Nhức nhối nạn buôn lậu đường cát qua biên giới

22/06/2018 - 14:00

PNO - 10/10 điểm kinh doanh đường cát ở TP.HCM khi bị kiểm tra đều không có hóa đơn chứng từ, vi phạm nhãn hàng hóa, giả xuất xứ.

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM phối hợp với tổ kiểm tra của Bộ Công thương kiểm tra, phát hiện 10/10 điểm kinh doanh đường cát ở TP.HCM đều không có hóa đơn chứng từ, vi phạm nhãn hàng hóa, giả xuất xứ, thu giữ gần 750 tấn đường cát. 

Cụ thể, qua kiểm tra hai điểm kinh doanh tại Q.5 và hai điểm tại Q.6, Đội QLTT 1A tạm giữ 708 tấn đường cát nhãn hiệu “Cơ sở Ngọc Bích” ghi không đầy đủ nội dung theo quy định và gần 1,6 tấn đường cát đựng trong bao giấy không có nhãn hàng hóa.

Đội QLTT 3A kiểm tra Công ty TNHH TM Hoàn Bảo Nguyên (P.10, Q.6), phát hiện cơ sở này đang đóng gói đường cát mang nhãn hiệu “Công ty TNHH TM Hoàn Bảo Nguyên”, tạm giữ 9 tấn đường cát loại 1kg/gói và 3,5 tấn đường cát loại 5kg/gói.

Đáng lưu ý, lực lượng kiểm tra còn tạm giữ 5 tấn đường cát vàng có nhãn ghi “Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng” đã hết hạn sử dụng từ tháng 4/2018. Đội QLTT 5A kiểm tra một cơ sở ở Q.6, thu giữ hơn 32 tấn đường cát, đường phèn không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc.

Đại diện Chi cục QLTT TP.HCM cho biết, tình trạng kinh doanh đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ… ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đường cát từ Thái Lan, Campuchia tuồn vào Việt Nam qua các tỉnh biên giới Tây Nam về TP.HCM ngày càng nhiều, do giá rẻ hơn so với đường cát sản xuất trong nước. 

Nhuc nhoi nan buon lau duong cat qua bien gioi
Nhức nhối nạn buôn lậu đường cát. Ảnh minh họa.

Tại hội nghị “Triển khai đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các tỉnh Tây Nam bộ” do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức ngày 19/6 tại TP.HCM, ông Lê Văn Nưng - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (ban chỉ đạo 389) tỉnh An Giang - cho biết, ở tuyến biên giới của An Giang (giáp với Campuchia), buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn ra khá rầm rộ, mặt hàng phổ biến là thuốc lá ngoại, đường cát Thái Lan… Các điểm nóng buôn lậu chủ yếu tập trung tại thị trấn Long Bình (H.An Phú), thị trấn Tịnh Biên (H.Tịnh Biên), xã Vĩnh Xương  (thị xã Tân Châu).

Bà Lê Thị Minh Phụng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - thông tin: đường lậu từ Thái Lan vượt biên vào Việt Nam vẫn còn nguyên bao bì ngoại, sau khi cập bến tàu, sẽ được các xe máy chờ sẵn vận chuyển thẳng đến điểm tập kết là các doanh nghiệp được cấp phép san chiết đường cát.

Tại đây, đường lậu được đóng gói, gắn mác đường Việt Nam và phân phối khắp nơi. “Việc kiểm tra, xử lý đường cát trong kho gặp rất nhiều khó khăn. Cùng một hóa đơn, chứng từ nhưng các đối tượng sử dụng quay vòng cho nhiều lô hàng khác nhau. Khi bị kiểm tra, họ đối phó bằng cách thành lập nhiều cơ sở trong nước có mua bán mặt hàng đường cát do người nhà đứng tên, rồi xuất hóa đơn qua lại cho nhau” - bà Phụng nói.

Theo ông Đàm Thanh Thế  - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, để giải quyết tình trạng buôn lậu đường cát, các đơn vị hữu trách phải vừa đấu tranh ngăn chặn, vừa kêu gọi người dân không tiếp tay cho các đối tượng kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng gian, hàng lậu, đồng thời tăng cường kiểm tra đột xuất, bất ngờ các điểm trọng yếu, kịp thời khen thưởng cán bộ làm tốt cũng như xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá: buôn lậu trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp là do người dân còn tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu; thế trận bảo vệ an ninh nhân dân còn hạn chế, có lỗ hổng; chưa đáp ứng kịp thời phương tiện cho lực lượng chức năng…

Nguyễn Cẩm 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI