Như đóa ngọc lan…

29/11/2018 - 07:30

PNO - Ở chợ Xã Tây (Q.5, TP.HCM), nhiều tiểu thương gọi dì Tô Ngọc Lan - Chủ nhiệm câu lạc bộ Hội Mẹ truyền thống P.10, Q.5 - là má Sáu.

Má Sáu không phải là tiểu thương mà chỉ là khách hàng, ngày ngày ghé chợ mua thức ăn về chế biến cho đàn con là những sĩ tử đến trọ học miễn phí, ôn thi.

Nhu doa ngoc lan…
Dì Lan trong căn nhà đã cưu mang nhiều thế hệ thí sinh trọ học miễn phí mỗi mùa thi đại học, cao đẳng.

Một ngày mùa hè, chúng tôi đến nhà dì Lan ở đường Tản Đà, P.10, Q.5. Đập vào mắt chúng tôi là hai hàng giường tầng, nơi dành cho học trò đi thi ngủ, trông mọi thứ rất ngăn nắp, sạch sẽ. Ở nhà trên, một nhóm nam học bài, còn nhà dưới, một nhóm nữ ngồi nhặt rau, rửa chén, rôm rả kể chuyện quê nhà. Dì Lan đang nêm nồi canh, nghe chuyện tụi nhỏ, mà cười. Đúng 11g, không ai bảo ai, các em cùng nhau quét nhà, soạn chén bát chuẩn bị dọn cơm. 

Mười sáu đứa học trò quây quần bên mâm cơm gồm nồi canh bí hầm xương, chảo cá chiên, thau rau xào, rổ ổi và dưa hấu tráng miệng. Dì Lan không chịu ăn cùng mà luôn tay xới cơm, giục các em ăn nhiều, ăn no để có sức học. Căn nhà cấp 4 của dì lúc thì im ắng, lúc thì rộn rã tiếng cười, lúc lại chỉ có tiếng dì: “Thằng Tuấn, thằng Phúc, thằng Trung sao không ngủ sớm đi bây”; “Má nói bao nhiêu lần rồi, nhiệm vụ tụi bây là ăn học, mệt thì ngủ, tất cả để má làm”; “Con Diệu mai thi môn gì, ôn xong hết chưa mà cứ lụi hụi lau nhà miết vậy”…

Hồi trẻ, dì Lan được giao giữ các chức vụ của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Ban chỉ huy Quân sự xã Phú Kiết, H.Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Năm 1967, dì đi học lớp quân sự tại Campuchia rồi được tập huấn để tham gia chiến dịch tết Mậu Thân 1968. Dì phụ trách một trung đội nữ du kích với nhiệm vụ tải thương. 25 tuổi, vừa lập gia đình hơn một năm, dì nhận tin sét đánh: chồng dì là ông Bùi Thanh Vân - chính trị viên Tỉnh đội Mỹ Tho - hy sinh. Ôm con gái còn đỏ hỏn trên tay, dì như gục ngã khi 9 đồng đội và 2 người anh trai hy sinh.

Những tưởng dì sẽ không gượng dậy nổi, nhưng dì bỗng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dì tự nhủ, mình phải sống thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh của 7 liệt sĩ trong gia đình (mẹ, mẹ chồng, chồng, 2 anh trai, anh chồng và em chồng) và các đồng đội. Dì vừa làm cha, làm mẹ của con, vừa làm chỗ dựa tinh thần cho 2 chị dâu và các cháu mồ côi cha. Dì chuyển lên Sài Gòn ở cùng chị gái, vừa làm kinh tế để nuôi con, lo cho các cháu, vừa làm nhiệm vụ tiếp tế thuốc men cho bộ đội.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, dì công tác trong Hội Phụ nữ P.10, Q.5, tích cực vận động chị em tham gia chương trình tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, vận động nhà hảo tâm ủng hộ chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai của Hội Phụ nữ.

Năm 2002, dì nghỉ hưu nhưng vẫn gắn bó với phong trào địa phương, là Chủ nhiệm câu lạc bộ Hội Mẹ truyền thống (thuộc Hội LHPN P.10), Tổ trưởng Tổ cán bộ hội P.10, Q.5. Trong vai trò mới, dì vận động các đơn vị, cá nhân ủng hộ kinh phí để chăm lo suất ăn tình thương, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi, làm sổ tiết kiệm cho phụ nữ nghèo trong và ngoài câu
lạc bộ.
 

Nhu doa ngoc lan…
Dì Lan (thứ ba từ phải sang) được tuyên dương trong một hội nghị do UBND Q.5 tổ chức

Từ những năm 1990, dì bắt đầu lo chỗ ăn ở miễn phí cho học trò ở các tỉnh vào TP.HCM thi đại học, cao đẳng, trường nghề. Mỗi ngày, dì đều lo đầy đủ 3 bữa ăn tươm tất cho gần 20 đứa trọ học. Hàng xóm thường trêu đùa “bà lắm cháu thế”. Tuy tuổi cao, sức yếu, mang trong mình nhiều căn bệnh nhưng dì vẫn tự tay chuẩn bị những bữa ăn nóng hổi cho các sĩ tử mỗi mùa thi. 

Như loài hoa ngọc lan ngát hương, tấm lòng thơm thảo, nhân từ của dì lan tỏa đến những người xung quanh. Là một trong những sĩ tử từng được dì Lan cưu mang một thời, tôi đến thăm dì. Nghe hỏi “lâu quá tụi con không ghé thăm, má sáu có buồn không”, dì Lan mỉm cười: “Thấy tụi con có việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn là má vui rồi”. 

Thi Nhung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI