"Văn phòng liên lạc" giữa Sài Gòn
Năm 2004, chú tôi là Huỳnh Văn Bán về lại quê hương Quảng Nam ở tuổi 76, sau 59 năm ly hương làm ăn và hoạt động cách mạng bí mật ở miền Nam. Những năm tháng cơ cực, bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man đã làm cho chú cạn kiệt sức khỏe. Căn bệnh tai biến hành hạ hơn 10 năm biến chú thành người mất trí, nhưng không biết nhờ đâu mà chú còn lưu giữ được tờ giấy của Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Việt Nam Cộng hòa với nội dung không cho chú tôi được miễn trình diện hằng tháng sau khi ra tù. Ngoài tờ giấy, còn có 1 tấm ảnh chụp chú cùng vợ con năm 1954, phía sau ghi dòng chữ: “Ở tù ngày 29/4/1963”.
Từ 2 tư liệu này, tôi hy vọng sẽ tìm thấy thêm thông tin về quá trình hoạt động cách mạng của chú, hoàn tất hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận chú là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Khi tôi nêu dự định vào TPHCM xác minh, ai cũng nói “khó lắm”.
|
Tác giả Huỳnh Trương Phát (trái) và nhà báo Giản Thanh Sơn gặp nhau ở TPHCM năm 2004 |
Ngày 10/4/2004, tôi bắt đầu chuyến đi định mệnh. Trên chuyến tàu từ ga Tam Kỳ vào TPHCM, tôi cứ miên man nghĩ xem mình phải bắt đầu từ đâu khi đặt chân xuống đất người xa lạ. Tôi cố lục lọi trong ký ức của mình và chợt nghĩ đến An Dung - phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng. An Dung giới thiệu tôi với anh Giản Thanh Sơn - phóng viên Báo Công an TPHCM. Anh Sơn nhận lời ngay. Anh bảo đây cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người đã cống hiến xương máu cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Qua anh Sơn, tôi được một cán bộ ở Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM đưa đến Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến của thành phố. Chị Trịnh Thị Mỹ Châu - Phó chủ nhiệm câu lạc bộ - giúp tôi tìm tới nhà riêng của chú Phạm Quang Hồng - ở khu chung cư 99 Nguyễn Đình Chiểu, phụ trách Ban liên lạc cựu tù chính trị, người gốc ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Chú vui vẻ giúp tôi mọi việc, xem tôi như người nhà nên tôi thấy yên tâm hơn.
Trong những ngày ở TPHCM, có được thông tin nào liên quan đến công việc, tôi lại nhờ chú liên hệ những nơi tôi muốn đến, như các ban liên lạc tù chính trị quận 6, quận Gò Vấp, quận Bình Tân. Có thể nói, ngôi nhà riêng của chú Hồng là “văn phòng liên lạc” của tôi trong những ngày xuôi ngược ở TPHCM.
Trong chuyến đi này, tôi phải tìm cho ra đồng đội của chú tôi, trong đó có một người tên là Huỳnh Văn Tiến. Ban đầu, người ta cho biết ông Huỳnh Văn Tiến ở quận Gò Vấp, tôi tức tốc đến nhà chú Trần Thanh Tâm - Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị quận Gò Vấp. Chú Tâm ở nhà chờ tôi từ sáng sớm. Khi tôi đến, chú vội vàng chở tôi đến ngay văn phòng ban liên lạc. Tôi hồi hộp giở từng trang danh sách cựu tù chính trị nhưng đành thất vọng. Chú tiếp tục chở tôi đến quận ủy, ban liên lạc cán bộ hưu trí, hội cựu chiến binh… nhưng vẫn không thấy ai tên Huỳnh Văn Tiến. Sau một ngày lặn lội không kết quả, tôi trở về trong lo âu. Hôm sau, tôi lại khăn gói lên đường đi quận 6 và quận Bình Tân, nhưng vẫn về tay không.
Những tấm lòng rộng mở, ấm áp
Suốt mấy ngày đi ngược về xuôi, tôi mới biết được nhà ông Huỳnh Văn Tiến không phải ở quận Gò Vấp mà ở tận huyện Bình Chánh. Tôi nhờ bác Lê Thanh - một người quen - dẫn đường và bác nhận lời ngay. Bình Chánh “thay da đổi thịt” từng ngày nên 2 bác cháu đi lạc cả buổi sáng mới tìm được đến nơi. Gặp ông Huỳnh Văn Tiến, chúng tôi chưa kịp vui đã thấy buồn, bởi giờ đây ông cũng đang mắc bệnh hiểm nghèo như chú tôi. Ông là một chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, đày ra tận Côn Đảo. Con gái ông đem hết hồ sơ làm chính sách của cha mình cho tôi xem. Nhờ vậy, tôi mới biết ông là người Quảng Nam chứ không phải người Sài Gòn.
|
Từ bút tích của chú mình khi bị địch bắt ngày 29/4/1963, tác giả Huỳnh Trương Phát đã lên đường vào TPHCM tìm lại hồ sơ cách mạng cho chú mình |
Trong tập hồ sơ ấy, tôi còn thấy có tên bà Huỳnh Thị Lợi, ông Trần Ty, ông Trần Tá - những chiến sĩ cách mạng kiên cường cùng quê xứ Quảng. Ông Huỳnh Văn Tiến và chú tôi - Huỳnh Văn Bán - được tổ chức phân công làm nhiệm vụ rải truyền đơn, tuyên truyền, treo cờ, cất giấu vũ khí cách mạng… Họ là những người cộng sản trung kiên. Từ hồ sơ chính sách của ông Huỳnh Văn Tiến, tôi có thêm nhiều hướng đi tìm đồng đội chú tôi.
Những ngày tiếp sau đó, tôi lại xuôi ngược trong TPHCM để tìm cho ra nơi ở của ông Trần Ty. Ngay khi gặp, ông Trần Ty liền làm bản xác nhận thời gian hoạt động cơ sở bí mật và ở tù của chú tôi. Cầm bản xác nhận trên tay, tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng nỗi lo khác lại dâng lên khi tôi phải tìm cho được người xác nhận thứ hai, mới đủ thủ tục theo quy định.
Tôi nghĩ đến bà Huỳnh Thị Lợi, nhưng ngặt nỗi bà đã về quê sống ở phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Tôi trở về quê, tìm gặp bà. Bà Huỳnh Thị Lợi thốt lên: “Trời ơi. Ông Hai Bán. Lâu nay tôi không biết ông ấy sống chết thế nào. Mong sao ông ấy sớm được hưởng chế độ chính sách, được ngày nào mừng ngày đó”. Nói xong, bà làm ngay bản xác nhận thành tích cho chú tôi.
Anh Giản Thanh Sơn gác công việc ở tòa soạn, đưa tôi đến Công an TPHCM nhờ tìm lại hồ sơ về việc chú tôi bị địch bắt, bỏ tù. Tôi không thể tả hết cảm xúc của mình khi đọc được tên, tuổi của chú hiển hiện trên trang giấy cũ kỹ, hoen vàng trong bộ hồ sơ của cảnh sát ngụy sau 41 năm kể từ ngày chú tôi bị bọn chúng bắt giữ (tháng 4/1963 - 4/2004).
Chị Lê Kim Oanh - đại diện Công an TPHCM - trao tư liệu cho tôi mượn xem tại chỗ và cho phép tôi được trích chép lại những chi tiết, tư liệu, dữ kiện quan trọng, cần thiết. Qua hồ sơ, tôi được biết chú tôi bị bắt khi địch phát hiện trong người chú có cất giấu vũ khí cách mạng. Khi tôi chép xong những dòng lịch sử về chú tôi, chị Lê Kim Oanh đặt bút ký xác nhận, là lúc đồng hồ đã điểm 12g trưa, chị bảo chúng tôi cố gắng chờ đến đầu giờ chiều để đóng dấu tròn của cơ quan. Chúng tôi rưng rưng niềm vui, chị cũng chia sẻ cùng niềm vui ấy.
Về quê, tôi bắt tay ngay vào việc làm hồ sơ đề nghị Nhà nước khen thưởng. Năm 2005-2006, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận công lao của chú tôi bằng những phần thưởng cao quý, gồm Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Đáng tiếc là chú tôi đã qua đời, không kịp nhận về những kỷ vật vô giá ấy.
Mỗi năm, đến ngày giỗ kỵ, nhìn những kỷ vật treo bên cạnh bàn thờ của chú, tôi cứ mãi xót thương cho số phận của chú tôi, mong chú yên lòng nơi chín suối. Tôi sẽ không bao giờ quên ơn nghĩa của những người đã giúp chú tìm lại sự ghi nhận cho tháng ngày đấu tranh cách mạng. Tôi ghi lại những dòng này như một lời tri ân cho những con người trên mảnh đất TPHCM đã đồng hành cùng tôi trên hành trình năm ấy.
Huỳnh Trương Phát (tỉnh Quảng Nam)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024. Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây |