edf40wrjww2tblPage:Content
Ông bà chở ba-bốn cháu đi học, chuyện thường ngày ở Lộc Bổn
Không đi lấy chi mà sống?
Sau một hồi căn vặn rồi xem giấy tờ, ông Trần Thống, thôn Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh than thở: “Năm trước xã giới thiệu truyền hình về, đưa tin sai nên tôi bực. Nuôi cháu thay con thì bình thường chứ chi mà rên la”. Vừa dứt câu, vợ ông về. Lâu rồi tôi mới thấy lại chiếc áo tơi chống nóng. Bà thả chiếc áo xuống nền gạch, quệt mồ hôi ròng ròng: “Tôi đi đổ phân ở ruộng, anh hỏi cái chi, cực không à, giữ 12 đứa mà không cực - bà nhìn khách cười móm mém và cự ông - thì cực nói cực chứ”.
Bốn người con trai, một con gái, tất cả đều qua Thái Lan làm ăn, giao cho ông bà 12 đứa cháu, từ lúc bỏ bú đến giờ. Hai cháu học mẫu giáo, bốn đứa cấp I, bốn đứa cấp II, hai đứa cấp III. Căn nhà không tô trát, cửa ngõ cũ nát. “Anh coi, đi Thái Lan mà nhà cửa thế này đây” - ông Thống phân trần. “Sao các anh chị không gửi tiền về sửa nhà?”.
“Đứa nào cũng lo tích trữ xây nhà, gửi tiền về đủ ăn là được”. Bóng một cô gái thập thò dưới bếp. Đó là chị Nguyễn Thị Loan, con dâu ông, vợ của anh Trần Đinh. “Chồng em đi hai năm rưỡi rồi, chưa về”. “Vì sao?”. “Đi chui mà”. Chị Loan kể, chồng qua Thái Lan làm nghề rửa xe ô tô, lương 10 triệu đồng/tháng, gửi về chừng vài triệu.
“Em cũng qua đó, về được chín tháng nay, để chở con đi học, nó còn đi mẫu giáo, khi cháu vào được lớp 1 là em đi tiếp”. “Lại dồn cho ông bà à?”. “Biết tính sao - chị mân mê tà áo - Nhà anh Hoài sát vách đây vợ chồng đi hết, bốn đứa con tự chăm nhau, rồi cũng xong thôi, tụi nó lớn hết rồi”. Ông Thống e hèm: “Trời sinh voi sinh cỏ, đi kiếm mà ăn, có ông bà chăm thì lo chi”.
Giọng ông vẻ cứng rắn, khi giới thiệu từng là xã đội trưởng. “Một bầy cháu, chăm thế nào à, thì nấu ăn, đưa đón tụi nó đi học”. “Ai dạy nó học?”. “Tui chứ ai”. “Chương trình học thay đổi nhiều, ông đã 71 tuổi rồi, sao dạy được?”. Một thoáng bối rối, ông cười: “Thì… nó tự mần chứ bày chi được”.
Bà Thơ bên đàn cháu 12 đứa và sẽ có thêm đứa nữa
Chị Loan chạy xe ào vào sân. Đã đến giờ tan trường. Trên xe là ba đứa trẻ: Trần Nhật Hùng, Trần Diệu Linh và Trần Ngọc Diệp. Hùng và Linh có chút dạn dĩ khi trả lời, ba mẹ đi Thái, ở nhà với ông bà, nhớ ba mẹ lắm, nhưng không thấy về, còn Diệp đứng nép vào góc nhà, mắt sáng long lanh nhưng u buồn loáng nước. “Ba con đâu?”. “Ba nó chết ở Thái” - Hùng trả lời thay. Mẹ của Diệp hơn hai năm rồi không về. “Con tự học, tự tắm rửa, nhớ và muốn mẹ về nhiều lắm” - Diệp gắng trả lời được chừng đó rồi đi xuống bếp. Hùng có vẻ rành rọt: “Nó hay khóc kêu mẹ”.
Con tàu kia có ga để dừng, chứ những chuyến tàu thơ dại mà người già đang cõng thay người trẻ, ông bà cõng thay cha mẹ, có khi là vô định... |
Ông Thống phá tan im lặng: “Rồi cũng xong hết mà, phải kiếm ăn không thì lấy chi mà sống. Con khó nhọc thì ông bà phải gánh thay. Tôi bị bệnh tim lâu rồi, vợ cũng yếu nhưng phải giúp con. Có đứa cháu bị tim bẩm sinh, năm ngoái tôi phải đưa ra Hà Nội chữa nhưng không qua khỏi”.
Vì cơm áo phải ra đi. Những làng quê miền Trung “rỗng ruột” vì cha mẹ, người lớn ào ạt vào miền Nam, đi Thái, Lào, Hàn Quốc, Nhật… làm ăn. Sau lưng họ là đàn con. Xã Mỹ Lộc được coi là địa phương có người đi nước ngoài nhiều nhất huyện Can Lộc, với gần 2.000 người. Phần lớn đi “chui”. Chồng đi, vợ ở nhà hoặc ngược lại, và có đến 10% số cha mẹ ở đây cùng đi, giao con cho người thân. Nhật Tân được mệnh danh là “thôn tỷ phú” nhờ tiền cực nhọc lao động từ Thái Lan đưa về.
Chị Hoàng Thị Giang, cán bộ lao động-việc làm của xã cho biết: “Nhà chị Đinh Thị Thành, thôn Trại Tiểu, có năm cháu tự chăm nhau”. Tôi không được gặp năm anh em này, bởi hai đứa lớn của chị Thành đã bỏ học khi đang học cấp II, một đứa đi Thái, đứa kia đi Đà Lạt, hai đứa kế đang học lớp 5 và lớp 7, ở nhà với bác. Bé út Đặng Thị Kiều Trang đang học lớp 2, ở với mợ, chị Nguyễn Thị Thủy.
Trong căn nhà lầu to lớn, vắng ngắt, chị Thủy vừa quét bụi bám đầy bộ salon vừa kể: “Chỉ mẹ con em và bé Trang ở thôi. Chồng em đi Thái hai năm rồi chưa về, đi chui anh à. Mẹ bé Trang qua đó giúp việc cho người ta. Chồng chị mất năm ngoái bên đó. Từ 2013 trở về trước mấy chị em nó tự nuôi nhau. Giờ hai đứa anh ở với bác, vừa học vừa nấu rượu, nuôi heo phụ giúp. Bé Trang học hành kém lắm vì không ai hướng dẫn”.
“Em không giúp nó à?”. ”Có, nhưng nó mất căn bản, không tiếp thu được. Mẹ đi lúc nó 5 tuổi, nó hay nói với em là muốn mẹ về, cứ khóc nhớ mẹ, nhưng chị Thành không về được đâu, không đi thì lấy chi mà sống”. Bé Trang cầm hộp sữa chua đút cho con chị Thủy ăn. “Con em 19 tháng tuổi, đủ hai tuổi là em gửi ngoại và cũng qua bên ấy kiếm ăn chứ ở đây thì chết đói”. “Lúc đó bé Trang sẽ ở với ai?”. Chị cười như không: “Thì gửi ông bà ngoại nó”. Tôi kêu Trang đem vở ra xem. “Chữ viết cẩu thả” là những dòng mực đỏ, nhận xét của cô giáo lặp lại liên tục trong vở tập viết của bé Trang...
Bé Trang ở với chị Thủy. Con hai tuổi, chị Thủy sẽ gửi cho ngoại và đi Thái Lan
Những tiếng gọi “ba mẹ ơi!” lạc lõng
Chị Thủy đưa tôi ra thăm nhà chị Thành, căn nhà cũ nát sau nhà chị. Cánh cửa mở ra. Bàn thờ chồng chị Thành hương tàn khói lạnh, tơ nhện và bụi bặm giăng đầy. Trên vách nhà có dòng chữ được trích từ kinh Phúc Âm khi nhà có người mất: “Sự sống này chỉ thay đổi chứ không mất đi”. Không mất đi đâu cả, nhưng anh em bé Trang và cả con chị Thủy, nếu cha mẹ tha phương cầu thực, sẽ có thêm tiếng gọi “ba mẹ ơi!” lạc lõng ngày đêm không hồi đáp.
Ông bà chăm bốn-năm cháu là chuyện khá phổ biến ở nhiều địa phương, và ai cũng nói... quen rồi. Cho nên ông Trần Ngọc Ánh, thôn phó thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế bật cười khi tôi hỏi chuyện ông bà già chăm cháu nhỏ khổ cực ra sao. “Thôn này có quá nhiều ông bà nấu ăn, đưa đón cháu đi học.
Cả xã gần 4.000 người đi Lào thì thôn tôi gần 1.000 đó. Già yếu, không có tiền của con bên Lào đưa về thì lấy gì ăn, nên việc nuôi cháu giúp con là dĩ nhiên”. Ông Ánh kể về nạn con nít được cha mẹ gửi tiền về xài, đâm ra hư hỏng, chơi game, hút chích, ăn nhậu loạn lên… Nhiều đứa mới học hết cấp II, nghỉ đi Lào kiếm tiền, rồi ăn chơi, mắc bệnh HIV/AIDS. Lộc Bổn bây giờ là xã giàu nhất tỉnh nhưng HIV/AIDS cũng… nhất tỉnh. “Chừ mà lên Bệnh viện Trung ương Huế khám bệnh, bác sĩ biết là dân Lộc Bổn, cho đi xét nghiệm máu ngay” - ông Ánh nói rồi cười chua chát.
Kim Chung (bìa phải) nuôi dạy ba em gái hơn 10 năm nay
Ông Ánh dẫn tôi qua nhà bà Nguyễn Thị Thơ, sát đường tàu lửa. Bà Thơ vừa về, đạp xe cọc cạch chở cháu vào sân. “Tui có biết đi xe máy mô, hai đứa lớp 2 đi bộ được thì tự về, còn thằng ni mẫu giáo tôi phải chở. Mình tôi nuôi 12 đứa cháu, từ thằng ni đến đứa đang học lớp 10, là con của bốn đứa con gái, hai đứa con trai. Chồng tôi cũng qua Lào rồi. Hiện chừ có tám đứa đang ở với tôi, mấy đứa kia ở với nội, nhưng chủ nhật tôi phải lên đón về chơi vì ở đây từ nhỏ, tụi hắn quen hơi tôi rồi. Đến bữa, dọn cơm ra nền nhà chứ ghế mô mà ngồi cho đủ”.
Bà cười như cánh hoa khô héo, người ốm như mũi tên. Tôi nghĩ đến những cây lau bằng thép, đến ơn đức sinh thành. “Thằng ni tên là Võ Đại Quang Vinh, sinh ở Lào, được ba tháng tôi qua bồng về. Hắn còn đứa em hai tuổi được mẹ dẫn qua Lào cách đây mười ngày. Mẹ hắn lại đang có bầu, ít bữa dẫn con về rồi đẻ, cũng giao cho tôi luôn. Tôi khổ biết mấy với tụi hắn. Thằng ni chạy té gãy xương vai, tôi đưa lên Bệnh viện Trung ương Huế khám, chưa khám được thì bảy giờ tối phải bồng hắn đón xe ôm về nấu ăn cho mấy đứa ở nhà vì trưa tụi hắn đã nhịn rồi, 10 giờ tối phải bồng chạy lên nhập viện lại. Mấy đứa con đi làm xa, kiếm tiền cho tương lai thì mình phải giúp chứ”.
Hai đứa lớp 2 vừa về, ngồi nhìn khách. Điệp khúc nhớ mẹ nhớ ba lại vang lên khi nghe tôi hỏi. “Nhưng được cái là tụi hắn không khóc nhiều vì ở với tôi từ hồi chưa biết nói mà”. Bà Thơ cười vẻ kiêu hãnh mà cam chịu. Ông Giàu, hàng xóm bà Thơ chen vào cười rung cả bàn: “Khóc cũng vô ích, bà nghe chứ cha mẹ nó có nghe đâu”. Tôi hỏi: “Các con của cô có nói khi mô về không?”. “Ui trời, biết hồi mô về, đi kiếm tiền làm giàu như người ta chứ”. “Cô lo tụi nó học ra sao?”. “Đưa đón, cho ăn”. “Học hành ra răng, cô biết không?”. Bà lắc đầu.
“Cô đi họp phụ huynh không?”. Bà cười nhăn cả trán: “Một bầy cháu, học khác lớp, mỗi đứa tôi họp 10 phút, chỉ đủ để hỏi thầy cô... nộp bao nhiêu tiền”. “Cô có đọc và ghi ý kiến vào sổ liên lạc không?”. Bà lắc đầu. Ngồi cạnh bà, cháu Võ Đại Tấn Lộc, học lớp 4, bỗng lên tiếng: “Cô giáo nói ba mẹ đi họp phụ huynh để cô nói điểm nhưng ba mẹ ở Lào nên không biết ra răng”.
Trời đã chuyển tối. Cạnh đường xe lửa là đường làng. Ông Giàu chỉ tay: “Đó, ông bà chở ba - bốn cháu đi học về. Chú mà ra cổng trường mầm non, cấp I, cấp II giờ tan trường là thấy y như họp hội người cao tuổi”. Tàu đến. Tiếng ken két vang lên rồi mất hút. Những người như ông Thống, bà Thơ đang chở những chuyến tàu về tương lai, một tương lai mà ba mẹ chúng nó đã và đang dựng lên. Con tàu kia có ga để dừng, chứ những chuyến tàu thơ dại mà người già đang cõng thay người trẻ, ông bà cõng thay cha mẹ, có khi là vô định...
TRUNG VIỆT
Bài 2: Nước mắt người mẹ