Những ai được miễn thuế khi mua, bán nhà đất?

13/07/2022 - 12:20

PNO - Thời gian qua, việc chống thất thu thuế trong giao dịch bất động sản đang được triển khai rộng rãi, quyết liệt tránh thất thu ngân sách Nhà nước, nhưng không phải trường hợp nào khi chuyển nhượng cũng phải đóng thuế.

Theo quy định, khi chuyển nhượng nhà đất thì người bán có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân bằng 2% giá trị chuyển nhượng, tuy nhiên, có những trường hợp sẽ được miễn thuế. Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc điều hành Công ty Luật Solution & Partner đã có chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về 2 trường hợp được miễn thuế khi mua bán nhà đất.

L
Luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc điều hành Công ty Luật Solution & Partner 

Theo Luật sư Trần Minh Cường, Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định có 2 trường hợp được miễn thuế khi chuyển nhượng bất động sản. Trường hợp thứ nhất, mua bán giữa người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng. Căn cứ vào Điểm a Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng thì được miễn thuế thu nhập cá nhân. 

Ngoài ra, trường hợp bất động sản do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản đó thuộc diện được miễn thuế. 

Trường hợp thứ hai, người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, một thửa đất. Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì không phải nộp thuế (chỉ đất ở được miễn, các loại đất khác thì vẫn phải nộp thuế).

Tuy nhiên, để được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định, người dân phải đáp ứng đủ 3 điều kiện sau: Thứ nhất, chỉ có duy nhất quyền sở hữu một nhà ở hoặc quyền sử dụng một thửa đất ở. Chỉ có duy nhất quyền sở hữu một nhà ở hoặc quyền sử dụng một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó) tại thời điểm chuyển nhượng.

Trường hợp vợ chồng có chung quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và cũng là duy nhất của chung vợ chồng nhưng vợ hoặc chồng còn có nhà ở, đất ở riêng, khi chuyển nhượng nhà ở, đất ở của chung vợ chồng thì vợ hoặc chồng chưa có nhà ở, đất ở riêng được miễn thuế; chồng hoặc vợ có nhà ở, đất ở riêng không được miễn thuế.

Thứ hai, có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tối thiểu 6 tháng (tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày). Thứ ba, chuyển nhượng toàn bộ nhà ở, đất ở, nếu chuyển nhượng một phần thì không được miễn thuế cho phần chuyển nhượng đó.

Cũng theo Luật sư Trần Minh Cường, tại điều 4 Luật Thuế Thu nhập cá nhân quy định thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì được miễn thuế; đồng thời, người chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm về tính trung thực về kê khai của mình. Hay việc chuyển nhượng/cho tặng qua trung gian để tránh né phải nộp thuế.

"Theo điểm đ, khoản 1, điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, các hành vi trốn thuế và có tình tiết tăng nặng sẽ chịu mức xử phạt hành chính từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng, bị phạt tù đến 7 năm tùy theo số tiền trốn thuế và tình tiết tăng nặng. Nên người dân cần hiểu rõ những rủi ro có liên quan khi kê khai không trung thực trong mua, bán bất động sản" - Luật sư Cường khuyến cáo.

Bích Trần (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI