Những người “chịu bẩn” cho thành phố sạch

06/03/2020 - 12:00

PNO - Hằng ngày, nữ công nhân vệ sinh phải sống chung với rác. Họ chịu hôi hám, bẩn thỉu để cho chúng ta được sạch, thơm tho...

Hằng ngày, nữ công nhân vệ sinh phải sống chung với rác. Họ chịu hôi hám, bẩn thỉu để cho chúng ta được sạch, thơm tho và thành phố này trở nên văn minh. Ngày Quốc tế Phụ nữ - 8/3, họ không mong bánh, không mong hoa hay thướt tha áo dài mà chỉ mong đường phố ít rác hơn để họ được sớm kết thúc một ngày làm việc và trở về bên gia đình.

1. 10g sáng 3/3, trong con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Trần Thị Bốc (xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn, TP.HCM), tiếng rè rè của chiếc máy khâu phát ra từ căn nhà cấp 4. Chị chủ nhà đang cặm cụi đưa bàn tay giữ nếp gấp chạy theo đường kim mũi chỉ. “Ban ngày em tranh thủ may gia công chứ lương công nhân không đủ trang trải” - chị Trần Thị Ngọc Hà, 39 tuổi, nữ công nhân vệ sinh Công ty Dịch vụ công ích H.Hóc Môn, bộc bạch. 

Mười năm gắn bó với công việc quét đường, cứ sau 22g là chị vào vị trí với cây chổi tre, chiếc ky hốt rác và chiếc xe đẩy, không quản nắng mưa. Hôm nào đường vắng, rác ít, thì khoảng 2g sáng chị xong việc. Hôm nào rác nhiều, trời mưa thì đến tảng sáng công việc mới hoàn tất. “Hồi mới vô nghề, chưa quen, tôi làm việc mà mắt cứ díu lại, có khi mở mắt ra thấy mình đang cầm chổi đứng giữa đường. Giờ thì không cần nhìn đường cũng biết mình đang quét đến đoạn nào” - chị Hà tâm sự.

Nữ công nhân vệ sinh được  Hội LHPN TP.HCM và Hội LHPN H.Hóc Môn  tri ân nhân dịp 8/3 năm nay
Nữ công nhân vệ sinh được Hội LHPN TP.HCM và Hội LHPN H.Hóc Môn tri ân nhân dịp 8/3 năm nay

Với mức lương tháng gần 6 triệu đồng, chị Hà cùng chồng cũng tằn tiện nuôi được hai đứa con ăn học tử tế (cháu lớn đang học lớp 11, cháu nhỏ học lớp 9). Nhưng năm ngoái, chồng chị qua đời sau cơn tai biến, gánh nặng nuôi con đè lên vai chị. Để giảm bớt khó khăn về tài chính, chị Hà mua chiếc máy may, nhận hàng về gia công kiếm thêm thu nhập. “Xong việc ngoài đường, tôi về chợp mắt một hai tiếng thì đến giờ đưa con đi học, trở về tôi ngồi vào bàn may. Trung bình mỗi tháng cũng kiếm thêm được hai triệu đồng. Nghề nào cũng là nghề, mình trân trọng nghề thì không có gì phải xấu hổ” - chị Hà tự hào về nghề mình đang làm. 

2. “Nguyên, hôm nay trông mày đẹp lạ quá” - chị đồng nghiệp khen khiến nữ công nhân vệ sinh Nguyễn Ngọc Nguyên, 35 tuổi, đỏ mặt. 

Nhân dịp 8/3, Nguyên cùng với 49 nữ đồng nghiệp trên địa bàn H.Hóc Môn được Hội LHPN và Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn mời đến để tri ân vì đã có công làm cho môi trường thêm xanh, sạch, đẹp. 
Do gia đình chồng đông anh em nên sau khi cưới, vợ chồng Nguyên ra riêng, thuê phòng trọ. Hiện chị có hai con gái 9 tuổi và 15 tuổi. Hơn 12 năm theo nghề quét rác, đêm nào cũng như đêm nào, cứ khoảng 21g là chị có mặt trên tuyến đường Nguyễn Ảnh Thủ (xã Bà Điểm, H.Hóc Môn). Vừa quét vừa hốt, đến 1-2g sáng thì đoạn đường hơn 1,2km cũng hoàn tất, xe rác cũng đã đầy, chị đẩy xe đến nơi tập kết rồi trở về nhà trọ. Công việc vất vả như vậy, nhưng chị Nguyên chưa bao giờ nản lòng. Ban ngày chị còn tranh thủ làm bánh ướt bán kiếm thêm tiền chợ. 

3. Hội trường Hội LHPN H.Hóc Môn sáng 3/3 đã mở rộng cửa đón đông đảo nữ công nhân vệ sinh - những người thu gom rác công lập cũng như dân lập. Lẫn trong những khuôn mặt dãi dầu, ánh mắt rụt rè ấy có một phụ nữ ôm con nhỏ, chị là Thạch Thị Chi, 30 tuổi, nữ công nhân thu gom rác của Hợp tác xã Bảo Tín. 

Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, tặng quà cho nữ công nhân vệ sinh trong chương trình
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, đến tận nhà thăm hỏi nữ công nhân vệ sinh 
 

Công việc thường ngày của chị Chi là cùng chồng đánh xe đi thu gom rác vào mỗi buổi sáng sớm tại ấp 2, xã Xuân Thới Thượng. Gom hết 300 hộ mất khoảng 4-5 tiếng. Thù lao vợ chồng chị được hưởng bằng 90% số tiền các hộ dân đóng.

Từ Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ lên TP.HCM kiếm sống, thời gian đầu vợ chồng họ làm công nhân. Sáu năm nay, được người quen giới thiệu, họ gắn bó với nghề thu gom rác để nuôi 5 miệng ăn. Con nhỏ nhất mới 23 tháng tuổi, nên cuộc sống khá chật vật. “Ngoài thu gom rác, bọn em còn lượm thêm ni-lông, ve chai để bán”.

Nghề quét và thu gom rác vẫn là một trong những nghề vất vả nhất. Hằng ngày, nữ công nhân vệ sinh vẫn phải sống chung với rác. Họ chịu hôi hám, bẩn thỉu để cho chúng ta sạch và thành phố này ngày càng văn minh. Sự vất vả trong công việc đã khiến các chị dường như quên cả ngày 8/3, ngày của giới mình. Nếu thương các chị và cảm thông với các chị, mọi người chúng ta hãy đừng vứt rác ra môi trường, và phân loại rác tại nhà; hãy hành động văn minh để môi trường ngày càng sạch sẽ hơn. 

Hoài An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI