Nhức nhối tình trạng “cô dâu trẻ con” trong đại dịch

05/08/2021 - 06:16

PNO - Cưỡng ép hôn nhân từ lâu đã là vấn đề ở Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh… nhưng đại dịch đã khiến tình hình tồi tệ hơn nhiều khi các cuộc tảo hôn gia tăng. Nguyên nhân đau lòng của tình trạng này là nhiều gia đình nghèo khó muốn sớm gả con gái để giảm bớt miệng ăn.

Các cô dâu tuổi teen 

Sharolika Parvin, 16 tuổi ở Kurigram, một huyện biên giới ở Bangladesh, thích chơi bóng và từng tham gia các giải đấu cấp quốc gia. Ba năm trước, cô bé thậm chí còn được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất giải bóng đá học sinh ở đây. Nhưng giờ, ước mơ tốt nghiệp đại học và chơi bóng cấp quốc gia của cô đã tan thành mây khói. Cha mẹ của Sharolika đã gả cô cho một thợ cơ khí 17 tuổi vào đầu năm nay. Người chồng không cho phép cô chơi bóng nữa. Cha Sharolika - một nông dân - cho biết ông đang phải vật lộn để chu cấp cho gia đình trong đại dịch: “Tôi còn phải nuôi hai đứa con trai nữa. Gả con gái giúp tôi giảm bớt áp lực tài chính”.

 

UNICEF phát hiện ra rằng hơn 50% trẻ em gái ở Bangladesh kết hôn trước 18 tuổi
UNICEF phát hiện ra rằng hơn 50% trẻ em gái ở Bangladesh kết hôn trước 18 tuổi

Tại ngôi làng hẻo lánh nơi Sharolika sống, ít nhất sáu người bạn gái chơi bóng với cô cũng đã kết hôn trong năm nay. Những câu chuyện về sự gia tăng các cuộc tảo hôn trong đại dịch cũng đã xuất hiện ở các vùng khác của đất nước này. Rumi, 15 tuổi ở miền Trung Bangladesh, lẽ ra đã theo đuổi ước mơ học đại học nếu không phải vì đại dịch. Thay vào đó, cô đang sống với cha mẹ chồng như một nàng dâu… trẻ con.

Trong khi đó, Jani ở thung lũng Swat của Pakistan đã trải qua một năm “sống trong sợ hãi” bởi gia đình luôn nói rằng, em phải kết hôn khi đã 16 tuổi. Vì đại dịch, cả gia đình ngày càng khó khăn nên cha mẹ nói Jani nên kết hôn càng sớm càng tốt. Riêng người anh thì thường xuyên hét vào mặt em: “Kết hôn đi, mày là gánh nặng cho gia đình”.

Neha Rampal, 15 tuổi ở ngôi làng nhỏ thuộc miền Bắc Ấn Độ, đang tìm cách để giải thoát khỏi hôn ước từ năm 12 tuổi mà gia đình đã định đoạt. “Khi đại dịch bắt đầu, cha mẹ càng muốn gả tôi đi nhưng tôi phải nhắc lại nhiều lần rằng, tôi muốn đi học. Nếu ép buộc, tôi sẽ tự tử”. Neha cho biết, sau này cô muốn trở thành cảnh sát: “Một khi trở thành cảnh sát, tôi sẽ phá vỡ hôn ước này”.

Đại dịch làm gia tăng nạn tảo hôn

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), kết hôn ở trẻ em đang là vấn nạn nhức nhối khắp khu vực Nam Á. Pintu Paul, nhà nghiên cứu về tảo hôn tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển khu vực của Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), cho biết, hôn nhân cưỡng bức là vấn đề dai dẳng ở khu vực này và đại dịch đã làm trầm trọng thêm khi hàng triệu người mất việc làm. Ở Ấn Độ, tuổi kết hôn hợp pháp đối với trẻ em gái là 18 nhưng theo dữ liệu của UNICEF năm 2018, khoảng 27% trẻ em gái ở Ấn Độ kết hôn trước độ tuổi này và trong đại dịch còn tăng hơn.

Qamar Naseem, điều phối viên của nhóm phi lợi nhuận Blue Veins, hoạt động ở Tây Bắc Pakistan, cho biết, các gia đình nghèo ở quốc gia này thường coi phụ nữ là gánh nặng kể từ khi các em bắt đầu dậy thì, và điều này càng căng thẳng hơn trong đại dịch. “Vì thế, gả con gái càng sớm càng tốt với họ dường như là một lựa chọn dễ dàng”, Naseem nói.

Cũng theo UNICEF, Bangladesh là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới và là quê hương của khoảng 38 triệu cô dâu dưới tuổi vị thành niên, với tỷ lệ tảo hôn hơn 50% tổng số các cuộc hôn nhân. Tổ chức Manusher Jonno, một tổ chức phi chính phủ, cho biết đã có 13.886 cuộc hôn nhân ở trẻ em trong bảy tháng đầu tiên của đại dịch. Gần một nửa trong số những người đã kết hôn có độ tuổi 10 - 15.

Tháng Mười năm ngoái, Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã báo cáo 191.000 trường hợp tảo hôn xảy ra trong khu vực Nam Á trong năm 2020. Tiến sĩ Umme Busra Fateha Sultana, giáo sư và chủ nhiệm Khoa Phụ nữ và Giới tính tại Đại học Dhaka, Bangladesh, cho hay, đại dịch đã làm hỏng những tiến bộ mà nhiều nước đã đạt được trong việc kiềm chế nạn tảo hôn. 

Sultana chỉ ra rằng, cha mẹ hoặc người giám hộ các em gái thường không đăng ký ngày sinh đúng ngày, điều này giúp che giấu tuổi thật của các em. Ví dụ, nhiều trường hợp các em nhỏ kết hôn nhưng trên giấy tờ thường là thể hiện trên 18 tuổi. Thực tiễn này khiến nhiều người tin rằng số lượng tảo hôn ở Nam Á thực sự cao hơn khoảng năm lần so với những con số được công bố.

Thảo Nguyễn (theo AFP, SCMP

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI