Những ai được ra đường trong 7 ngày Đà Nẵng "phong thành"?

14/08/2021 - 19:33

PNO - Chủ tịch TP. Đà Nẵng vừa ban hành quyết định, trong đó có quy định các trường hợp được ra đường trong 7 ngày "phong thành".

Từ 8g ngày 16/8 đến 8g ngày 23/8 dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chính quyền TP. Đà Nẵng yêu cầu mọi người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, nơi đang cư trú, “ai ở đâu thì ở đó”, không di chuyển đi lại ngoài đường; thực hiện tuyệt đối nhà cách ly với nhà; mọi người không được di chuyển ra, vào thành phố.

1. Trong thời gian này, những người thực hiện các hoạt động sau đây được phép ra ngoài:

a) Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

b) Thực hiện vệ sinh môi trường đô thị; chăm sóc cây xanh đô thị; xử lý sự cố điện, cấp thoát nước, thông tin, viễn thông.

c) Thực hiện vận chuyển, cung ứng dược phẩm, vật tư y tế, hóa chất cho các cơ sở y tế; vận chuyển phân phối lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu cho người dân; vận chuyển giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng đến địa điểm giao hàng và ngược lại; vận chuyển công vụ; bưu chính nhà nước.

d) Đi cấp cứu; khám, chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; xét nghiệm SARS-CoV-2; tiêm chủng COVID-19; người đi cách ly, hoàn thành cách ly y tế tập trung; xuất viện; đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài khi đã có vé.

đ) Thực hiện tác nghiệp báo chí: Tối đa 6 người/đơn vị phát thanh, truyền hình; tối đa 2 người/báo in, báo điện tử (trừ các loại hình tạp chí).

e) Hoạt động tang lễ phải đảm bảo theo quy định tại mục 7 Chỉ thị số 05/CT-UBND.

Chính quyền Đà Nẵng quy định cụ thể những người được phép ra đường trong thời gian phong tỏa chặt thành phố
Chính quyền TP. Đà Nẵng quy định cụ thể những người được phép ra đường trong thời gian phong tỏa chặt thành phố

2. Những người thực hiện các hoạt động tại nơi làm việc, nơi sản xuất phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) và được xem là một điểm cách ly, phải tuân thủ tuyệt đối quy định 5K:

a) Làm việc tại các cơ quan, công sở nhà nước với số lượng không quá 10%.

b) Làm việc tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (siêu thị mini), công ty thương mại đầu mối.

c) Làm việc tại các nhà thuốc/quầy thuốc; các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; các cơ sở cách ly y tế tập trung.

d) Làm việc tại các cơ sở cung cấp gas, cấp điện, cấp nước, xăng dầu; ngân hàng; bưu chính, viễn thông; cảng hàng không, cảng biển, nhà ga đường sắt, trạm quản lý đường bộ; cơ sở sản xuất suất ăn công nghiệp.

đ) Làm việc tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao (chỉ được bố trí tối đa 30% số người làm việc).

3. Những người được phép tham gia các hoạt động khẩn cấp và quan trọng khác do Chủ tịch UBND thành phố hoặc Chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định theo thẩm quyền.

4. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thời gian dừng hoạt động phải đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ tại đơn vị. Trường hợp bố trí lãnh đạo, nhân viên trực phải bảo đảm nguyên tắc “3 tại chỗ”.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI