Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân vẫn chưa cao

30/07/2024 - 12:24

PNO - Theo nghiên cứu vừa công bố của Trường đại học Kinh tế TPHCM, nhiều chỉ số cho thấy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, hoạt động sản xuất các doanh nghiệp nội địa đang đối mặt với nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu hồi phục vững chắc.

6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TPHCM ước tính đạt 558.000 tỉ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, nếu cân nhắc thêm yếu tố lạm phát thì con số 558.000 tỉ đồng này không phải là cao so với cùng kỳ các năm 2019-2021. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng phục hồi tương đối chậm so với trước đại dịch COVID-19, phản ánh tâm lý tiêu dùng tiết kiệm khi môi trường kinh tế còn nhiều rủi ro và bất định, bi quan về thu nhập trong tương lai.

Theo đề xuất của các chuyên gia, Để tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hoá nên tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khuyễn mãi - Ảnh: Thanh Hoa
Theo đề xuất của các chuyên gia, để tăng nhu cầu tiêu dùng, nên tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi - Ảnh: Thanh Hoa

Giá trị xuất khẩu hiện hành của TPHCM 6 tháng đầu năm đạt khoảng 20,6 tỉ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng không phải là cao so với giá trị xuất khẩu cùng kỳ các năm 2019-2022.

Một vấn đề đáng lo nữa là dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên bàn TPHCM có tăng nhưng quy mô tương đối nhỏ so với các doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, có hơn 33.000 số doanh nghiệp quay lại hoạt động, hơn 22.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể. Trong nhóm doanh nghiệp thành lập mới, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chiếm 74,4%, công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn trên một thành viên chiếm lần lượt là 7,8% và 17%.

Theo đề xuất của các chuyên gia Trường đại học Kinh tế TPHCM, nên tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Nghiên cứu kết nối các chương trình này với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để tăng hiệu ứng lan tỏa.

Không chỉ tổ chức cấp thành phố mà nên tập trung ở cấp quận, huyện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến người dân. Tăng cường kết nối với các địa phương lân cận để hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm đến các thị trường này.

Tình hình của các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn TPHCM cũng là điểm nóng mà TPHCM cần phải tập trung theo dõi. Hiện tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp TPHCM có xu hướng thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, mặt bằng lãi suất cho vay đang tăng, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm. Trong khuôn khổ khả năng của mình, TPHCM nên hỗ trợ các doanh nghiệp này tiếp cận tín dụng.

Tận dụng tối đa cơ hội phục hồi của thị trường thế giới, TPHCM phải nhanh chóng đánh giá một cách chi tiết hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp để kịp thời đưa ra các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí tìm kiếm thị trường, các quy định và yêu cầu của nước sở tại. Hiện chúng ta chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc và Mỹ, cần nghiên cứu để mở rộng sang các nước tiềm năng khác là Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ vì đây là 3 quốc gia đã ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam nhưng chiếm tỉ trọng xuất khẩu rất khiêm tốn.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI