Nhức đầu sau khi ngủ dậy, người phụ nữ suýt tử vong

27/10/2021 - 11:35

PNO - Vừa ngủ dậy, bà C. cảm thấy đau đầu nhiều, tưởng bình thường nên bà không để ý, tuy nhiên sau đó bà bị té ngã, méo miệng, yếu liệt nửa người.

 

Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhân, ảnh BVCC
Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhân, ảnh BVCC

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cứu sống một trường hợp đột quỵ cấp do nhồi máu não nhờ kích hoạt Code Stroke (quy trình cấp cứu đột quỵ cấp) trong “giờ vàng”.

Theo đó, cách nhập viện 6 ngày, bà N.T.C. (63 tuổi, ở TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) thường hay thức dậy sớm. Ngày 21/10, sau khi thức giấc, bà cảm thấy đau đầu, cơn đau ngày một nhiều hơn, lúc này bà C. vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường nên nghĩ chỉ là cơn đau thoáng qua. Tuy nhiên, khoảng 15 phút sau, bà bỗng nhiên bị té ngã, méo miệng, yếu liệt nửa người bên phải, người nhà phát hiện đưa bà C. đến một bệnh viện tại địa phương cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bà bị đột quỵ cấp, sau sơ cứu ban đầu, bệnh viện chuyển bà C. đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long để đảm bảo "giờ vàng" cấp cứu.

Ngay khi tiếp nhận thông tin, khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã kích hoạt Code Stroke (quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp) sẵn sàng sau khi tiếp nhận bà C. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, kết quả bà C. có cục máu đông ở động mạch não cần phải xử lý ngay.

Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ can thiệp, bác sĩ đã loại bỏ huyết khối, tái thông lòng mạch cho bà C. Tiếp tục chuyển bà đến khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) theo dõi. Sau một ngày, các sinh hiệu của bà C. trở lại bình thường, tiếp xúc tốt.

BS.CKI Nguyễn Hữu Thái - Phó khoa Ngoại Tim Mạch – Can Thiệp Nội Mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, đột quỵ nhồi máu não xảy ra do tình trạng tắc nghẽn động mạch não gây tổn thương nhu mô não. Đột quỵ nhồi máu não có tỷ lệ tử vong cao, mức độ di chứng nặng nề. Việc chẩn đoán và xử trí đột quỵ cấp trong “giờ vàng”, tái thông nhanh chóng mạch máu bị tắc rất quan trọng. Như trường hợp của bà C., nếu được gia đình đưa đến bệnh viện trễ thêm vài giờ đồng hồ rất khó cứu sống bà, chưa kể đến nhiều di chứng có thể xảy ra.

BS.CKI Đỗ Văn Phẩm - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) nói thêm: "Khác với những bệnh khác, đột quỵ não đòi hỏi sự can thiệp kịp thời để não được cung cấp máu trở lại nhằm duy trì hoạt động, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chết tế bào não, để lại những di chứng tàn phế không hồi phục, thậm chí tử vong.

Với đột quỵ, thời gian là yếu tố tiên quyết, mỗi giây đều quý giá, mỗi 15 phút điều trị sớm sẽ giúp người bệnh giảm 4% tử vong và tăng 4% cơ hội sống sót sau đột quỵ. Nếu được tầm soát, chẩn đoán sớm, bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể kiểm soát và can thiệp được. Do đó chúng ta nên kiểm tra định kỳ và khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ đột quỵ nên đến ngay trung tâm đột quỵ chuyên sâu gần nhất để được chẩn đoán và xử trí nhanh nhất".

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI