Như bao bà mẹ trên đời

10/06/2023 - 19:44

PNO - Tôi nhìn thấy trong mắt mẹ nỗi đau đớn và nhận ra những gì mẹ làm cho tôi còn là vì mong muốn vun đắp cho gia đình nhỏ của con trai mình. Sự trưởng thành của tôi đã cho mẹ nhiều hy vọng…

 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nhà có 2 anh em - chồng tôi và chú Út. Chồng tôi lêu lổng nên nghỉ học sớm, tôi hồi còn trẻ cũng dại dột lười học ham chơi, vậy nên chúng tôi mới gặp nhau.

19 tuổi, tôi làm dâu. Khi đó, cha chồng tôi bị ung thư giai đoạn cuối, bác sĩ nói không còn hy vọng, mà tôi thì đã có bầu. Đám cưới chạy tang là một kỷ niệm hiu hắt vì phía bên tôi thì cha mẹ xấu hổ, phía bên chồng thì cha chồng bệnh nặng còn mẹ chồng vừa gánh nỗi lo buồn con cái lêu lổng, nay phải gánh thêm đứa con dâu không hề mong muốn là tôi.

Cu Tí sinh ra được 1 năm thì mẹ tôi và mẹ chồng bàn bạc với nhau, mẹ tôi giữ cu Tí cho tôi theo mẹ chồng ra chợ học cách buôn bán. Tôi cũng muốn tự mình làm ra tiền nên hăm hở lắm. Vậy nhưng được 1 tuần thì tôi bỏ cuộc vì mệt quá. Ban đêm, tôi không được ngủ đủ vì phải thức giấc cho con bú, đã vậy còn phải thức dậy sớm ra chợ.

Mẹ chồng tôi mua bán rau củ ở chợ đầu mối nên tôi bù đầu với việc đóng gói hàng giao xe chở đi bỏ mối. Tất cả đều phải hoàn thành lúc mặt trời chưa mọc để mối nhận hàng sớm kịp bày chợ bán lẻ buổi sáng.

2 bà mẹ đồng ý với nhau rằng thể trạng và tính cách của tôi chỉ hợp với những nghề xí xọn. Sau khi 2 bà mẹ bàn bạc một lần nữa, tôi bắt đầu đi học làm tóc và trang điểm. Mẹ chồng đồng ý dọn dẹp phòng khách cho tôi làm chỗ mở tiệm. Song, từ ngày mở tiệm làm đẹp, chú Út liên tục ho hen sổ mũi bởi dị ứng với mùi sơn móng và mùi thuốc nhuộm tóc. Vậy là tôi không thể tiếp tục nghề làm đẹp ngay tại nhà được nữa.

Tìm chỗ khác thì tiền thuê mặt bằng là một khoản đáng phải suy nghĩ. Cả 2 bà mẹ đều nói không yên tâm nếu tôi phải dính tới tính toán tiền bạc. Sau này tôi mới biết đó chỉ là cái cớ bởi với sự khởi nghiệp chính đáng thì 2 bà mẹ sẵn lòng bù tiền.

Tuy nhiên, lý do thực sự là 2 bà sợ tôi đứng quán mà không có người lớn coi ngó thì bạn bè ham chơi lại kéo tới. Ham chơi thời thiếu nữ thì còn có đường khác để đi chứ đã có chồng con rồi mà ham chơi thì phiền lắm. Lại thêm đang rộ lên trào lưu phụ nữ gửi con cho ông bà để đi xuất khẩu lao động. Cò mồi dụ dỗ rằng chỉ sau 3 năm là thành triệu phú. Giấc mơ triệu phú đã khiến bao gia đình trẻ ly tán.

Trong mắt 2 bà mẹ, tôi vẫn còn là một cô gái lơ ngơ vụng dại. Lại bàn bạc, lại tính toán, rồi thì tôi chuyển nghề khác - học may - cũng là xí xọn mà vẫn mở tiệm tại nhà được. Thậm chí nếu ế khách thì mẹ chồng nhờ quen biết mà có mối hàng chợ cho tôi nhận về may quanh năm. Tiền công hàng chợ rẻ thôi nhưng không sợ thất nghiệp.

***

Rồi thì tôi cũng trưởng thành với sự chung tay của cả 2 bên nội ngoại. Cu Tí vào lớp Một thì tay nghề của tôi cũng được nhiều khách hàng khen ngợi, tiệm may ngày càng đông khách. Vào mùa khai giảng, học trò đua nhau may đồng phục, tôi phải thức đêm liên tục mới kịp giao hàng. 

Chồng tôi cũng cố gắng nhưng vẫn còn ham chơi lắm. Anh làm nhiều việc mà chẳng việc nào tới nơi tới chốn, cuối cùng thì chạy xe ôm công nghệ, thu nhập phập phù tùy ngày đã đành mà còn sẵn sàng tắt app để chơi vài ván bi da với bạn bè. Mấy lần vào giờ cu Tí tan học, anh gọi điện thoại về nói mình đang chở khách đi xa, nhờ tôi đón con. Mẹ chồng bực lắm. Bà hay than thở “Con mình đẻ ra mà còn bỏ mặc như vậy thì biết quan tâm tới ai hở trời?”. Tôi cũng bực nhưng nhớ lại mình trước đây cũng vô tư làm khổ gia đình như vậy nên không thể nói gì.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

Dần dà, nỗi bực bội trong tôi trở thành dửng dưng. Tôi nhận ra mình không trông mong gì nơi chồng nữa hay nói đúng hơn, sự kết nối giữa vợ chồng tôi ngày càng lỏng lẻo. Điện thoại reo mà thấy tên chồng hiện trên màn hình thì tôi chẳng vội cầm máy vì biết trước điều anh sắp nói cũng chỉ là lý do nào đó để biện hộ phân bua. Ý nghĩ về chồng chỉ là để tôi nhìn lại chính mình và nhận ra sự dại dột thời con gái khiến tôi trở thành vợ anh. Nỗi sợ hãi vì có thai như một cơn lốc cuốn tôi vào cuộc hôn nhân và mọi điều tiếp theo đó… 

Tôi không còn hờn giận khi chồng uống rượu rồi lấy lý do có mùi rượu không lái xe được nên tắt app nằm ngủ khì, trong khi tôi cặm cụi may cho kịp hẹn với khách. Tôi không còn buồn bực khi chồng đi cả ngày rồi khi về móc túi đưa ra mấy tờ tiền lẻ và cười trừ như thể việc kiếm tiền chỉ là chuyện hên xui.

Tôi không còn ngạc nhiên khi chồng cãi lại mẹ bằng giọng lếu láo… Trong cảm giác ngày càng xa cách, tôi chỉ muốn chia tay. 

***

Mẹ chồng trân trân nhìn tôi như thể tôi phản bội, cũng như con trai bà, tôi chỉ biết nhận mà chẳng hề đáp đền. Tôi biết mình nợ mẹ chồng rất nhiều. Nhờ lòng bao dung và sự kiên nhẫn vô bờ bến của mẹ thì mới có tôi của ngày hôm nay. Tôi nhìn quanh phòng khách đã trở thành tiệm may. Trước đây, khi tôi mới đến, nơi này có một bộ sa lông khá lớn. Theo lời chồng tôi, mẹ rất thích nằm sa lông coi ti vi cho khỏi mỏi lưng. Vậy mà mẹ đã bán rẻ cho hàng xóm để rộng chỗ cho tôi bày biện máy may, máy vắt sổ và tủ kính trưng bày vải vóc. Những buổi tối vào mùa khai giảng và mùa cuối năm, tôi thức đêm may thì mẹ cũng mất ngủ theo vì tiếng ồn của máy. Dù vậy, mẹ chỉ nói: “Người già ít ngủ, không sao đâu con”.

Sau những cuộc điện thoại chồng tôi gọi về báo đang chở khách đi xa mà tôi bận may hàng gấp thì mẹ là người đi đón cu Tí. Những khi chồng tôi có mùi rượu, tôi chưa kịp nhăn nhó thì mẹ đã la mắng con trai mình…

Tôi nhìn thấy trong mắt mẹ nỗi đau đớn và nhận ra những gì mẹ làm cho tôi còn là vì mong muốn vun đắp cho gia đình nhỏ của con trai mình. Sự trưởng thành của tôi đã cho mẹ nhiều hy vọng… Vậy mà tôi lại quyết tâm ra đi khiến gia đình nhỏ mẹ dày công vun đắp vỡ tan.

Chẳng biết nói gì thêm, tôi lúng búng trong nước mắt: “Con xin lỗi…”.

Mẹ ôm đầu. Tôi chờ đợi một cơn trách móc. Tôi chờ nghe mẹ mắng tôi là đồ vô ơn. Tôi chờ nghe mẹ nhắc lại hồi mới bước chân về nhà này, tôi là một cô gái hư hỏng và là một gánh nặng…

Nhưng, mẹ chỉ lau nước mắt và lẩm bẩm: “Ờ, con đi đi. Đàn ông mà vô trách nhiệm thì sống đời sao nổi”.

***

Chồng tôi làm um lên. Đến lúc biết vẫn không thể giữ tôi lại được thì anh lấy cu Tí làm áp lực.

Chẳng biết mẹ nói gì với anh mà đến lúc tôi cầm tay cu Tí chuẩn bị ra khỏi nhà thì không gặp khó khăn gì. Thậm chí, anh còn hỏi tôi có cần khiêng xách gì không, anh phụ một tay.

Khiêng xách gì ư? Tôi đến đây như một nỗi phiền toái nên tôi đâu có quyền đòi hỏi gì khi ra đi, cho phép tôi dắt theo cu Tí đã là rộng lượng lắm rồi. Anh chợt nói: “Mai mốt có mở tiệm thì điện thoại kêu anh chở máy may, máy vắt sổ, tủ chưng hàng tới cho mà làm, đừng sắm mới tốn tiền, để dành mà lo cho Tí”.

Tôi xúc động. Tôi không đợi nghe chồng nói câu này. Tôi biết là mẹ vừa dạy anh nói, mà mấy khi anh chịu nghe theo lời mẹ. Tuy vậy, tôi không để nỗi xúc động bất chợt níu chân mình lại. Cha của con tôi còn phải học nhiều điều lắm. Tôi mong một ngày nào đó khi cha con gặp lại nhau, cu Tí sẽ thấy anh là một tấm gương.

“Chào mẹ con đi” - tôi nói, lòng nhói đau vì nhìn thấy trong mắt mẹ thấp thoáng tia hy vọng khi chứng kiến tôi và anh tạm biệt trong hòa bình. Như bao bà mẹ trên đời này, dù thế nào mẹ chồng tôi vẫn ấp ủ niềm hy vọng cho con mình… 

Nguyên Hương 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI