edf40wrjww2tblPage:Content
Xa quê: chuyện chẳng đặng đừng
Cách nhà bà Nguyễn Thị Thơ (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là ngôi nhà to lớn của ông Nguyễn Đức Nghịch. Trước cổng, mấy bé gái đang chơi đùa. “Cháu nội tôi, vừa chở tụi hắn đi học về”, ông nói. Con trai ông Nghịch vừa chết bên Lào cuối năm 2014. “Mẹ tụi nhỏ đâu?”. “Ở Lào làm ăn, để bốn đứa con gái ở nhà”. Ngồi nói chuyện với tôi, em Nguyễn Thị Kim Chung không giấu được nỗi buồn da diết trong ánh mắt. Chung vừa học xong trung cấp y tế, định học tiếp nhưng chưa biết tính sao.
Là chị lớn, Chung gánh trách nhiệm dạy dỗ em khi ba không còn, mẹ ở xa. Những ngày tháng dài dằng dặc vừa nấu ăn, coi ngó và kèm học ba đứa em gái khiến Chung trở nên rắn rỏi và e dè người lạ. “Con lo cho em còn hơn lo cho con”. Chung trả lời tôi khi nói ra suy nghĩ vừa thoáng qua là tưởng tôi đi buôn bán chi đó. Đang có tin đồn, kẻ xấu săn lùng, bắt cóc trẻ em bán nội tạng qua Trung Quốc, nên Chung sợ. “Hai đứa lớp 6 và lớp 2 chưa đáng lo, nhưng con bé học lớp 10 hay khóc, buồn mà không nói năng chi hết, con sợ lắm. Từ ngày ba mất, nó càng im lặng, không biết nó nghĩ gì”. “Mẹ có hay về không?”. “Cũng hay về, không thì mẹ điện thoại”.
Mẹ con chị Huỳnh Thị Tần. Chị nói không biết khi nào sẽ về quê hẳn
Mẹ Chung bán áo quần ở Lào. Tại Lộc Bổn bây giờ có xe đi Lào thường xuyên, sáng đi tối đến. “Nhưng có mẹ ở nhà vẫn hơn chứ”. Chung dạ và thở dài: “Con muốn mẹ về dạy dỗ chị em con nhưng vì chuyện làm ăn nên khó lắm”. Ông Nghịch giọng mệt mỏi: “Cha nó mất, chừ tôi phải giúp nuôi cháu thôi, vì tương lai cháu mà mẹ hắn buộc phải đi làm ăn xa. Tôi lo lắm, việc tiêu xài của nhiều trẻ thấy loạn lên, hàng xóm không yên, có những chuyện cha mẹ ở nhà chưa chắc đã biết, nói chi ông bà”. Có những nỗi niềm thầm kín mà con gái chỉ có thể nói với mẹ. Chung gật đầu rồi đứng lên, mắt ngấn nước.
Hình ảnh đó tôi như gặp lại một lần nữa ở nhà chị Huỳnh Thị Tần, thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Phổ Cường chiếm vị trí “quán quân” trong cuộc đua đi Sài Gòn kiếm sống từ hơn 10 năm qua ở Quảng Ngãi. Mấy ngôi làng ở Hà Tĩnh, Huế tôi đi qua, tuyệt nhiên không gặp được mẹ các em nhỏ. Lần này thì gặp may, chị Tần vừa từ Sài Gòn về lo gặt lúa.
Tôi vừa mở miệng: “Chị đi xa miết vậy, con gái muốn tâm sự cùng mẹ thì làm sao?”, tức thì chị và cháu Trần Thị Hoài Thương bật khóc. Con bé đang học lớp 11, thì có 10 năm xa mẹ. Chị vào thuê trọ ở P.13, Q.6, TP.HCM bán hủ tíu. Chồng cũng theo vào trong đó.
Chị Bùi Thị Kim Luyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phổ Cường trần tình: “Hội viên phụ nữ xã có hơn 2.600 chị em, khoảng 1.000 người đi Sài Gòn làm ăn. Cũng vì cơm áo chứ ai muốn xa con. Cha mẹ đi kiếm tiền gửi về, nhiều đứa con ở nhà sinh hư. Có gia đình cha mẹ đều không có ở nhà, bốn đứa con ăn chơi, bỏ học. Có lúc, tất cả phụ nữ thôn Bàn Thạch đều đi vào Sài Gòn bán hủ tíu gõ, vé số”.
Nhiều bất trắc
Ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã nói: “Hơn 3.500/16.000 dân Phổ Cường đi Sài Gòn bán hủ tíu. Tôi làm trưởng công an xã 16 năm, lạ gì chuyện thanh thiếu niên có cha mẹ đi xa gửi tiền về, ăn tiêu phung phí, bỏ học, đánh nhau, trộm cắp, lập băng nhóm. Dính vào tệ nạn xã hội hiện có hơn 20 em tuổi từ 15-23. Đi làm ăn xa, thương con, cha mẹ gửi tiền về. Con cái lại lừa phỉnh cha mẹ là nộp tiền này kia, nhưng thực chất là ra quán rượu chè, hút xách”.
Nỗi lo như ngập trên gương mặt chị Tần: “Ở đây làm lúa, tiền đâu đủ cho con ăn học, chị phải ra đi vì tương lai con cái thôi”. Mười năm vợ chồng chị đi Sài Gòn, hai anh em Thương tự chăm nhau. Anh trai Thương đã ra trường, đi làm. “Nói đến là chị buồn, đêm nào cũng nằm khóc nhớ con, nhưng không dám để chồng biết, sợ ổng rầy. Nghĩ anh em nó ở nhà cực khổ, sợ nhất là mùa nước lụt không biết con mình ra sao. Con bé đi học về phải nấu nướng ngày ba bữa cho anh đi làm về có cơm mà ăn, thương đứt ruột, nhưng phận nghèo, con cái thông cảm cho mẹ chứ biết làm sao”.
Nhiều năm nay, Kim Chung phải thay mẹ nuôi dạy 3 em gái
Chị kể, nghèo đến mức khi phát hiện khối u, chị chạy mượn được một chỉ vàng ra Bệnh viện Đà Nẵng mổ, nhưng người cho mượn vàng ấy nghe thiên hạ xầm xì, đến lúc chị sắp lên bàn mổ bèn chạy ra đòi lại vì sợ chị không trả nổi. Hàng xóm thương tình quyên góp giúp chị qua cơn khốn khó. Mổ xong, chị đi Sài Gòn, lúc bé Thương học lớp 1, phải gửi ngoại.
Chị quệt nước mắt: “Con bé đang tuổi dậy thì, xã hội giờ bao điều đáng lo, mình đi làm kiếm tiền mà con ở nhà lỡ có chuyện gì, ân hận cả đời. Con bé lại bị ung bướu, yếu lắm, nhưng học giỏi. Nhờ có điện thoại, chị gọi về hàng ngày nhắc con ăn ngủ, dặn đi dặn lại hết hơi, bày nó cách bảo vệ bản thân”.
Tôi hỏi bé Thương: “Lớp con học nhiều bạn xa cha mẹ không?”. “Dạ nhiều, chủ yếu các bạn ở biển, con gái thì ngoan hơn, con trai hay bỏ tiết để chơi”. Một đồng nghiệp kể có lần bắt gặp nhật ký của một bé gái lớp 10 ở vùng biển Đức Hòa, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, viết rằng “nếu ba mình biết mình đi uống rượu bỏ học thì sao đây, nhưng mình buồn vì mỗi lần điện thoại về ba hay chửi mà không nói câu nào nghe tình cảm”.
Chị Tần chen vào, giọng nghẹn đi: “Nó kể với chị là mấy đứa bạn thân đi chơi về bị ba mẹ rầy, rồi nói: tụi bay còn có ba mẹ để nghe rầy chứ tao làm chi mà được nghe. Chị nghe mà đau lòng. Mỗi lần về thoáng chốc rồi lại đi, thấy con khóc mà không dám đứng lâu. Phận nghèo thì đành chịu chứ biết làm sao. Nhiều lần nó nói mẹ ơi con cực quá, đi học về đói xỉu không có chi ăn, đêm nằm nhớ mẹ khóc miết, chị muốn bỏ hết chạy về, nhưng không được. Mình chồng chị bán mỗi đêm lời chừng 300.000 đồng, nếu có chị san sẻ thì bớt cực nhọc, thêm thu nhập”.
“Con muốn mẹ ở nhà không?”. “Dạ muốn nhưng cũng không muốn, vì con học tốn tiền lắm, mẹ phải đi làm để kiếm tiền”. “Chị tính khi nào về hẳn?”. “Chắc chờ con bé học xong đại học, có việc làm thì mới về được”. Nắng chát chúa trên đường. Biết bao giờ những người như chị Tần mới quay về với con, khi phía trước là gì, làm sao biết được, dự định của chị liệu có như mong ước, hay nước mắt mẹ và con tiếp tục rơi trong đêm dài?
Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên không biết đến hơi ấm của mẹ và ký ức trẻ thơ về cha mẹ với bao nâng niu yêu thương lẫn những lần roi vọt để nên người, hẳn sẽ không có. Thay vào đó là bóng mẹ cha chập chờn bởi có thể là một năm hay nhiều năm mới gặp một lần, gần ít xa xăm thì nhiều.
Tâm lý học cho rằng những đứa trẻ xa cha mẹ từ quá nhỏ dễ mắc bệnh tự kỷ, sợ hãi, hung hãn, lớn lên khó hòa nhập với đám đông, dù cũng có thể chiến đấu một mình nhưng rất dễ tổn thương vì không biết huy động, cảm nhận được sự đồng cảm của đồng loại. Những đứt gãy tâm lý, những độc thoại lạc lõng, những nỗi niềm rơi vào vũng lặng mà lẽ ra ở tuổi các em, người được và phải đón nhận trách nhiệm chia sẻ, nâng đỡ chính là cha mẹ.
Tôi nhớ lời em Kim Chung: “Con không biết tương lai của mình ra răng, giờ chỉ lo giúp mẹ nuôi dạy em”.
TRUNG VIỆT
Bài 3: Thế hệ "trọc phú"