Những cái kết có hậu

04/07/2015 - 09:24

PNO - PN - Chị em hội viên (HV) ở KP.5, P.2, Q.5, TP.HCM quen gọi dì Võ Thị Tùng (SN 1954) bằng cái tên thân thương: dì Tùng “tiền góp”. Hơn sáu năm qua, mô hình “cấp vốn không lãi” do dì triển khai đã giúp nhiều HV thoát nghèo, vươn lên.

edf40wrjww2tblPage:Content

THÁNG NGÀY CHÊNH VÊNH

Tôi ghé cửa hàng đồ gia dụng của dì Tùng trong khu chung cư Phan Văn Trị (P.2, Q.5) vào một buổi chiều muộn. Cửa hàng được bài trí gọn gàng, sạch sẽ, khách ra vào đông, vừa mua hàng vừa chuyện trò thân tình với dì như người nhà.
Dì Tùng sinh ra tại Chợ Gạo, Tiền Giang trong một gia đình lao động nghèo. Ba mất sớm, để nuôi năm cô con gái ăn học, má dì (bà Đặng Thị Y, SN 1929) một mình cáng đáng mấy sào ruộng với một bầy heo. Khi chị Hai, chị Ba qua Gò Công dạy học, Tùng cũng khăn gói theo. Dù không được sống gần má nhưng tình thương, sự tinh tế và những hy sinh của bà đã để lại nhiều dấu ấn trong đời dì Tùng. Dì chia sẻ: “Má dạy chị em tôi không phải cứ tới hồi giàu có mới giúp người. Mình nghèo thì giúp theo kiểu nghèo và đừng bao giờ nghĩ giúp người để được nhận lại thứ gì, hãy an nhiên mà sống”.

Học hết tú tài II, dì Tùng nhận dạy môn Văn theo giờ, phụ má lo cho các em. Từ khi lập gia đình (năm 1983), dì chuyển qua mở căn tin trong Trường THPT Chợ Gạo. Việc kinh doanh đang thuận lợi, dì phải bỏ ngang để cùng chồng lên TP.HCM. Không nhà, không nghề nghiệp, không bạn bè thân quen, dì thui thủi trong căn phòng trọ 4m2 lo cơm nước cho chồng con. Rồi hôn nhân rạn nứt, không thể sẻ chia hay bấu víu vào ai, dì sống lặng lẽ.

Hồi đó, không ai nghĩ một người phụ nữ sống cam chịu như dì Tùng lại bứt ra khỏi guồng quay quen thuộc của chính mình để xông pha cùng chị em trong từng phong trào, từng chương trình hoạt động Hội. Hôm gặp tôi, dì Tùng cứ nhắc đi nhắc lại mấy câu: “Tôi tiếc vì mình đến với Hội trễ quá. Gần 50 tuổi, đời tôi còn chênh vênh. May mà Hội đã kịp thời làm điểm tựa để tôi có cơ hội vươn lên ”. Hiện dì là Chi hội trưởng Chi hội KP.5.

Nhũng cái két có hạu

Dì Tùng (trái) ghé thăm, nhiệt tình phụ giúp bà Huệ khi có thời gian rảnh

ĐỒNG VỐN NGHĨA TÌNH

Năm 2000, dì Tùng được giới thiệu nhận vốn từ dự án nhỏ của Hội PN, ban đầu 20 triệu đồng, sau lên 30 triệu đồng. Không chỉ vậy, Hội còn giới thiệu đầu ra cho sản phẩm của dì. Được tiếp sức, dì dồn hết tâm trí vào cửa hàng đồ gia dụng. Khi đã “nhìn ra thế giới” cũng là lúc dì Tùng thấu hiểu hơn đời sống của chị em xung quanh mình.

Nhiều chị có nhu cầu vay vốn làm kinh tế nhưng nguồn của Hội có hạn. Vay bên ngoài thì lãi suất cao nên ai cũng lần lữa, riết rồi nản lòng. Dì Tùng nảy ra ý tưởng thành lập mô hình cấp vốn không lãi cho HV. Dì vận động những bạn hàng thân thiết, chị em trong Ban chấp hành chi hội hỗ trợ vốn vay không lãi cho HV. Được gần bảy triệu đồng, dì đề xuất xin quận, phường Hội cho triển khai mô hình “Cấp vốn không lãi”.

Ý tưởng táo bạo này của dì thành hiện thực năm 2009. Nhiều chị thoát nghèo nhờ nguồn vốn này đã quay lại tiếp vốn giúp những HV khác còn khó khăn. Qua 13 đợt vay (2 - 4 triệu đồng/lần vay), hiện nguồn vốn đã lên đến 26 triệu đồng (trong đó, riêng dì Tùng đóng góp 10 triệu đồng).
Chồng đi bệnh viện liên miên, ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, chị Trần Thị Lợi quay như chong chóng với gánh nặng cơm áo cho cả nhà. Được vay bốn triệu đồng, chị mua xe bánh mì, sau chuyển qua bán bánh ướt. Giờ, gia đình chị Lợi đã không còn bế tắc như trước.

Trường hợp khác, chồng làm công nhân, bản thân chưa có việc làm nên bà Đồng Thị Huệ (SN 1956) chỉ quanh quẩn trong nhà lo nội trợ. Dì Tùng tư vấn, khuyên bà Huệ nên bán thức ăn sáng, vốn đầu tư không nhiều. Được hỗ trợ vốn, bà Huệ mua vật dụng, đầu tư mở quán. Ít lâu sau, khách hàng tăng mạnh. Bà Huệ thổ lộ: “Từ khi có việc làm ổn định, cuộc sống của tôi đã tốt hơn”.

Hoàn cảnh của chị Lê Thị Hương rất éo le. Chị đi giúp việc nhà, vừa chăm sóc mẹ già hơn 80 tuổi, vừa lo cho đứa con trai bị bệnh tim. Được hỗ trợ từ mô hình “Cấp vốn không lãi”, chị chuyển qua bán vé số. Công việc tuy vất vả nhưng có thu nhập để trang trải cuộc sống.

Thương má vất vả, cô con gái Đoàn Minh Diễm Phương (SN 1986) của dì Tùng không chỉ ngoan hiền mà còn nỗ lực học giỏi. Hiện, Phương đang du học tại Mỹ. Dì Tùng nói, cái kết có hậu này là thành quả từ sự quan tâm của Hội. Bởi vậy, dù đã ngoài 60 tuổi, dì vẫn dặn lòng sẽ luôn gắn bó với Hội. Dì Tùng đang ấp ủ ý tưởng kết hợp cũng một số công ty, xí nghiệp nhận hàng gia công để tạo thêm một kênh việc làm tại nhà cho HV.

Năm 2012, dì được Hội LHPN TP.HCM biểu dương gương “Phụ nữ xuất sắc”. Năm 2013, dì được UBND TP.HCM tặng bằng khen “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” 5 năm (2008 - 2013).

MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI