“Cụ ông Karsten Tüchsen Hansen, 89 tuổi, đi xe đạp đến biên giới Đức - Đan Mạch để gặp người bạn tâm giao của mình - cụ bà Inga Rasmussen, 85 tuổi - gần như mỗi ngày. Cả hai ngồi ở lãnh thổ quốc gia mình, bên ly cà phê nóng, cùng tâm sự hỷ nộ ái ố cuộc đời. Tấm thanh chắn chỉ ngăn được biên giới mà không thể ngăn cách được tình cảm con người”.
Tấm ảnh và dòng chú thích của hãng tin Reuters hiện lên góc máy tính, trong lúc dịch bệnh đang đỉnh điểm căng thẳng ở các quốc gia hồi đầu năm, khiến tôi cứ bấm tới bấm lui xem mãi. Tôi cảm thấy biết ơn tác giả bức hình, đã đưa góc máy của mình vào điều rất đỗi đời thường, chọn sự lặng lẽ bên hàng đống những ồn ào.
|
Hai cụ ngồi ở lãnh thổ quốc gia mình, bên ly cà phê nóng, cùng tâm sự hỷ nộ ái ố cuộc đời |
Trong ngồn ngộn thông tin mỗi ngày, nhiều bạn làm báo của tôi cho rằng người ta thích xem thông tin xấu nhiều hơn thông tin tốt. Cái gì đó có tính câu view là thứ luôn được chia sẻ rất nhiều nhưng nhìn chung, chúng ít có giá trị. Cũng vậy, những thông tin về những điều không biết đâu mà lần, trong đó có cả những phương pháp ăn hay uống “thần dược” để chữa bệnh nan y, vẫn được hàng ngàn người like, share chí mạng, còn những bài báo và thông tin khoa học thì chìm lắng như cách chúng xuất hiện.
Tin giả vẫn sẽ sống cuộc đời bền bỉ của nó, khi dường như nó biết loài người, ai cũng có sẵn một con quái vật, sẵn sàng gầm gào và ham muốn chứng tỏ, vẫn muốn hơn người, dẫu cái mình biết thì vô cùng ít ỏi và nhỏ bé. Giống loài mong manh và dễ tổn thương là con người ấy cố che giấu mình trong cái đức khiêm nhường, muốn ai cũng biết mình tốt đẹp và vì vậy, dễ gì mắc sai lầm.
Đám đông khiến những chuyện xấu trồi lên hoài, trong khi những chuyện tốt luôn bị che lấp. Những gì thuộc về lòng quả cảm, sự kiên cường, điều tử tế hay khả năng chịu đựng hoàn cảnh… chịu số phận nguội lạnh. Thông tin tốt sao mà giống người tốt, họ chỉ hiện diện đâu đó trong chốc lát, nhiều khi, làm cái việc giúp đỡ, chữa lành, rồi quên đi.
Có quá nhiều chuyện không vui xảy ra trong năm khiến người ta ảo não, mỏi nhừ. Nhưng con người - giống loài tự cho mình là thượng đẳng - không biết đã bớt nhiều phần tự đắc, để khẽ khàng hơn chưa? Đó là câu tôi tự hỏi chính mình, trong những tháng ngày có thể điềm tĩnh nhìn nắng qua hiên và tự hiểu sao đời mình vô vị đến thế.
|
Tấm thanh chắn chỉ ngăn được biên giới mà không thể ngăn cách được tình cảm con người |
Khẽ khàng, có thể cách mà tôi thẩm thấu hôm đi dưới những hàng cây thành phố đang ra lộc non cho mùa mới. Đâu đó, hoa dầu vẫn xoay, hàng điệp vẫn trổ bông vàng và thành phố vẫn nắng vẫn mưa vô cùng rực rỡ. Nói về những cái cây là hình ảnh bạn ở vùng ngập lũ miền Trung, gửi về. Chúng vẫn “rũ bùn đứng dậy” sau những ngày con nước bùn vùi dập tơi tả, với vết sình vẫn bám cứng trên những chiếc lá xanh. Thản nhiên chịu đựng và thản nhiên sống nhưng chúng làm cho người ta nhớ lại cả một hành trình: hành trình vực mình đứng dậy sau mất mát.
Tôi nhớ mình đã tự thẹn thế nào, hồi sống trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh, khi thứ đầu tiên tôi chạm vào mỗi sáng là chiếc điện thoại, chỉ để cập nhật tình hình dịch bệnh lan tới đâu, bao nhiêu người đã chết. Đọc tin trong cảm giác rúm ró và mất niềm tin. Cho đến khi đứa trẻ trong nhà, sáng nọ đã chăm chăm vào mặt tôi và nói khẽ: “Mẹ, cười lên đi mẹ!”.
Một đứa trẻ đã nhắc mình cười, bằng tình yêu chân thành của nó. Nụ cười khiến ta tin rằng cuộc đời đâu đến nỗi quá tệ và ta sẽ vượt qua. Đúng là đâu đến nỗi tệ, khi giữa những khó khăn nào đó, mình vẫn còn yên ấm trên giường, vẫn còn có đồng ra đồng vô, vẫn dám soi xét chính mình, để chấp nhận.
Cũng bạn ở trời tây nhắn về, rằng chưa bao giờ chứng kiến một năm kiệt quệ và rã rời, mọi thứ đều bị cắt giảm. Con người mất lòng tin và thù địch nhau, quăng vào nhau những lời nói gây “sát thương”. Lời nói coi vậy mà tạo ra những vết rạch không bao giờ lành. Có một câu thoại tôi nhớ hoài, khi xem bộ phim The Lord of the Rings, rằng “sự tàn ác không bao giờ ngơi nghỉ”. Như vậy, những ác duyên hay thiện duyên cũng do vô vàn căn kiếp tạo nên để ta gặp phải. Và cuộc đời luôn bắt ta chứng kiến những vòng lặp sướng khổ, giàu nghèo, trải qua hạnh phúc rồi khổ đau, bạo bệnh rồi khỏe mạnh nhưng chắc chắn là chẳng ai bất tử.
|
Đứa trẻ đã nhắc tôi cười, bằng tình yêu chân thành của nó. Ảnh minh họa |
Chỉ có trời và cây lá vẫn bất chấp, mùa vẫn sang và sắc lá thay màu. Bạn làm bánh táo bằng những trái táo thơm hái từ ngoài vườn, cùng mùi quế, mùi bơ… mà tạo nên yên bình và ấm áp. Bạn nói làm vậy để tự tin hơn và vậy là sống.
Tôi nghĩ, hẳn là con người luôn có khả năng xoay xở trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Một năm quá nhọc nhằn cũng là một năm để ta tự học lấy sự bình lặng, học yêu thương và học sống. Phải chăng, sống được trong bất cứ thời nào mới là quan trọng?
Minh Phúc