Nhựa tái chế vô thời hạn làm từ… vi khuẩn

17/08/2023 - 11:52

PNO - Các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Berkeley (California, Mỹ) đã phát triển một loại nhựa có thể tái chế vô thời hạn được gọi là polydiketoenamine (PDK), góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm đang gia tăng trên thế giới.

 

Các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm Berkeley cầm các mẫu nhựa PDK có thể tái chế vô thời hạn - một cải tiến vượt bậc so với nhựa truyền thống - ẢNH: THOR SWIFT (Berkeley Lab)
Các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm Berkeley cầm các mẫu nhựa PDK có thể tái chế vô thời hạn - một cải tiến vượt bậc so với nhựa truyền thống - ẢNH: THOR SWIFT (Berkeley Lab)


Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) ước tính rằng thế giới tạo ra khoảng 400 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm. Con số này được dự đoán sẽ tăng hơn 1 tỉ tấn vào năm 2050. Chỉ có khoảng 10% rác thải nhựa được tái chế, còn lại hầu hết bị đem đốt hoặc vứt bỏ ở bãi rác.

Tiến sĩ Brett Helms - Trưởng nhóm dự án - giải thích rằng, không giống như nhựa truyền thống, PDK có thể được tái cấu trúc nhiều lần thành các khối xây dựng “nguyên sơ” và tạo thành những sản phẩm mới mà không làm giảm chất lượng. Sau một nghiên cứu kéo dài 4 năm, nhóm đã thành công trong việc dùng vi khuẩn E. coli để biến đường từ thực vật thành một số nguyên liệu ban đầu, từ đó tạo ra một loại PDK với khoảng 80% hàm lượng sinh học.

Jeremy Demarteau - một nhà khoa học của dự án - nói rằng: “Nhựa với 100% hàm lượng sinh học có thể tái chế là hoàn toàn khả thi”. Ông cho biết PDK có thể được sử dụng để tạo ra một số sản phẩm như chất kết dính, dây cáp máy tính, dây đeo đồng hồ, vật liệu xây dựng…

“Nhóm nghiên cứu muốn giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa bằng cách tạo ra các vật liệu có khả năng tái tạo sinh học và tuần hoàn, đồng thời khuyến khích các công ty sử dụng chúng” - Jay Keasling - giáo sư tại phòng thí nghiệm Berkeley - bày tỏ.

Hà Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI