Nhu cầu của các nước giàu đang thúc đẩy sự tàn phá đa dạng sinh học

14/02/2025 - 21:50

PNO - Nghiên cứu từ Mỹ cho thấy, nhu cầu thịt bò, dầu cọ và gỗ của các quốc gia giàu có nhất làm tăng tốc độ sụt giảm đa dạng sinh học.

Một con cu li Java ở Indonesia, một trong những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới — Ảnh: Getty Images
Một con cu li Java ở Indonesia, một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới — Ảnh: Getty Images

Nghiên cứu mới của Đại học Princeton, tại thành phố cùng tên của bang New Jersey, Mỹ, cho thấy các quốc gia giàu có nhất thế giới đang “xuất khẩu sự tuyệt chủng”, bằng cách phá hủy đa dạng sinh học trên phạm vi quốc tế nhiều gấp 15 lần so với trong biên giới nước họ, theo báo The Guardian ngày 14/2.

Alex Wiebe, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Princeton và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nhóm các quốc gia có tác động đáng kể nhất bao gồm Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc và Vương quốc Anh. Nhu cầu của nhóm nước giàu đối với các sản phẩm như thịt bò, dầu cọ, gỗ và đậu nành đang phá hủy các điểm nóng về đa dạng sinh học, nhất là các nước có rừng nhiệt đới, nơi hầu hết môi trường sống của động vật hoang dã đang bị phá hủy.

Ông Wiebe chia sẻ, nhóm nghiên cứu đã xem xét tác động của 24 nền kinh tế lớn nhất thế giới đối với hơn 7.500 loài chim, động vật có vú và bò sát phụ thuộc vào rừng, dữ liệu được tích lũy từ năm 2001 đến năm 2015. Nhóm phát hiện các nước giàu nhất chịu trách nhiệm cho 13% sự mất mát đa dạng sinh học liên quan đến rừng trên toàn thế giới.

David Wilcove, giáo sư tại Đại học Princeton và là thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Hoạt động thương mại toàn cầu thúc đẩy tác động tiêu cực từ nhu cầu của con người tới môi trường, trong trường hợp này là thúc đẩy các nước giàu lấy thực phẩm, tài nguyên từ các nước nghèo hơn, dẫn đến mất mát đa dạng sinh học và giảm số loài ở vùng nhiệt đới, như ở Indonesia, Brazil hoặc Madagascar”.

Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Nature vào ngày 13/2, cho thấy hoạt động cải tạo đất canh tác có thể gây thiệt hại gấp 5 lần tới đa dạng sinh học toàn cầu. Quá trình “rò rỉ đa dạng sinh học” khiến việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên mới càng dẫn đến sự giảm số lượng loài nhiều hơn.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI