Nhức nhối nạn 'chặt chém' du khách tại Huế

01/08/2018 - 09:00

PNO - Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang bước vào cao điểm của mùa du lịch năm 2018. Thế nhưng, vấn nạn “chặt chém”, chèo kéo du khách đã làm Huế mất điểm đối với du khách trong và ngoài nước.

Trả giá xuống một nửa, vẫn hớ

Trong số các điểm tham quan của du khách khi đến Huế, chợ Đông Ba luôn là lựa chọn số 1. Họ đến đây để tìm mua sản vật đặc trưng của miền núi Ngự, sông Hương về làm quà cho người thân. Ước tính, mỗi ngày, chợ thu hút khoảng 10.000 du khách đến tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, địa điểm này đang trở nên xấu xí trong mắt du khách vì nạn hét giá, “chặt chém” và móc túi diễn ra thường xuyên. 

Nhuc nhoi nan 'chat chem' du khach tai Hue
Du khách thường xuyên bị “chặt chém”, móc túi khi tham quan, mua sắm tại chợ Đông Ba

Anh Hoàng Anh Giang - một nhân viên hướng dẫn du lịch kỳ cựu tại TP.Huế - cho biết, trung bình mỗi ngày, anh dẫn hai đoàn tham quan mua sắm ở chợ Đông Ba. Anh luôn dặn du khách, khi mua hàng, phải trả giá xuống còn một nửa. Đặc biệt, khách phải bảo quản tài sản, túi xách để không bị móc túi. "Mình người Huế chính gốc mà nhiều lúc đi mua sắm cuối tuần cũng bị “chặt chém” như thường, nói chi đến khách du lịch. Hôm rồi, chuẩn bị năm học mới cho con, vợ chồng mình đi mua cặp sách, đã trả giá xuống còn một nửa mà vẫn bị hớ, vì một số tiểu thương hét giá gấp 3 lần giá thực” - anh Giang lắc đầu.

Trước đây, khi nạn móc túi và trộm cắp ở chợ Đông Ba rộ lên, công an đã lập một trạm an ninh chốt ở chợ để xử lý các vụ việc “nóng”. Khi tình hình tạm ổn, trạm này không còn. Thượng úy Trần Anh Tuấn - Phó trưởng Công an P.Phú Hòa, TP.Huế - cho biết, nạn móc túi và trộm cắp ở chợ Đông Ba tuy có giảm so với những năm trước, nhưng vẫn còn nhiều.

Cũng theo Công an P.Phú Hòa, để giúp người dân và du khách cảnh giác, ngay phía trước trụ sở công an phường, đối diện chợ Đông Ba, có treo bảng thông báo kèm ảnh những đối tượng chuyên móc túi trong chợ. Tuy nhiên, nhiều du khách khi bị trộm cắp tài sản lại "quên" trình báo cơ quan chức năng. Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ đầu năm 2017 đến nay, cơ quan này đã kiểm tra và xử lý hơn 450 vụ liên quan đến niêm yết giá tại chợ Đông Ba và một số chợ lớn ở  TP.Huế, xử phạt hơn 300 triệu đồng.

Ngoài ra, tại các điểm tham quan ở xa trung tâm thành phố như lăng Minh Mạng, lăng Đồng Khánh và chùa Linh Mụ, nhiều du khách phản ánh: một số quầy bán nón mũ, quần áo, nước giải khát… cũng “chặt chém” với giá cao gấp đôi, khiến du khách cảm thấy bất an, chán nản.

Xích lô hét giá “trên trời”

Xe xích lô đã trở thành một nét văn hóa ở TP.Huế. Tuy nhiên, hình ảnh đẹp này đang bị không ít người làm xấu đi khi cố tình lừa du khách. Mới đây nhất, vợ chồng bà Helena Phan Nguyen (người Mỹ gốc Việt) đi bộ trên đường Nguyễn Thái Học thì một tay xích lô ngỏ lời mời chở họ đi tham quan. Sau khi đồng ý lên xe, cặp vợ chồng Việt kiều được chở đến kinh thành Huế dạo một vòng rồi trở về khách sạn với quãng đường khoảng 6km.

Với quãng đường đó, thông thường, du khách chỉ mất 200.000 đồng, nhưng vợ chồng Việt kiều này đã bị “chém” 1,5 triệu đồng. Bức xúc, họ phản ánh và cung cấp các hình ảnh, thông tin liên quan đến Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thanh tra sở này đã tìm ra tay xích lô “chặt chém” du khách là ông Tống Anh Thạnh - trú tại P.Phú Hậu, TP.Huế. Tại buổi làm việc, ông Thạnh thừa nhận hành vi “chặt chém”, bị buộc phải trả lại 1 triệu đồng, đồng thời bị phạt hành chính.

Tình trạng du khách bị xích lô “chặt chém” là khá phổ biến. Anh Nguyễn Minh Tâm và một người bạn vừa đến Huế cách đây vài ngày cũng bị dính “quả đắng” khi trải nghiệm phố phường bằng xích lô. Cụ thể, anh gọi xe đi từ khu di sản Huế về khách sạn, chiều dài đường khoảng 2km, được thông báo giá 200.000 đồng, nhưng khi đến nơi thì bị đòi giá gấp đôi. Hiện TP.Huế có hơn 2.000 xích lô hoạt động, trong đó, chỉ khoảng hơn 350 người tham gia Nghiệp đoàn Xích lô - Xe thồ, một số ít do các đơn vị du lịch khai thác. Thế nên, nhiều xích lô hoạt động tự do và rất dễ xảy ra tình trạng tiêu cực. 

Ông Lê Hữu Minh - Quyền giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế - thông tin: rất khó xử lý những vụ việc như “chặt chém”, móc túi ở chợ Đông Ba hay xích lô lừa, mà chỉ vào cuộc khi có thông tin từ du khách. “Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện không phải là việc riêng của ngành du lịch mà còn của chính quyền địa phương. Khi bị “chặt chém”, móc túi, lừa tiền, du khách cần trình báo để cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý” - ông Minh giải thích. 

Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI