Nhộn nhịp 'chợ phiên' thông dịch viên bệnh viện

30/12/2019 - 12:00

PNO - Nhiều bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam trị bệnh, trong đó có đông đảo người Lào, Campuchia. Thông dịch viên y khoa vẫn là nghề tự phát và lực lượng thông dịch viên y khoa ngôn ngữ Campuchia, Lào hiện nay 99% xuất thân là… nông dân.

Thông dịch viên bệnh viện - họ là ai?

Sáng một ngày cuối tháng 12, chúng tôi tần ngần đứng trước cổng số 1 Bệnh viện Chợ Rẫy trong vai tìm thông dịch viên cho người quen ở Campuchia qua khám bệnh, một anh xe ôm nhanh nhảu: “nhóc luôn”.

Rồi anh đọc số điện thoại của bà Tư và ông Sol - mà anh khẳng định là “trùm” thông dịch viên ở đây. Sau khi nhận 20.000 đồng “uống cà phê” từ chúng tôi, anh chỉ dẫn: “Giờ này (6g sáng), muốn tìm thông dịch viên thì qua quán cà phê bên đường, nhưng đông nhất là vô hẻm 592 Nguyễn Chí Thanh. Mấy ổng bả ăn sáng chờ dắt bệnh đông lắm”. 

Bước vào con hẻm, cứ tưởng mình đang lạc vào khu phố ở xứ sở Angkor. Hầu hết bảng hiệu đều bằng tiếng Campuchia. Người qua lại lao xao bằng tiếng Campuchia. Vào phòng nghỉ H., hỏi đặt phòng cho người thân ở Campuchia sắp qua khám bệnh, người đàn ông nói tiếng Việt lơ lớ: “Tới đây là đúng chỗ rồi, người ở bển qua nhà trọ tui nhiều lắm. 

Nhon nhip 'cho phien' thong dich vien benh vien
Bà Tư (bìa trái) đang thông dịch cho nữ bệnh nhân Campuchia điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Ở đây, lúc nào cũng có cả chục người thông dịch. Tụi tui cũng là dân ở bển về mà”. Rồi ông quay qua chỉ hai phụ nữ đang ngồi lặt rau: “Đó, hai bà chị tôi làm gần 20 năm rồi, muốn đi bệnh viện nào tụi tui cũng quen hết”. Chúng tôi hỏi thêm vài câu rồi rút về khu khám nội tổng quát BV Chợ Rẫy. 

Chúng tôi gọi điện thoại cho ông Sol, nói có người thân ở Campuchia bị đau cột sống, mỏi cổ, tê bì tay sắp qua khám bệnh mà không biết chữa ở đâu. Ông Sol trả lời cũng bằng tiếng Việt lơ lớ: “Chú đang dẫn bệnh bên BV Đại học Y Dược, con ở bên Chợ Rẫy đi, hay có việc cứ đi, 11g30 quay lại, chú chạy về gặp con”. 

Chúng tôi gọi tiếp cho bà Tư. Bà từ chối ngay: “Không được con ơi, bà Tư có khách rồi. Giờ bà Tư già rồi, mỗi ngày làm một khách thôi”. Nói vậy, nhưng bà Tư vẫn mở ngõ cho chúng tôi: “Con rảnh thì qua khu ung bướu nói chuyện chơi, bà Tư đang đưa khách đi “xạ” (xạ trị)”. 

Chúng tôi vừa buông điện thoại, chị hộ lý hỏi: “Tìm thông dịch viên hả, ở đây thiếu gì”. Rồi chị dặn: “Người thì nhiều, nhưng phải tìm người đàng hoàng, chớ kiếm người đóng 20.000 đồng, nói 100.000 đồng là chết”. Rồi chị chỉ tay về hướng phòng khám số 31 nói: “Thấy người đàn ông đi cà thọt không, chú tên P., làm thông dịch viên đó. Chú cũng được, nhưng chân bị tật nên không nhanh bằng mấy người kia”. 

Vừa lúc đó, cửa phòng mở, một phụ nữ áo xanh cầm xấp giấy tờ bước ra cùng người phụ nữ Campuchia. Xấp giấy trên tay chị có ghi tên bệnh nhân Toch Rata Na, 31 tuổi. Người phụ nữ áo xanh nói với người đàn ông đang ngồi đợi: “Phải đi siêu âm, đo điện tim. 

Vợ chồng ở đây tôi đi đóng tiền”. Rồi cô quay qua xổ một tràng tiếng Campuchia với người phụ nữ Campuchia nọ. Chúng tôi hỏi chuyện, người đàn ông cho biết anh gốc Việt, nhưng vì ở Campuchia lâu nên anh không rành, phải nhờ thông dịch viên. Tôi nhắc đến Bệnh viện Chợ Rẫy ở Campuchia, thì anh nói giọng lơ lớ: “Qua đây khám cho chắc, không muốn khám chi nhánh”.

Nhon nhip 'cho phien' thong dich vien benh vien
 

Đúng 11g30, thông dịch viên Sol gọi lại cho tôi, hẹn gặp trước cửa phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi nghe tôi tả lại bệnh của người thân thì ông nói: “Chắc là bị thần kinh rồi. Để chú dẫn qua BV Nam Sài Gòn, bên đó chuyên về cột sống, ngoại thần kinh hay lắm”. 

Chúng tôi ngỏ ý muốn điều trị ở BV Chợ Rẫy thì ông nói: “Chợ Rẫy đông người quá nên đợi lâu lắm. Chú từng đưa nhiều người qua đó rồi, về là khỏe, con yên tâm”. Chú Sol báo giá: dẫn qua BV Nam Sài Gòn túc trực ngày đêm 15 USD/ngày, nếu khám trong ngày về là 20 USD.

Nghề tự phát

Trong quá trình theo chân những thông dịch viên, chúng tôi nhận thấy điều kiện để trở thành thông dịch viên y tế chỉ cần biết nói song ngữ Việt Nam -  Campuchia, kể cả đọc chữ chưa rành cũng chẳng vấn đề. Đây là nghề tự phát, không ai quản lý và không được tập huấn nghiệp vụ để hành nghề nên xảy ra bao chuyện dở khóc dở cười. 

Bác sĩ Lê Văn Tư, Phòng khám Chấn thương chỉnh hình Gò Vấp, kể: “Trước đây, tôi công tác tại Khoa Chấn thương chỉnh hình một BV lớn nên thường điều trị cho bệnh nhân Campuchia. Có lần, tôi đang khám cho bệnh nhân nữ 42 tuổi, đi với một thông dịch viên khoảng 60 tuổi. Tôi nói bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi, giờ sẽ được điều trị nội khoa, chỉ uống thuốc không phẫu thuật... Thông dịch viên dịch lại thì bất ngờ bệnh nhân khóc tu tu. Tôi hỏi thông dịch viên vì sao, thì thông dịch viên trả lời: cổ khóc vì buồn do bị ung thư xương”. Đến lúc này, bác sĩ Lê Văn Tư đã hiểu.

Chuyện thông dịch viên chuyển tải không đầy đủ, không chính xác thông tin của bác sĩ là điều không lạ. Nhưng có một mảng tối của nghề này là những thông dịch viên... “trời ơi”, bày vẽ đủ kiểu để moi tiền bệnh nhân. Bà Tư cho chúng tôi gặp khách hàng của bà là chị Tiev Ra, 24 tuổi. Chị phải lên BV Chợ Rẫy để khắc phục hậu quả sau ca phẫu thuật thất bại ở một cơ sở y tế ở miền Tây. Hậu quả là những lằn mổ ngang dọc như bàn cờ trên bụng chị.

Bà kể: “Nó bị đau bụng hoài không hết, nên có người quen chỉ qua BV Chợ Rẫy khám. Nhưng khi qua tới tỉnh Kiên Giang, chuẩn bị đi ra bến xe Rạch Giá thì có người lân la làm quen, kêu dẫn đi giùm cho. Vậy là người đó dẫn đến một BV địa phương và nó được mổ đại tràng. Nhưng mổ kiểu gì mà 11 ngày vết thương lở loét, nóng sốt đi không nổi. Khi đó, BV này mới chuyển nó lên BV Chợ Rẫy. Thằng thông dịch viên này bất nhơn lắm, mổ đại tràng mà kêu con nhỏ đóng mấy chục triệu đồng. Sau đó, chị Tiev lên BV Chợ Rẫy. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm phúc mạc, rò bàng quang sau mổ đại tràng và được phẫu thuật để khắc phục. 

Chưa hết, bà Tư cho biết thêm: “Có những thông dịch viên móc nối với cơ sở y tế bên ngoài và hoa hồng lên tới 40% chi phí điều trị”. Điều này lý giải vì sao rất nhiều thông dịch viên viện cớ BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115… đông đúc nên đã tư vấn và đưa sang cơ sở y tế tư nhân để được hưởng hoa hồng cao ngất. 

Thực tế hiện nay, thông dịch viên y tế gần như là mảng trắng ở các cơ sở y tế. BV Chợ Rẫy - nơi tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân Campuchia mỗi năm cũng là bệnh nhân tự tìm thông dịch viên cho mình. Ở quầy hướng dẫn, dù có bảng thông báo hỗ trợ bệnh nhân Campuchia nhưng có rất ít người tìm đến. Bởi, đây là nữ nhân viên Phòng Y - Xã hội vốn có nhiệm vụ chính là hướng dẫn, giải đáp thắc mắc tại chỗ. Ngay cả, nếu có được cơ chế “cơ động” đi thông dịch giúp bệnh nhân, mà có hai bệnh nhân cùng lúc thì cô cũng không thể... “phân thân”. Chúng tôi liên hệ với hai BV lớn để tìm hiểu vấn đề này thì bị từ chối với lý do “ngoài chuyên môn”. 

Theo tìm hiểu, có vài cơ sở y tế như BV Quốc tế C. triển khai dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân Campuchia với đội ngũ thông dịch viên đã học qua lớp thư ký y khoa, BV Tâm Trí (Đồng Tháp) cũng tuyển hai nhân viên chăm sóc khách hàng thông thạo tiếng Campuchia và chuyên môn. 
Thiết nghĩ, một khi đã được bệnh nhân tín nhiệm, vượt biên giới tìm đến để chữa bệnh thì việc tổ chức đội ngũ thông dịch viên có kiến thức chuyên môn là việc nên làm và không phải là bất khả. 

Đổi đời nhờ nghề thông dịch viên bất đắc dĩ

Cứ 6g sáng là bà Tư có mặt tại quán cà phê đối diện cổng số 1 BV Chợ Rẫy, ăn sáng bằng một tô bánh canh, một ly cà phê sữa. Dường như chỉ có lúc này bà thư thả, còn lại, lúc nào cũng tất bật. Bà 74 tuổi, quê ở tỉnh Long An, đã có hơn 30 năm hành nghề thông dịch viên y khoa và được coi là người “khai sinh” ra nghề thông dịch viên tiếng Campuchia ở BV Chợ Rẫy.

Bà kể: “Ba má tui là Việt kiều Campuchia, sống ở Biển Hồ. Tui được sinh ở đó. Năm 1977, tui về Long An lấy chồng rồi sống luôn ở đây. Khoảng năm “tám mấy”, tui vô BV Chợ Rẫy thăm người quen mổ cột sống. Thấy có bệnh nhân nữ Campuchia đang khóc, chỉ tay vô bụng, còn bác sĩ và điều dưỡng đứng bên cạnh lúng túng. Tui nhào vô thông dịch giùm.

Hóa ra, cổ đói bụng, mà không ăn được thức ăn Việt Nam, chỉ thèm khô, đồ ăn Campuchia. Sau đó, tui đi mua khô giùm cổ, rồi bác sĩ nhờ tui ở lại thông ngôn. Tui ở lại BV bảy ngày, tiền công bằng một chỉ vàng 24K”. Sau lần đó, cứ người trước giới thiệu người sau, bà gắn bó với nghề thông dịch viên. Từ ngày theo nghề, bà xây nhà, nuôi con, dựng vợ gả chồng cho con bằng thu nhập từ cái nghề trên trời rớt xuống này. 

Gia đình ông Sol có ba đời đeo bám nghề đánh bắt cá ở Biển Hồ. Con cái không được đến trường. 17 năm trước, gia đình chủ vựa cá người Campuchia nhờ dẫn qua Việt Nam khám bệnh vì ông Sol từng đến các BV lớn ở TP.HCM. Sau lần hồi hương bất đắc dĩ, ông đã chính thức vào nghề thông dịch viên. Hiện gia đình ông đã mua được miếng đất ở Siem Reap, “lên bờ” sống bằng việc kinh doanh cửa hàng bán đồ lưu niệm. 

Thùy Dương - Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI