Như chiếc bập bênh - Càng dìm càng nẩy

08/08/2023 - 10:30

PNO - Có những người “xa mà không lạ”, “biết mà không quen” một ngày đẹp trời lại xộc thẳng vào nhà mình, gây ra không ít xáo trộn; cũng có khi làm nền cho những phút giây thăng hoa, gắn kết. Đó là những người tài năng, nổi tiếng mà các con yêu thích, say mê và phong chức “thần tượng”.

Đồng hành với con trong niềm say mê này, cha mẹ cần đặt những rào chắn, biển báo hay hăm hở xách ba lô cùng con “đu idol”? Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà - Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường đại học Kinh tế Tài chính TPHCM - dành cho bạn đọc Báo Phụ nữ TPHCM cuộc phỏng vấn ngắn. 

Phóng viên: Thưa bà, ác cảm (nếu có) của phụ huynh đối với thần tượng của con xuất phát từ đâu?

Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà: Đây có thể coi là một phản ứng tự vệ thông thường khi người ta nhận thấy có sự mất mát về tinh thần, vật chất và sẽ có xu hướng muốn giành lại, và nhiều phụ huynh tự đặt mình vào thế đối đầu với thần tượng của con. 

* Thế đối đầu ấy có giúp con trẻ nhìn lại để đừng quá sa đà không?

- Quy luật tâm lý và thực tế cho thấy, cái gì bị cấm cản thì càng kích thích đam mê. Phụ huynh càng hạ thấp thần tượng của con thì con càng tìm cách đề cao. Tương tự như chiếc bập bênh, càng cố dìm thì đầu kia càng bật nẩy.

* Con có và không hề có thần tượng, trường hợp nào đáng lo hơn, thưa bà? Điều gì là cấm kỵ trong ứng xử của cha mẹ xoay quanh thần tượng của con?

- Con không thần tượng ai mới đáng lo, cho thấy có một sự trống rỗng nào đó trong tâm hồn, thế giới quan của con. Đừng đạp đổ thần tượng - một phần tình yêu của con đối với một người hay một lĩnh vực mà con quan tâm hoặc theo đuổi, vì sẽ khiến con tổn thương. Tuy nhiên, đồng hành kiểu nửa vời, giả tạo để một lúc nào đó xoay chiều, bẻ lái một cách thô bạo cũng khiến con khó chịu, không tin tưởng cha mẹ.

* Vậy cha mẹ nên làm gì? 

- Hãy dành thời gian để hiểu vì sao con ngưỡng mộ nhân vật ấy. Cảm xúc khao khát một hình tượng đẹp ở con nhắc cha mẹ luôn phải nâng cấp mình, phát triển bản thân về năng lực, hiểu biết, ứng xử, ngoại hình… để đừng thành “người lớn xấu xí” trong mắt con; không phải để giành vai thần tượng, mà để cha mẹ trở nên một thần tượng theo nghĩa gần gũi hay là niềm yêu thích của con.

Thần tượng gắn liền với cảm xúc, cao trào, mãnh liệt nên phụ huynh cũng cần tự giữ mình, tránh các đối cực về cảm xúc. Cần tạo vùng đệm an toàn giữa thuận hay không thuận, chấp nhận hay không chấp nhận hỗ trợ con ủng hộ thần tượng; cụ thể là về tiền bạc (mua hình ảnh, ấn phẩm, mua vé, sản phẩm liên quan đến thần tượng), thời gian (cày view, bình luận, thưởng thức tác phẩm), công sức, sự quan tâm…

Đã nói đến thần tượng là rơi vào phân cực rất yêu thích hoặc rất ghét (anti-fan), phản ứng của phụ huynh cũng có khi rơi vào phân cực: hoặc cấm đoán hoặc thả nổi. Trong câu chuyện này, cả 2 bên đều dễ tổn thương, nhất là khi cha mẹ thấy con có biểu hiện thái quá, mê cuồng. 

* Mức độ nào sẽ được xem là thái quá?

- Mỗi thế hệ có một thang đo riêng. Nên tránh so sánh với thời của mình hoặc với trẻ khác để phủ định con. Sẽ dễ nghe hơn nếu gắn thang đo với những đại lượng thực tế: số tiền kiếm được từ 1 ngày làm việc của cha mẹ, giá 1 cuốn sách, 1 bộ đồ, học phí…

Cha mẹ nên nói chuyện cho con hiểu, đừng vội kết luận rằng con thái quá. Con luôn có lý khi làm những điều ấy, ít nhất là từ nhu cầu của con ở lứa tuổi khám phá thế giới. Hãy nhắc con so với các đại lượng thực tế trong cuộc sống gia đình mình để đầu tư cho niềm đam mê thần tượng trong tầm kiểm soát.

* Sự định hướng, dẫn dắt của cha mẹ có làm mất đi tự do ngưỡng mộ thần tượng và sự đam mê hồn nhiên của con?

- Cha mẹ nên giúp con tìm hiểu thông tin đa chiều về thần tượng, giúp con hiểu đâu là chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân của nhân vật nổi tiếng ấy, đâu là hiệu ứng truyền thông.

Từ đó, con tự phân tích mặt tốt, chưa tốt của thần tượng, điều tiết cảm xúc, hạn chế những tác hại như bị đám đông lôi kéo. Đồng thời, con sẽ có ý thức tự bảo vệ sự an toàn về thân thể, về pháp lý… khi tham gia cộng đồng người hâm mộ.

Tôi thường nói vui với các con rằng: đừng cho tôi gặp, vì không ít lần gặp là “đổ vỡ hình tượng” liền. Cha mẹ nên chia sẻ với con trải nghiệm của chính mình trong việc theo đuổi thần tượng: những hạnh phúc, ngưỡng mộ và cả những thất vọng, những nguy cơ khó lường.

Khi mình thích một cái gì đó, tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng, tác động, bị đồng hóa, dễ mất đi một phần bản thân. Ngày nay, thế giới thần tượng đang rộng mở hơn, đa dạng hơn bao giờ hết.

Trong quá trình mở rộng, hòa nhập này luôn cần sự tự chủ, cân bằng của con và sự lắng nghe, tôn trọng, đồng hành của cha mẹ.

* Xin cảm ơn và kính chúc bà luôn vui khỏe, hạnh phúc. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

Con đang có quá nhiều thời gian tẻ nhạt và rảnh rỗi? 

Có lẽ chúng ta phần nào đã quen với hình ảnh những bạn trẻ tụ tập, hú hét, gào khóc ở sân bay hay những đám đông lộn xộn, chật cứng trên đường phố, trước khách sạn - nơi thần tượng xuất hiện…

Mỗi lần như vậy, tôi lại không khỏi băn khoăn, lo lắng. Con trai tôi năm nay lên 10 tuổi, không thích nhạc Việt Nam hay Hàn Quốc nhưng có thể nghe Alan Walker cả ngày.

Tôi biết rằng, đứa trẻ nào cũng có sở thích riêng, nhưng thực sự lo lắng nếu như có một ngày, con mình bỗng “phát cuồng” một nhân vật nào đó. Có lúc nào con mình có thể cũng nằm trong đám đông kia? Một vài bạn fan cuồng mà tôi biết sẵn sàng chạy theo các đêm diễn của thần tượng dù là ở thành phố hay tỉnh lẻ nào.

Tôi cho rằng, thực sự không đáng để đánh đổi quá nhiều thời gian, tiền bạc và có thể cả công việc chỉ vì niềm đam mê ấy. Làm thế nào để con được tự do với sở thích cá nhân nhưng không bị cuốn vào “vòng xoáy” thần tượng? Tôi nghĩ, giống như ở trường, mỗi nhà cần có một quy tắc nhất định.

Ví dụ, con có thời gian nghe nhạc, xem phim, nhưng chỉ trong khung giờ nhất định, kiểm soát nội dung phù hợp với lứa tuổi. Một đứa trẻ cả ngày thẩn thơ nghĩ tới thần tượng, chạy chỗ nọ, chỗ kia để bày tỏ tình cảm của mình… phải chăng đang có quá nhiều thời gian tẻ nhạt và rảnh rỗi?

Thay vào đó, chúng ta hãy khuyến khích con; bên cạnh việc học, có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao, câu lạc bộ âm nhạc, các dự án vì cộng đồng… để nâng cao sức khỏe, có trải nghiệm thực tế, thu hẹp đi “không gian” dành cho thần tượng, cho thế giới ảo trên mạng.

Nguyễn Hào (Hà Nội)

 

Hãy để các con tự do thể hiện sự yêu ghét 

Lứa tuổi nào cũng có những đam mê, sở thích riêng. Chúng tôi ngày xưa cũng vậy. Chắc không ít ông bố, bà mẹ thế hệ 7X, 8X vẫn còn nhớ cảnh mình săn tìm từng tờ báo, tiết kiệm từng đồng tiền lẻ để mua poster của Đan Trường, Lam Trường hay những ngôi sao nước ngoài như Britney Spears, 911…

Cả 4 bức tường nhà hồi ấy ngập tràn ảnh thần tượng. Nghĩ lại, giờ cũng thấy có phần… sến súa, nhưng đó chính là một phần của tuổi trẻ, một thời sôi nổi mà đôi khi tôi cảm thấy mình được sống lại khi chia sẻ cùng con về mối quan tâm này.

Con gái tôi năm nay vào lớp Mười. Cô bé luôn tự giác với việc học, chưa bao giờ phải để cha mẹ nhắc nhở. Tôi tôn trọng sở thích của con và mừng khi thấy con có niềm vui khác bên cạnh việc học.

Chúng ta vẫn thường mặc định, những cô ca sĩ trẻ xinh đẹp giống như những chiếc bình hoa di động, nhưng thực tế không hẳn vậy. Phải có lý do để khiến những ban nhạc nam, nữ Hàn Quốc nổi tiếng khắp thế giới. Đó là sự nỗ lực, chuyên nghiệp, bản lĩnh sân khấu và cái cách khéo léo tiếp cận với tâm lý của tuổi teen. 

Giới trẻ trong mắt tôi giờ đây vừa biết học, vừa biết chơi, bộc lộ cá tính của bản thân. Bởi vậy, hãy đồng hành cùng con thay vì cấm cản, hãy để các con tự do trong việc thể hiện quan điểm, sự yêu ghét của mình. 

Kiều Dung (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI