“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”

29/04/2025 - 07:23

PNO - Bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng luôn vang lên trong những ngày vui của đất nước. Trái tim dân tộc hòa chung nhịp đập với biết bao niềm tự hào và tình yêu dành cho Tổ quốc cùng sự biết ơn đối với vị cha già kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nửa thế kỷ cho bài ca chiến thắng

Sáng 27/4, ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng tiếp tục được người dân thành phố và các chiến sĩ cùng hát vang trước và trong buổi tổng duyệt diễu binh chuẩn bị mừng đại lễ 30/4. Suốt những ngày qua, bài hát ấy luôn được cất lên trong niềm vui chung của người dân thành phố và cả nước. Những ngày này, trên đường phố, trong nhà ga metro hay ở những khu vực công cộng khác, bất cứ lúc nào mọi người cũng đều có thể hòa cùng niềm vui của đất nước bằng những câu hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công/ Việt Nam Hồ Chí Minh/ Việt Nam Hồ Chí Minh…”.

Bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng luôn vang lên trong những ngày vui của dân tộc - ẢNH: THÀNH LÂM
Bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng luôn vang lên trong những ngày vui của dân tộc - Ảnh: Thành Lâm

Nửa thế kỷ trước, những lời ca này đã được nhân dân hát vang trên đường phố Sài Gòn trong những ngày xuống đường mừng chiến thắng. Toàn văn bài hát được đăng trên Báo Nhân dân (số ra ngày 2/5/1975) với dòng ghi chú: “bài hát tập thể” và giai điệu “phấn khởi, nhanh”. Sài Gòn năm ấy rạng rỡ với “dòng thác người cuồn cuộn trên các ngả đường”, với những lời reo hò, hô vang: “Hoan hô các chiến sĩ quân giải phóng”, “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp vĩ đại của chúng ta”… Cùng với ca khúc Tiến về Sài Gòn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Như có Bác trong ngày đại thắng đã trở thành khúc ca khải hoàn của toàn dân tộc.

Như có Bác trong ngày đại thắng được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác vào đêm 28/4/1975 - khi ông được Tổng giám đốc Trần Lâm của Đài Tiếng nói Việt Nam đặt hàng viết ca khúc cho ngày chiến thắng 30/4 nhất định sẽ đến. Ngay sau khi nghe bản tin về việc phi công Nguyễn Thành Trung ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ, vị nhạc sĩ đã viết nên ca khúc có sức sống vượt thời gian. Bài hát được thu âm vào sáng 30/4/1975 và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào 17g cùng ngày.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng chia sẻ rằng lời bài hát như tiếng lòng, là ước vọng của toàn dân Việt Nam bấy lâu. Ông sáng tác ca khúc như gửi gắm, như thay lời của toàn dân tộc. Ngày 30/4 lịch sử, biết bao người đã cảm động và khóc khi cùng nhau hát vang khúc ca này. Suốt 50 năm qua, khúc ca ấy vẫn luôn được hát vang trong những niềm vui huy hoàng của toàn dân, không chỉ vào những ngày lễ lớn của đất nước mà còn trong “niềm vui chiến thắng” của bóng đá Việt Nam; đã vượt ra khỏi biên giới đất nước, lan tỏa tại nhiều quốc gia: Nga, Đức, Cuba…

Tinh thần Việt Nam, tinh thần Hồ Chí Minh

Nhà báo Trần Mai Hạnh (phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Sài Gòn vào năm 1975) tường thuật trên Báo Nhân dân, số ra ngày 2/5/1975: “Bác Nguyễn Văn Thanh, 31 năm nay làm công nhân khuân vác ở cảng Sài Gòn siết chặt tay tôi, nói: “Thế là đất nước đã nối liền, Sài Gòn đã giải phóng. Tôi chỉ tiếc một điều là cụ Hồ đã khuất, đồng bào miền Nam không được đón cụ vào Sài Gòn”. Bác khóc. Và chúng tôi cũng không sao cầm nổi nước mắt. Bến tàu Sài Gòn, mảnh đất mà chúng tôi đang đứng đây, cách đây 64 năm (1911), Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước…”.

Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc đã luôn hiện diện trong những ngày vui của đất nước và trong trái tim của nhân dân
Bác Hồ luôn hiện diện trong những ngày vui của đất nước và trong trái tim của nhân dân

Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc - luôn sống mãi trong lòng dân, là vị lãnh tụ vĩ đại luôn được nhân dân nghĩ về, tưởng nhớ và tôn vinh trong ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Hình ảnh Bác Hồ được in trang trọng trên trang nhất Báo Nhân dân, số ra ngày 1/5/1975 cùng lời tri ơn: “64 năm sau ngày Người từ giã Sài Gòn, con cháu của Người, thế hệ do Người giáo dục và lãnh đạo đã tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, thực hiện điều mong muốn và lý tưởng chiến đấu cao quý suốt đời của Người là giành lại độc lập cho Tổ quốc”.

Những ngày toàn dân xuống đường mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm xưa, trên tay mọi người là cờ Tổ quốc và những bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt nửa thế kỷ qua, Bác vẫn luôn hiện diện trong những ngày vui của đất nước và trong trái tim dân tộc. “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” không chỉ là một câu hát mà còn là tinh thần của toàn dân, là sự biết ơn của quân dân đối với Hồ Chủ tịch vĩ đại. Bài hát dẫu ngắn nhưng đã tổng kết cả một giai đoạn kháng chiến trường kỳ, gói gọn ước vọng của toàn dân tộc và ôm trọn tấm lòng của nhân dân hướng về vị cha già kính yêu.

Đêm 26/4, khi thành phố chuẩn bị bắn pháo hoa mừng đại lễ, nhân dân cũng đã cùng nhau hòa ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”. Một người cựu chiến binh rạng rỡ trong vai trò “nhạc trưởng” đứng lên khuyến khích, cổ vũ mọi người. Bài hát năm xưa còn có giá trị kết nối thế hệ, là chiếc cầu nối tinh thần trao tặng niềm hân hoan lớn lao cho bao trái tim Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn hiện diện, sống mãi cùng nhân dân trong những ngày hội non sông, những ngày huy hoàng của đất nước hòa bình, tự do, độc lập; trong những niềm vui lớn của toàn dân tộc…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI