Như búp trên cành

12/04/2013 - 16:55

PNO - PN - “ Cha mẹ ơi, có lẽ con không có trong nhà thì cả nhà sẽ êm ấm hạnh phúc… Con không muốn làm người phá rối trong gia đình. Cho con nói lời vĩnh biệt Út Thật, con không nhìn thấy Út Thật lớn lên rồi. Đừng tìm con nữa…”. Đó...

Sinh năm 2002, bé Ngọc Trinh có lẽ là trường hợp tự vẫn ít tuổi nhất cho đến nay. Tự vẫn chủ động, có chuẩn bị với những lời vĩnh biệt rất người lớn. Mất mát đã xảy ra rồi, chia sẻ nỗi đau của cha mẹ và gia đình bé Trinh là chưa đủ. Trách móc cũng chẳng làm bé sống lại. Ngăn nước mắt, chúng ta cần nhìn lại, tìm hiểu cho kỹ chuyện gì đang xảy ra, không bình thường chút nào.

Điều lo âu lớn là các vụ tự tử vị thành niên, nhiều nhất là học sinh trung học tăng lên và có xu hướng mỗi ngày mỗi trẻ hóa. Tự kết thúc cuộc đời ở tuổi 11 thật sự gây sốc cho cả những ai vô cảm nhất. Ngọc Trinh mang đi mãi mãi lý do vì sao mình tự hủy hoại cuộc đời. Nhưng người sống thì không thể không tự vấn. Do gia đình hay xã hội? Hay do cá tính đặc biệt ngoài sự hiểu biết của người thân và thầy cô? Hay số phận an bài? Tự tử là một hành động cần răn đe vì gây tang tóc, tổn thất cho gia đình lẫn xã hội. Nhưng ngăn ngừa nguyên nhân dẫn tới kết cục bi thảm ấy sẽ cứu được nhiều người.

Nhu bup tren canh

Đa số trường hợp học sinh tự vẫn không phải vì bí bách mưu sinh hay bệnh tật mà thiếu tình thương và danh dự bị xúc phạm. Cha nghiêm khắc, cay nghiệt; thầy giáo mắng nhiếc, bố dượng bạo hành, thi hỏng, học hành sa sút hoặc đơn giản vì làm mất mấy trăm ngàn quỹ lớp, xấu hổ với bạn bè, bị nghi oan lấy cắp… ngàn lẻ một nguyên nhân lãng nhách làm các em tự sát. Và có một nguyên nhân tưởng như xa hơn nhưng lại rất gần là cuộc sống đang thiếu một cảm hứng xã hội đủ mạnh đẩy tuổi trẻ hướng về tương lai, ngăn ngừa khuynh hướng tiêu cực mà tâm lý học gọi là thanatos - “chán sống”. Làm giàu, săn tiền đang là một động lực, được khuyến khích cổ vũ, nhưng lại bỏ qua chuyện hiển nhiên là đồng tiền và xã hội tiêu dùng lên ngôi, tham nhũng lan tràn trong khi hệ thống lại bất lực, tội ác sinh sôi trong khi tình người khô cạn, cuộc sống sa mạc hóa. Như nhà thơ Nga Sergei Yesenin đã từng viết trước khi tự cắt đứt động mạch cổ tay: “Chết cũng không có gì mới/ Nhưng sống cũng chẳng có gì mới hơn.”

Chúng ta vẫn thường nói “người là hoa của đất”, “trẻ con là búp trên cành”. Nhưng người lớn không cư xử với các em như với búp hoa, không “nâng trứng, hứng hoa” mà thường cậy thế người lớn để áp đảo, đẩy các em vào trạng thái tâm lý cùng quẫn rồi sau đó lên án các em dại dột thì đã quá muộn. Thực ra người lớn đã dại trước. Người lớn bức xúc mưu sinh, lủng củng gia đình, thậm chí mắc mớ ở nơi làm việc, thường trút những thứ không thể giải tỏa lên đầu các em.

Một thế giới trẻ em đang hình thành trong môi trường internet với cá tính mạnh và biết trọng danh dự (trong khi danh dự đang là điều xa xỉ) là phúc, nhưng cũng kèm theo họa gần kề. Vụ “ném đá” em Đỗ Nhật Nam trên mạng mấy hôm nay đã hé lộ một cảnh báo. Ngọc Trinh và nhiều trẻ em “dại dột” xấu số đã đi xa để lại nhiều đau xót. Có câu thơ: “Bình vỡ ai ơi, chớ động vào”, nhưng tốt nhất là hãy kịp hành động trước khi bình vỡ!  

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI