt bạn đọc, thoạt nhìn ngỡ là những thứ rất vô vị: tã quấn, áo sơ sinh, muối, tuyết, băng, trăng, gạo, sóng, mộc liên trắng, chó trắng, tóc trắng… Nhưng càng đi cùng câu chữ, càng thấy sự cao tay của tác giả dù có cảm giác cô chỉ ngồi đó nhẩn nha viết, chẳng quan tâm gì - ngoài việc đắp băng gạc cho nỗi buồn; giống như khoảnh khắc cô bình thản ngồi dùng bữa trong nhà, khi đón nhận tin Trắng được xướng tên ở giải Nobel.

Han Kang có thể khiến người đọc tò mò khi xới lên từng mảnh ký ức vụn vỡ. Nhưng xâu chuỗi lại mọi thứ, Trắng chính là chuyến tàu đưa cô ngược về quá khứ, thăm lại hồi ức đau buồn mà có lẽ chẳng thể nào bứt rời khỏi cuộc đời cô, cho đến cuối cùng. Trắng cũng chính là bài điếu văn cô đọc để tiễn biệt người chị vừa chào đời đã qua đời. Vừa là lời ly biệt, vừa là lời cảm ơn bởi nếu chị ấy không mất đi, Han Kang đã không được sinh ra. Từ cái chết của chị, cô hiểu rằng “Ở giữa bóng tối và ánh sáng, chỉ trong khoảng xanh ấy, chúng ta mới chạm mặt nhau” (Tất cả màu trắng).

Tôi bắt đầu đọc Trắng của Han Kang vào đầu mùa đông trong tâm thế tò mò muốn lý giải câu nói của cô: “Nếu không bệnh tật, tôi đã chẳng viết văn”. Quả thật, dường như Han Kang đã cố gói ghém nỗi buồn cho vừa vặn trái tim mình, chỉ việc thở thôi cũng buồn. Khi muốn viết về những thứ màu trắng đã liệt kê, cô tự hỏi “Nếu tôi lấy những từ này chà lên ngực, hẳn cũng sẽ có những câu văn nào đó tuôn chảy. Liệu tôi có thể đắp miếng gạc trắng và trốn giữa những câu văn ấy?”.

Nỗi buồn lớn của cô khởi từ những chia lìa, mất mát và cái chết trong thời ly đoạn, cũng từ đó soi rọi, kiến giải mọi ý nghĩa của cuộc sống. Cô hiểu ra câu ví von của mẹ về người chị “mặt trắng như bánh trăng tròn”. Bánh trăng tròn chính là thứ bánh làm từ bột gạo tẻ hình bán nguyệt. Trước khi hấp, bánh trăng tròn rất đẹp và hoàn toàn thanh sạch. Người chị - đứa trẻ mới sinh - cũng đẹp như “bánh trăng tròn”. Nhưng có lẽ điều đẹp đẽ ấy chẳng được phép tồn tại trên đời. Còn cuộc đời của Han Kang là cuộc đời của những cái bánh đã đi qua “nồi hấp”: có đau đớn, có bệnh tật, có những vấy bẩn…

Han Kang đang sống và nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của người chị. “Bằng đôi mắt của chị, em sẽ nhìn lá non quý nhất được giấu kín ở nơi sâu nhất và sáng nhất trong lòng cây bắp cải trắng. Bằng đôi mắt của chị, em sẽ nhìn cái lạnh lẽo của trăng bán nguyệt mọc giữa ban ngày…” (Tất cả màu trắng). Cô mạnh mẽ nói lời chia biệt với chị “Đừng chết. Hãy sống tiếp” vì “đó là lời chia biệt đẹp nhất mình có thể cất lên”.

Trắng là sự bắt đầu của mọi thứ và cũng là điểm kết thúc của tất cả.

Tác phẩm do Nhà xuất bản Hà Nội và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phát hành năm 2024.

Trà An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI