Những món quà Xuân

26/01/2020 - 06:05

PNO - Thế nhưng trong cuộc sống bộn bề hiện tại, đa số quà Tết đã bị biến tướng, qui thành giá trị vật chất tùy theo ơn nghĩa, “nợ nần” nhau.

 

Ngày tôi còn bé ở quê, ông nội trồng một hàng mai bên hông nhà chỉ để dành cho, tặng. Gần tết, ông nội lặt lá, chăm chút lại cành nhánh cho từng cây. Vừa làm vừa nói: “Vợ chồng thằng Năm cuối xóm mới cất nhà ra riêng, sân còn trống trơn. Để cây mai đẹp này cho nó chưng, qua tết thì trồng trước sân luôn”. Cứ như vậy, những gia đình mới xây nhà sau nầy trong xóm, hầu hết đều có cây mai do ông tặng trồng giữa sân nhà.

Còn bà nội tôi thì nuôi hơn 20 con vịt, từ đầu tháng chạp là lượm trứng để dành mà không đem ra chợ bán đổi rau cá như ngày thường. 28 tết bà nội bưng thúng trấu vùi đầy trứng sắp ra rổ, biếu lối xóm mỗi nhà 10 đến 20 cái, tùy theo nhà đông hay ít người. Má tôi khéo tay sên mứt chùm ruột, mãng cầu, khế… toàn là cây trái trong vườn nhà, cũng chia phần biếu tặng bà con. Bù lại, nhà tôi cũng nhận lại nào củ cải muối, dưa món, dưa chua, bánh in, bánh phồng, bánh tráng… của các nhà khác tự làm đem đến, đúng với câu “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Chỉ riêng hai món bánh ít bánh tét thì nhà nào cũng tự gói, đêm 29 và 30 là bếp đỏ lửa tới sáng mới vớt bánh ra khỏi nồi. Vậy là bắt đầu cúng kiến để rước ông bà về vui tết cùng con cháu. Riêng với những nhà nghèo, đông con, hoặc đang có người bệnh đau, khó khăn trong xóm, thì ai đem quà đến cũng dặn dò: “Cứ nhận đi, lo cho nhà có cái tết. Không được nghĩ ngợi gì mà cũng không được đem cái gì cho lại hết nghen”. Tình nghĩa bà con chòm xóm thật chan hòa, ấm áp. Sau này rời quê lên phố, tôi vẫn còn nhớ mãi những món quà quê ấy.

Như vẫn còn lưu luyến nếp quê xưa, gần tết năm nào tôi cũng dành chút thời gian làm thêm vài hũ kiệu gởi cho những người bạn thân luôn bận rộn. Rồi nhận lại từ bạn gói chuối khô, bịch mứt dừa, xấp bánh tráng… từ quê nhà gởi lên cho. Chúng tôi chia sẻ những gì mình có thể tự làm, hay được nhận từ người thân quen, để món ăn ngày tết thêm phong phú hương vị, chứ hoàn toàn không tính đến giá trị vật chất. Điều này đã giúp người cho cũng như người nhận đều vui, cảm thấy ấm áp với tấm chân tình của bạn bè, vì biết là vẫn luôn nghĩ và nhớ đến nhau mỗi khi Xuân về, Tết đến.

Thế nhưng trong cuộc sống bộn bề hiện tại, đa số quà Tết đã bị biến tướng, qui thành giá trị vật chất tùy theo ơn nghĩa, “nợ nần” nhau. Người cho như một nhiệm vụ phải làm, người nhận chưa chắc đã hài lòng hay vui vẻ! Có những món quà nhỏ, không xứng tầm với người nhận hoặc không đáng với cái ơn đã được ban, khiến người được tặng phật lòng, khó chịu hoặc xem thường, chưa chắc gì đã đụng tới. Ngược lại, có những món quà quá lớn, quá bất thường, khiến người nhận hoang mang, thậm chí phải gởi trả lại để được yên lòng. Còn người lỡ nhận rồi thì cũng nơm nớp lo không biết sẽ phải trả cách nào cho “sòng phẳng”? Và câu nói của người xưa “Của biếu là của lo, của cho là của nợ” lại đúng trong những trường hợp đó hơn bao giờ!

Trước thềm năm mới, nhìn dòng người nối tiếp nhau chở “những món quà Xuân” trên phố, mong sao đó sẽ là những món quà của sự quan tâm và chia sẻ đầy ắp thâm tình!

Vương Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI