Những nhà giáo nông dân ở Củ Chi

20/11/2020 - 08:47

PNO - Ở huyện Củ Chi, TPHCM, có nhiều nhà giáo nông dân lấy trồng trọt để nuôi dưỡng sự nghiệp trồng người khi mà đời sống giáo viên còn lắm khó khăn.

Thầy giáo già tiên phong trồng lan

Nhà giáo lão làng Lê Đình Hoe được giới giáo chức ở TPHCM đặt bí danh là “tư lệnh vùng sâu” do ông không chỉ góp nhiều ý kiến có giá trị cho lãnh đạo ngành giáo dục trong chuyên môn, quản lý mà còn do ông sống, nghĩ, làm đều đúng chuẩn mực nhà giáo và nhà nông.

Nhà giáo Lê Đình Hoe cũng là người tiên phong trồng lan ở H.Củ Chi
Nhà giáo Lê Đình Hoe cũng là người tiên phong trồng lan ở huyện Củ Chi

Ông từng làm hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung đến 24 năm. Từ lúc đương chức cho đến ngày về hưu, thầy Hoe không ngừng vận động, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học. Trong 20 năm, ông vận động xây tặng 44 căn nhà tình thương cho trò nghèo an cư.

Khi thầy Lê Đình Hoe mới lọt lòng mẹ, cha thầy đã hy sinh. Mẹ đi bước nữa, cậu bé Hoe sống với ông bà nội trong cảnh nghèo khó và chiến tranh loạn lạc. Có lẽ vì thế mà khi lớn lên, trở thành thầy giáo, thầy thấu cảm và chọn cách chia sẻ với học trò nghèo, đồng thời vẫn tiếp tục gắn với nghề nông vất vả. 

Những năm 1970, 1980, đời sống giáo viên vô cùng khó khăn, thu nhập ít ỏi, không đủ sống, nhiều thầy cô giáo phải bỏ nghề, đi làm việc khác. Đứng trước thực trạng đó, vợ chồng thầy Hoe động viên nhau cùng nỗ lực vượt qua khó khăn để đứng vững và đi tiếp với nghề.

“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Bao nhiêu cũng thiếu mà bao nhiêu cũng đủ nếu mình biết đủ” - cô Điền, vợ thầy Hoe, vừa nói vừa cười hiền lành khi nhớ lại chặng đường gian khó. 

Tiền lương ít thì phải ráng làm kinh tế phụ tại gia để xoay xở. Thế là thầy cô chọn mảnh đất của ông nội ở xóm Rọc Mía để nuôi gà, nuôi heo, nuôi bò, trồng rau, trỉa đậu, cấy lúa, lấy ngắn nuôi dài trên diện tích 5.000m2 đất nông nghiệp. Nhờ chăm chỉ làm lụng, tích cóp, vợ chồng thầy Hoe chẳng những đủ ăn đủ mặc mà còn nuôi ba đứa con ăn học nên người. 

Thế nhưng, làm nông nghiệp truyền thống thì bấp bênh, phụ thuộc cả thời tiết lẫn giá cả thị trường. Vậy nên, khi đi công tác, nghe mô hình gì hay, cách làm nào mới, cây trồng, vật nuôi nào mang lại hiệu quả kinh tế cao, thầy Hoe đều đến tận nơi học hỏi.

Chính vì vậy, quanh nhà thầy đến giờ vẫn còn cái ao rất rộng nuôi cá, ba ba, lươn, cạnh nhà vẫn còn vết tích của vườn cây chôm chôm, măng cụt, xoài, thanh long… Từ vườn cây rộng hàng ngàn mét vuông không hiệu quả, thầy Hoe mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, trở thành một trong những nhà nông giỏi nhất xã Phước Hiệp khi tiên phong đầu tư trồng hoa lan. 

Năm 2010, thầy phá bỏ vườn cây ăn trái, vay ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư làm vườn, trồng 2.500 gốc lan mokara cắt cành.

Thời đó, hiếm có người trồng lan nên việc học hỏi kinh nghiệm cũng lắm khó khăn, thầy phải tự mày mò tìm hiểu để thiết kế vườn, chăm sóc, phun xịt phân bón lá, thuốc ngừa sâu bệnh cho cây lan. Vừa cột đọt lan, ông giáo già vừa chia sẻ: “Mình là thầy giáo có khả năng tự học. Cái khó ló cái khôn, làm dần rồi tự rút kinh nghiệm”.

Đến nay, vườn của thầy có trên 5.000 gốc lan cắt cành, cho thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Tất cả các khâu, từ thiết kế hạ tầng, trồng cây mới đến nhổ cỏ, bón phân, cắt tỉa, cột đọt, cắt hoa… đều do chính tay thầy làm, để giảm tiền thuê nhân công. Thầy dành dụm tiền công ấy để giúp đỡ học trò nghèo hiếu học ở địa phương.

Dù đã nghỉ hưu nhưng tháng nào, thầy cũng tài trợ cho cựu học sinh nghèo của trường 500.000 đồng suốt 5 năm đại học. Mỗi lần vận động làm nhà tình thương cho học trò nghèo, thầy không chỉ góp tiền xây nhà mà còn tặng các vật dụng trong gia đình như bộ bàn ghế, cái ti vi, bếp gas, dàn máy vi tính.

Bám đất làm nông để sống tốt với nghề giáo

Cảm hứng về “nghề tay trái nuôi sống nghề tay phải” từ ông giáo già dần lan tỏa. Đất Củ Chi khô cằn trở thành chiếc nôi của nhiều nhà giáo “khởi nghiệp”.

Thầy Trần Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Củ Chi, vừa nghỉ hưu - bộc bạch: “Tôi làm vườn lan là nhờ có thầy Hoe hướng dẫn, động viên. Mỗi ngày, chăm sóc lan, tôi thấy vui hơn, lại có thêm thu nhập chứ lương nhà giáo hưu trí của tôi ít lắm”.

Từ hơn 1.000 gốc ban đầu, đến nay, vườn lan của thầy Trần Quang Hùng đã phát triển lên khoảng 3.000 gốc, mỗi tháng cho thu nhập vài triệu đồng. 

Thầy Nguyễn Hồng Quí - giáo viên trẻ ở xã Thái Mỹ, đang giảng dạy tại Trường THPT Quang Trung - cũng nhờ 100 gốc lan giống của thầy Hoe cho, đã phát triển thành vườn lan hơn 5.000 gốc.

“Ban ngày, mình đi dạy, chiều tối về ra vườn chăm lan. Mỗi tháng, bán hoa lan cắt cành được thêm 10 triệu đồng, cuộc sống gia đình sung túc hơn, có tiền để sửa nhà, mua xe” - thầy Quí chia sẻ.

Từng được mệnh danh là người học trò nghèo nhất huyện Củ Chi, thầy Nguyễn Văn Cải - Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung - đã “đổi đời” nhờ làm nông.

Không vướng bận chuyện tiền nong nghề giáo của thầy Nguyễn Văn Cải cũng tốt hơn
Không vướng bận chuyện tiền nong nghề giáo của thầy Nguyễn Văn Cải cũng tốt hơn

Vợ chồng thầy Cải ở xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, cưới nhau khi hai bên gia đình đều nghèo khó. Thầy Cải còn mồ côi cha và có mẹ già yếu, bệnh tật. Vợ chồng thầy Cải có hai đứa con, lại còn nuôi thêm hai đứa con của người chị gái vắn số. Một nhà bảy miệng ăn trong khi vợ làm nhân viên y tế, chồng làm thầy giáo với đồng lương ít ỏi. 

Nhà nghèo nên khi mới cưới nhau, vợ chồng thầy Cải đã làm đủ mọi việc từ trỉa đậu, nuôi gà, nuôi heo, nuôi bò cho đến sạ lúa, trồng cây ăn trái.

Cách đây vài năm, vợ chồng thầy Cải bắt đầu trồng 1.900 gốc lan mokara làm vốn. Đến nay, vườn lan Khoai Sắn (tên ở nhà của hai đứa con) rộng gần 2.000m2 với hơn 5.000 gốc lan đã cho thu nhập mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng. 

Đam mê hoa kiểng lại khéo tay nên vợ chồng thầy Cải trang trí chậu, bó hoa rất bắt mắt, lại càng bán được giá. Dù vườn hoa nằm sâu trong hẻm ở thôn quê nhưng dịp lễ, tết luôn đông khách đến đặt hàng để trưng bày, triển lãm và làm quà tặng.

“Có những chuyến giao hàng bằng xe tải lớn đến Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh. Trong Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 tại TPHCM, cũng có bốn chậu hoa lan đa màu của vườn lan Khoai Sắn khoe sắc, đó là một vinh dự đối với một người tay ngang như mình” - thầy Cải phấn khởi. 

Giờ đây, vườn lan của thầy Cải không chỉ là nơi làm kinh tế gia đình mà còn trở thành nơi hội ngộ của những tấm lòng. Mấy năm nay, mỗi dịp hè, thầy Cải đều tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ” gắn với “Một ngày làm nông dân” dành cho học sinh nghèo học giỏi tại huyện Củ Chi, Hóc Môn để trao học bổng, giao lưu với các gương sáng.

Tại đây, học sinh được tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tham quan vườn lan, được hướng dẫn trồng rau, trồng hoa kiểng, ra ruộng bắt cá, bắt ốc, hái rau củ ở vườn, tự nấu ăn.

Cách đây hai năm, khi đoàn đại biểu thanh niên Cu Ba đến Việt Nam giao lưu, vườn lan nhà thầy Cải là địa chỉ để bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Cu Ba cùng các đại biểu đến tham quan, trao đổi về mô hình thanh niên nông thôn khởi nghiệp. 

Ở ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng, có mô hình kinh doanh đa dạng của gia đình thầy Huỳnh Chánh Thi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Thạnh. Mỗi ngày, ngoài giờ làm hiệu trưởng ở trường, thầy Thi phụ vợ con chăn nuôi heo, bán tạp hóa.

Cách nhà thầy Thi không xa là thầy Phạm Văn Thinh - giáo viên Trường THCS Phước Thạnh, một người khá lên nhờ chăn nuôi gia súc. Ban đầu, thầy chỉ đủ vốn để nuôi vài con heo, dần dà phát triển thành đàn. Khi đàn heo cho lãi, thầy đầu tư vốn nuôi thêm đàn bò, làm ao nuôi cá… 

“Để sống nghiêm túc được với nghề giáo, người thầy nhất định không được vướng bận chuyện tiền nong; mối quan hệ thầy - trò - phụ huynh càng phải trong sáng. Nhưng thầy cũng là con người, có cuộc sống riêng, có gia đình, con cái cần nuôi, có cha mẹ già cần chăm sóc, trong khi đồng lương nghề giáo không nhiều nhặn gì.

Trong cái khó đó, muốn vừa giữ được nghề, vừa có cuộc sống không túng thiếu thì phải làm thêm, tất nhiên đó phải là việc chân chính. Với mình và các đồng nghiệp ở huyện Củ Chi thì bám đất trồng trọt, chăn nuôi để trang trải cuộc sống là cách chúng tôi lấy ngắn nuôi dài bằng chính sức lao động của mình” - thầy Nguyễn Văn Cải chia sẻ. 

Thầy giáo lập kênh YouTube để cải thiện thu nhập

Hiện nay, do lương thấp, ngoài thời gian đứng lớp, nhiều giáo viên phải làm thêm việc khác để tăng thu nhập: làm youtuber, bán hàng online, chụp ảnh cưới, mở cửa hàng bán dụng cụ học tập… 

Lương giáo viên tiểu học mới ra trường hiện nay chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, đứng lớp từ 20 năm trở lên thì lương cao nhất cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Vật giá lại leo thang, thầy cô có chi tiêu tiết kiệm cũng không thể dành dụm được. 

Tôi là giáo viên cấp tiểu học, ra trường từ năm 2011, đến năm 2020 tôi vẫn ở nhà thuê, lương chỉ xấp xỉ 6 triệu đồng/tháng trong khi phải chi cho nhiều khoản gồm tiền thuê trọ, điện, nước, ăn uống, đám tiệc… 

Tôi đồng ý với câu tục ngữ “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nếu làm thêm nghề khác thì nghề chính đang làm ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nhưng, nếu biết sắp xếp thời gian khoa học và chỉ xem nghề làm thêm là nghề tay trái thì việc dạy học sẽ được đảm bảo. 

Việc làm youtuber ít ra đã thay đổi một phần cuộc sống của tôi, giúp tôi có thêm chi phí để trang trải cuộc sống, tinh thần thoải mái hơn, việc dạy học của tôi đảm bảo hơn, không còn phải chật vật với cơm áo, gạo tiền.

Khi làm youtuber, tôi có thể giúp được những mảnh đời còn khó khăn trong cuộc sống, trải nghiệm những điều thú vị. Tôi là giáo viên trực tiếp đứng lớp giáo dục học sinh tiểu học. Ở lứa tuổi này, các em như tờ giấy trắng, cần được bồi dưỡng về đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống, nên việc tôi truyền tải những thông điệp yêu thương, những con người giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những mảnh đời bất hạnh, những kỹ năng sinh tồn cho các em là điều thiết yếu. Những bài học đó thì sách giáo khoa không bao giờ dạy.

Bùi Văn Hồ (giáo viên tiểu học ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)
Lê Nguyễn (ghi)

Hạ Chi - Mỹ Hằng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI