Những ám ảnh từ pháp đình

30/07/2018 - 09:01

PNO - Bằng cách tái dựng lại những vụ án có thật, chương trình Ký sự pháp đình (phát lúc 16g40, thứ Sáu hằng tuần, trên THVL1) đã để lại nhiều ám ảnh, day dứt và cả những cảnh tỉnh cho cộng đồng.

Số phát sóng được chia sẻ nhiều nhất gần đây là Lỗi lầm con trẻ - dựng lại vụ án diễn ra vào tháng 5/2016 tại Hải Dương - người chị chưa qua tuổi vị thành niên đã giết chết đứa em trai cùng cha khác mẹ.

Nhung am anh tu phap dinh
Cảnh trong tập Lỗi lầm con trẻ (ảnh chụp màn hình)

Thời điểm chương trình lên sóng, cô chị ngoài đời thật đã thụ án được hai năm trong mức án chín năm tù. Chỉ vì ghen ghét, cho rằng, em trai là nguyên nhân khiến mình không được cha quan tâm, yêu thương mà Nguyễn T. (trong chương trình đổi thành Trần Yến Nhi) đã giết em rồi quăng xác dưới mương.

Câu chuyện được tái dựng qua phần thể hiện của những gương mặt diễn viên không chuyên, nhưng rất chân thực. Tội vô ý giết người của một đứa trẻ mới 15 tuổi và tiếng khóc hoảng loạn của em trước vành móng ngựa thật xót xa.

Chín năm tù của con là bài học quá lớn cho tất cả những ai làm cha mẹ, để biết quan tâm đến con trẻ đang ở độ tuổi trưởng thành, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Những vụ án được tái dựng trong chương trình đều là những trường hợp đau lòng không thể ngờ trong các mối quan hệ gia đình.

Vợ - chồng, mẹ chồng - nàng dâu, em chồng - chị dâu, người yêu, anh chị em ruột/cùng cha khác mẹ… xoay quanh những mâu thuẫn, hiểu lầm, ghen tuông, đố kỵ… để rồi trong phút nóng giận bộc phát, tội ác đã được thực hiện theo những cách dã man, tàn độc mà chính người trong cuộc cũng không kiểm soát được.

Trước vành móng ngựa là nhiều cảm xúc, nhưng hầu hết bị cáo đều có chung nỗi hối hận muộn màng - khiến người thân mất mạng, bản thân vướng vào lao lý, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình.

Mỗi câu chuyện đều rất đời, gần gũi, có thể là bài học cho bất kỳ ai. Cả những phân tích tâm lý cấu thành hành vi tội phạm bộc phát cũng là cách để ta tập ứng xử trước những mâu thuẫn trong gia đình, ngoài xã hội.

Người có mặt trong mọi phiên tòa là phóng viên pháp đình Lê Dung - cũng là nhân vật truyền đi sự chia sẻ, những bài học và lòng trắc ẩn. Khoảng lặng trong mỗi tập ký sự chính là hình ảnh của những người đại diện của nguyên đơn, bị cáo.

Họ là cha, mẹ, vợ, chồng, anh chị em, người giám hộ… tất cả đều chịu đựng nỗi đau do người thân gây ra. Những bản án cho kẻ thủ ác tại tòa đều khô lạnh, đanh thép. Thông tin trên báo chí chi tiết, cụ thể.

Chỉ có những nỗi đau trở thành sự im lặng được nén lại trong lòng các bậc sinh thành. Chương trình Ký sự pháp đình đã hướng ống kính đến cả những giọt nước mắt ấy dưới góc nhìn khách quan, chân thực và cảm động. 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI