“Vầy mới gọi là công viên”
Ông Nguyễn Hoàng Sơn - ở 416 Ngô Gia Tự, quận 10 - vừa đặt cây gậy dưỡng sinh xuống chiếc ghế, vừa đưa tay chỉ quanh công viên: “Vợ chồng tôi sống ở đây hơn 40 năm rồi. Nhà cách công viên chưa đầy 300 mét nhưng từ sau năm 2017, chúng tôi mới dám ra đây tập thể dục, đi bộ. Ngày trước, muốn đi tập thể dục, các ông ở khu phố tôi phải né hướng này, kẻo mấy bà nghi”. Nói rồi, ông tủm tỉm cười.
|
Sau khi được chỉnh trang, công viên Văn Lang là nơi luyện tập thể thao, sinh hoạt văn hóa của người dân |
Thấy chúng tôi ngơ ngác, vợ ông tiếp lời chồng: “Khu này xưa phức tạp lắm. Bên đường Nguyễn Chí Thanh kia, mỗi gốc cây là địa bàn của một hai cô gái làm nghề mại dâm. Chị em nào không biết chuyện, đứng xớ rớ đón xe thôi cũng khổ. Bên này công viên Văn Lang, cũng đủ loại hình tệ nạn: bài bạc, hút chích. Mấy năm nay, công viên mới trở lại đúng tên gọi”.
Nằm ở giao lộ Nguyễn Chí Thanh - Hùng Vương và An Dương Vương - Ngô Quyền, công viên Văn Lang là một quần thể kiến trúc đẹp: một bên là giáo đường, một bên là Trung tâm Hành chính quận 5, sát đó là Nhà thiếu nhi quận 5.
Thế nhưng, như lời chị Diễm Chi - sinh hoạt ở Câu lạc bộ Sáng tác của Nhà thiếu nhi quận 5 những năm 1994-2000: “Không gian công viên những năm đó rất đẹp, cây lá xanh mướt, rất phù hợp để tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, nhưng mỗi lần đưa các em nhỏ ra đây sáng tác, lại hồi hộp, lo âu, sợ bị mất đồ, lo các em gặp người xấu”.
Năm 2017, chính quyền quận 5 bắt tay cải tạo công viên Văn Lang. Cuối năm đó, công viên Văn Lang thay đổi hoàn toàn. Ngày khánh thành, người dân thích thú với công viên mới khang trang, có nhạc nước rực rỡ sắc màu. Từ đó, nơi đây thành địa điểm thân quen để mọi người sinh hoạt, tập thể dục mỗi sáng, là nơi các đoàn thể tổ chức các hoạt động cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Hà - quê ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, bán vé số ở khu vực này 15 năm nay - thật thà: “Ngày trước cầm xấp vé số trong tay, đi qua khu này, tôi vừa phải bước nhanh, vừa phải quan sát dưới đất để né kim tiêm. Bây giờ, như vầy mới gọi là công viên nè”.
Khởi sắc từ khâu chỉnh trang đô thị
Trong 5 năm qua (2015-2020), Đảng bộ, UBND quận 5 đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị nhằm cải thiện môi trường sống và phát triển kinh tế. UBND quận 5 đã cho khảo sát, đánh giá hiện trạng, đầu tư sửa chữa được 69/212 chung cư, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để dân tự sửa chữa và xây dựng mới nhà ở (với các hộ khó khăn, các đoàn thể bảo lãnh vay vốn từ nhiều nguồn).
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Quận ủy quận 5 - cho biết, từ sau Đại hội Đảng bộ quận 5 nhiệm kỳ 2015-2020, chính quyền Q.5 đã kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa và chi ngân sách để cải tạo vỉa hè, cải tạo các mảng xanh (công viên Văn Lang, Thuận Kiều, Hòa Bình, An Bình, khu bắc Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông, trước Trường đại học Sư phạm TPHCM), làm cho đô thị ngày càng khang trang, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, đời sống của nhân dân. Hiện quận 5 có hơn 34.000m2 đất công cộng duy trì được mảng xanh”.
Chính quyền quận cũng tổ chức chỉnh trang, sắp xếp lại các khu phố chuyên doanh như phố đèn lồng, thêu phướn, làm đầu lân, viết liễn, phố Đông y, phố vàng bạc, đá quý… Anh Nguyễn Thành Ân - hướng dẫn viên du lịch tại TPHCM cho biết: “Gần đây, du khách nói tiếng Pháp đến TPHCM thường yêu cầu tôi dẫn qua quận 5 để xem các chùa chiền, khu phố chuyên doanh. Họ thường ở quận 5 hai ngày, đi xem hết 19 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Họ tỏ ra thích thú khi thấy chùa chiền, di tích được bảo tồn khá tốt, nhiều con đường luôn rợp bóng cây xanh”.
Là một hướng dẫn viên du lịch đã về hưu từ hơn chục năm trước, bà Nguyễn Thị Hoàng Mai ngày ngày đến Thánh thất Sài Gòn - 891 Trần Hưng Đạo, quận 5 - giúp việc trong họ đạo Cao Đài. Bà kể: “Thánh thất không phải điểm du lịch, nhưng cứ vài ngày, lại có một đoàn khách nước ngoài đến tham quan. Tôi thấy có nhiều đoàn không có hướng dẫn viên, khách đứng xem một lúc rồi về nên tôi bèn ra trò chuyện”.
Từ đó, việc phiên dịch tiếng Anh, tiếng Pháp cho du khách trở thành công việc mới của bà Hoàng Mai. Khi được nghe thuyết minh về thánh thất, về họ đạo Cao Đài và văn hóa quận 5, du khách vô cùng thích thú. Tiếng lành đồn xa, trong hành trình thăm TPHCM và quận 5, nhiều du khách đã tìm đến đây trải nghiệm.
Bà Hoàng Mai nói: “Tiếp xúc nhiều với du khách, tôi thấy nhiều người trân trọng nét văn hóa độc đáo của quận 5 này. Vì vậy, tôi tìm hiểu thêm về các di tích của quận, dịch lại những giai thoại, tín ngưỡng dân gian để giới thiệu cho du khách”.
Tuy công tác chỉnh trang đô thị đã được chú trọng, nhưng tại quận 5 vẫn còn không ít tuyến, điểm nhếch nhác, hàng rong lấn chiếm lòng đường, gây ách tắc giao thông. Do đó, vẫn rất cần có sự đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.
Nghi Anh