Nhu cầu 50 tỷ tấn/năm khiến thế giới... cạn dần nguồn cát

21/11/2019 - 06:00

PNO - Chỉ riêng trong thập niên này, Trung Quốc đã sử dụng nhiều cát hơn cả số cát Hoa Kỳ dùng trong thế kỷ XX. Cuộc cạnh tranh về khai thác cát phát triển mạnh tới mức ở nhiều nơi, các băng đảng tội phạm đã tham gia.

Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại thế giới cần làm nhiều hơn nữa để hạn chế những thiệt hại do nạn khai thác cát bừa bãi gây ra. Tình trạng thiếu cát sẽ trở thành khủng hoảng, bởi dân số thế giới càng tăng thì con người càng cần nhiều cát để xây dựng. 

Nhu cầu khổng lồ 

Mỗi năm, thế giới sử dụng khoảng 50 tỷ tấn cát lẫn với sỏi. Theo hãng tin BBC, khối lượng chỉ trong một năm ấy là quá đủ để phủ kín một diện tích bằng toàn bộ Vương quốc Anh. “Chúng ta không thể trích xuất 50 tỷ tấn mỗi năm với bất kỳ vật liệu nào mà không dẫn tới các tác động lớn trên hành tinh, và do đó cũng tác động tới cuộc sống con người” - ông Pascal Peduzzi, một nhà nghiên cứu của chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, cảnh báo. 

Vấn đề nằm ở loại cát chúng ta đang sử dụng. Cát sa mạc phần lớn là vô dụng, vì chúng bị gió bào mòn, nên có dạng hạt tròn và quá mịn, không thể gắn kết với nhau để tạo thành bê tông ổn định. Cũng vì vậy mà Dubai - một trong bảy tiểu vương quốc của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) - dù nằm ngay trong sa mạc cát Ả rập (phía Nam của Dubai lại chủ yếu là sa mạc sỏi đá), vẫn phải nhập khẩu cát xây dựng từ Úc. 

Nhu cau 50 ty tan/nam  khien the gioi...  can dan nguon cat
Lao động kiệt sức trong nhịp độ khai thác cát từ các mỏ dọc theo bờ sông ở Sri Lanka Ảnh: Getty Images

Động lực chính của cuộc khủng hoảng cát là quá trình đô thị hóa khắp nơi, do những dòng người từ nông thôn ngày càng đổ vào các thành phố, đặc biệt là ở các nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Có khoảng 4,2 tỷ người hiện sống ở khu vực thành thị, tăng hơn bốn lần kể từ năm 1950. Trong 30 năm tới, Liên Hiệp Quốc dự đoán sẽ có thêm 2,5 tỷ người khác sẽ có mặt cùng với họ ở các thành phố, tương đương với việc mỗi năm, thế giới sẽ có thêm 8 thành phố cỡ New York.

Việc tạo ra các tòa nhà để chứa những người ấy, cùng với những con đường kết nối chúng với nhau, luôn đòi hỏi số lượng cát khổng lồ. Ở Ấn Độ, lượng cát xây dựng được sử dụng hằng năm đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2000, và vẫn còn đang tăng nhanh. Chỉ riêng trong thập niên này, Trung Quốc đã sử dụng nhiều cát hơn cả số cát Hoa Kỳ đã dùng trong toàn bộ thế kỷ XX. 

“Mafia cát” lộng hành 

Cuộc cạnh tranh về khai thác cát đã phát triển mạnh tới mức ở nhiều nơi, các băng đảng tội phạm đã tham gia. 

Tại Ấn Độ, “mafia cát” - như báo chí địa phương gọi - đã làm hàng trăm người bị thương và giết chết hàng chục người khác. Trong các nạn nhân của chúng, có cả một giáo viên 81 tuổi và một nhà hoạt động 22 tuổi bị phân xác, một nhà báo bị thiêu chết, cùng ít nhất ba viên cảnh sát Ấn Độ đã bị các xe chở cát cán qua người. Tới tháng 8/2019, cảnh sát ở Rajasthan - tức “Vùng đất của các vị vua”, tiểu bang lớn nhất Ấn Độ - đã bị bắn khi cố gắng ngăn chặn một đoàn xe máy kéo chở cát lậu. 

Các băng đảng kinh doanh cát lậu hoạt động giống hệt cách mà bọn tội phạm có tổ chức thực hiện ở mọi nơi. Chúng hối lộ cảnh sát và các quan chức chính phủ để được nhắm mắt làm ngơ, và chúng sẵn sàng tấn công, thậm chí giết chết những người cản đường.

Nhà hoạt động môi trường José Luis Álvarez Flores - ở bang Chiapas miền nam Mexico, người đã vận động chống lại việc khai thác cát lậu ở một con sông địa phương - đã bị bắn chết vào tháng Sáu năm nay. Một mẩu giấy được tìm thấy cùng với cơ thể ông ghi những lời đe dọa chết chóc tới cả gia đình ông và các nhà hoạt 
động khác. 

Những vụ giết người ấy chỉ là những trường hợp mới nhất trong làn sóng bạo lực vẫn tiếp tục gia tăng để tranh giành một trong những hàng hóa quan trọng nhất thế kỷ XXI, nhưng ít được đánh giá cao nhất, đó là cát, cát thông thường thôi. 

Nhựt Minh (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI