Nhộn nhịp thị trường vàng trên mạng xã hội

19/08/2024 - 06:24

PNO - Đăng ký mua vàng online của SJC và 4 ngân hàng thương mại trong 1 tuần mà không mua được, chị Thùy Dung (quận Bình Tân, TPHCM) bèn vào nhóm trên Facebook rao mua, liền có người trả lời có hàng.

Cụ thể, chị đăng trong nhóm “Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian” với nội dung cần mua 10 lượng vàng miếng SJC. Chỉ sau vài phút, đã có người nhắn tin ngỏ ý bán vàng cho chị với giá bằng mức bình quân giữa giá mua vào và bán ra của Công ty SJC. Giá niêm yết của SJC là mua vào 78 triệu, bán ra 80 triệu đồng/lượng thì người này bán cho chị giá 79 triệu đồng/lượng, cam kết đưa vàng tận tay mới thu tiền.

Người dân nên mua bán vàng tại các điểm kinh doanh được cấp phép để đảm bảo an toàn.  Trong ảnh: Người dân giao dịch tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC
Người dân nên mua bán vàng tại các điểm kinh doanh được cấp phép để đảm bảo an toàn. Trong ảnh: Người dân giao dịch tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC

Ở các nhóm khác trên Facebook như “Diễn đàn giá vàng”, “Giao lưu các loại vàng miếng SJC, tiền chuyển, trao đổi các loại tiền tệ”, cũng thường có tin cần mua, bán vàng miếng SJC với giá cao hơn giá niêm yết của Công ty SJC. Một tài khoản tên N.H. rao thu mua vàng miếng SJC tại TPHCM với giá 80,4 triệu đồng/lượng, cao hơn giá SJC 400.000 đồng/lượng. Trong ô bình luận, khá nhiều thành viên “gà nhà” khác vào khen chủ tài khoản này giao dịch uy tín, nhằm mồi chài các thành viên khác mua bán vàng.

Một số chủ tài khoản rao mua lại vàng miếng SJC với giá từ 80,6-80,8 triệu đồng/lượng, cao hơn 2,8 triệu đồng/lượng so giá mua vào của Công ty SJC. Thử liên hệ với các chủ tài khoản trên, chúng tôi được họ cho biết đang ở Hà Nội, địa điểm mua bán vàng là nhà riêng hoặc quán cà phê.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - khuyên không nên giao dịch, mua bán vàng với những người xa lạ trên mạng xã hội. Người dân nên mua bán vàng miếng SJC đúng địa điểm, tức là đến các cửa hàng, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng SJC để có hóa đơn, chứng từ, hạn chế các rủi ro.

Ông cho hay, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Công an TPHCM phát hiện, ngăn chặn các loại hình tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối, vàng, xử lý nhiều vụ buôn lậu vàng, mua bán vàng trái phép. Ông nói: “Cơ quan công an đang tiếp tục đấu tranh với các loại hình tội phạm về vàng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng gây bất ổn cho xã hội”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - nguyên giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng, việc các đầu nậu rao mua vàng với giá cao hơn SJC là nhằm tạo tâm lý hối thúc các nhà đầu tư nhảy vào kinh doanh vàng trong bối cảnh nguồn cung đang khan hiếm. Việc mua bán này rất rủi ro, dễ mua phải vàng giả, vàng nhái, vàng kém chất lượng hoặc bị lừa đảo, cướp giật.

Theo luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - thị trường vàng “chợ đen” hình thành là do nguồn cung hạn chế, cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào thị trường vàng. Ông cho rằng cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên ngăn chặn việc đầu cơ, tích trữ vàng. Vàng không phải là sản phẩm thiết yếu như xăng dầu, lúa gạo nên việc quản lý quá chặt chẽ là không cần thiết.

Để người dân không còn quá chú trọng vào vàng, luật sư Trương Thanh Đức đề xuất nên áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% giống như khi mua hàng hóa thiết yếu, tăng nguồn cung nhưng để giá vàng ở mức cao.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI