Những người “miễn dịch”

20/07/2021 - 06:52

PNO - Khi phải sống trong những ngày mà nhìn đâu cũng chỉ thấy thông tin tiêu cực, người ta bắt đầu học cách từ chối nguy cơ phải chạm tới các dữ kiện gây sát thương ghê gớm đến tinh thần - trong thời điểm này, nó giống như sương mù đặc quánh khó tìm được lối ra.

Là vì mọi người đã hiểu được rằng, trong bóng tối, người ta chỉ cần ánh sáng. Trong tuyệt vọng, người ta chỉ còn biết trông chờ vào những tia hy vọng dù nhỏ nhoi. Năng lượng tiêu cực luôn bị đẩy lùi bởi những câu chuyện tích cực. Và ở một chiều kích khác, cộng đồng mạng lại hướng về những thông tin lạc quan, vui vẻ, khiến cho ngày dài giãn cách bớt mệt nhoài.

Đó là câu chuyện anh chàng bán rau xăm trổ đầy người sẵn sàng bán giá 0 đồng cho công nhân, sinh viên nghèo, hay những người bỗng lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Chỉ sau một đêm câu chuyện kinh doanh “bá đạo” của mình được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, Minh Râu - tên của anh chàng bán rau - lập tức trở thành “idol” của nhiều người. Người Sài Gòn hào phóng và dư dả yêu thương, nên những việc làm thiện nguyện chưa bao giờ ăm ắp và nhiều nồng nhiệt như bây giờ.

Anh Minh Râu
Anh Minh Râu bán rau nổi tiếng mạng xã hội vì tinh thần lạc quan, hài hước của mình

Nhưng Minh Râu vẫn được vô số người yêu mến, bởi nhiều lý do: anh không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng lại có thừa khí chất khảng khái, hào phóng của người dân nơi này. Anh bán rau “rẻ gần như cho” đã gần bảy năm nay, và mùa dịch bệnh, anh càng tăng cường cung cấp rau miễn phí cho bất cứ ai cần. Ngoài rau quả, mỗi lần đi chợ đầu mối Tân Biên, cứ thấy trái cây nào “xổ rẻ”, là anh mua hết về tặng mọi người…

Nhưng lý do quan trọng nhất để Minh Râu được yêu mến, chính là tinh thần lạc quan, hài hước, thể hiện qua cách anh viết những lời rao hàng không… đụng hàng: “Không đeo khẩu trang, bán đắt gấp đôi”, “Rau muống đột biến, năm tỷ một bó, nay giảm giá chỉ còn năm ngàn, ai mua thì bán, ai sin thì cho”, “Bầu miễn phí, mỗi người một đến hai trái, trái to thì lấy một trái, trái bự thì lấy hai trái (đủ ăn)”, “Lưu ý, lấy theo nếp từ trên xuống, không bới móc, lấy đủ ăn… 1kg, mai có tiếp, trừ khi say hoạc mệt”… Những tấm bảng được viết bằng phấn trắng, đầy lỗi chính tả, kích thước tùy hứng, nhưng sự hài hước chân thật trong từng câu chữ của người đàn ông lạc quan ấy, khiến bất cứ ai đọc được cũng phải bật cười. 

Những tiếng cười, thực sự là “doping” của con người trong mùa dịch. Người ta cần nó như cơ thể cần lương thực. Bởi xét về bản chất, làm cho con người hạnh phúc, no đủ, thì nó khác gì lương thực dành cho tinh thần. Mùa này, lương thực cho thể xác lẫn tinh thần đều khan hiếm, nên khi tiếng cười vang lên đâu đó, là người ta lập tức chia sẻ, nhanh chóng lan tỏa năng lượng tích cực. Khoa học đã chứng minh, tiếng cười làm giảm mức độ của kích thích tố căng thẳng như cortisol, epinephrine, dopamine và hoóc-môn tăng trưởng…

Tiếng cười làm tăng số lượng tế bào sản xuất kháng thể, và tăng hiệu quả của các tế bào khác. Tất cả những điều này làm nên một hệ thống miễn dịch mạnh hơn, cũng như bớt đi tác động vật lý căng thẳng. Thế nên đôi khi, cách chúng ta vượt qua những căng thẳng và rắc rối, đơn giản chỉ là học cách mỉm cười.

Suốt gần hai năm đối diện với đại dịch, người ta càng hiểu rõ vai trò của “chiếc khiên” phòng, chống dịch bệnh mà vắc xin mang lại. Cũng có cùng hiệu quả giúp con người thích nghi tốt hơn với môi trường biến đổi, giúp giảm áp lực khi đối diện với khó khăn, và hoàn toàn có thể giúp nâng cao khả năng “miễn dịch” cho cơ thể; thì tiếng cười, tinh thần lạc quan và sự hài hước xứng đáng là một loại “vắc xin hạnh phúc” mà mỗi chúng ta đều có khả năng tự “điều chế” cho mình. 

Sẽ càng có ích biết bao cho cộng đồng, khi loại “vắc xin hạnh phúc” này ngày càng được nhân rộng, lan tỏa, bao phủ lên cuộc sống, không chỉ trong mùa dịch, mà còn cả sau này - khi nhân loại đã có thể đĩnh đạc bước vào cuộc sống bình thường mới. 

Hồng Hạnh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI