Nhộn nhịp “chợ đen” vắc-xin COVID-19

31/03/2021 - 05:58

PNO - Thẻ tiêm chủng vắc-xin giả và những sản phẩm được quảng cáo là vắc-xin COVID-19 hiện được rao bán ngày càng nhiều trên mạng.

 

Vắc-xin COVID-19 và các giấy tờ chứng nhận đi kèm đang trở thành món hàng đầy lợi nhuận cho tội phạm quốc tế - Ảnh: AP
Vắc-xin COVID-19 và các giấy tờ chứng nhận đi kèm đang trở thành món hàng đầy lợi nhuận cho tội phạm quốc tế - Ảnh: AP

Sản phẩm COVID-19 tràn lan trên “web đen”

“Web đen” là một phần của Internet, không bị phát hiện bởi các công cụ tìm kiếm thông thường, nơi tội phạm mạng thường mua bán các mặt hàng bất hợp pháp, từ số thẻ tín dụng, ma túy đến công cụ mạng và hiện tại là các sản phẩm liên quan COVID-19.

Hôm 23/3, các nhà nghiên cứu bảo mật tại công ty an ninh mạng Check Point Software (CBS - trụ sở chính tại Israel) cho biết, họ phát hiện danh sách vắc-xin COVID-19 từ nhiều thương hiệu khác nhau, như AstraZeneca và Johnson & Johnson, với giá lên đến 1.000 USD/liều, cũng như ít nhất 20 loại chứng chỉ vắc-xin giả với giá 200 USD/loại được buôn bán tràn lan trên “web đen”.

Người phát ngôn của CBS nói rằng họ không chắc liệu vắc-xin có phải là thật hay không, nhưng cho biết “chúng trông có vẻ hợp pháp” từ bao bì, giấy chứng nhận y tế đi kèm. Theo báo cáo, quảng cáo vắc-xin trên “web đen” tăng khoảng 300% trong ba tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin - hoặc thẻ tiêm chủng - được thiết kế riêng cho từng khách hàng. Người mua cung cấp tên, ngày tháng tiêm chủng họ muốn và nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi lại chiếc thẻ xác nhận giả “hầu như không thể phân biệt” so với thẻ thật. 

Thường các sản phẩm giả nhắm vào những người cần lên máy bay, vượt biên, bắt đầu công việc mới… CBS ước tính “các nhà cung cấp có khả năng tạo hàng ngàn thẻ tiêm chủng giả, nếu không muốn nói là hàng chục ngàn, dựa trên số lượng các yêu cầu”. Trước đó, các cơ quan chính phủ tại Mỹ cảnh báo người dân ngừng đăng hình ảnh thẻ tiêm chủng của họ lên phương tiện truyền thông xã hội, để tránh bị đánh cắp danh tính hoặc trở thành mục tiêu lừa đảo.

Tương tự, Kaspersky Lab (hãng phần mềm bảo mật của Nga) cho biết trong một tuyên bố vào đầu tháng 3/2021: “Sau cuộc rà soát ở 15 thị trường, các chuyên gia tìm thấy nhiều quảng cáo về ba loại vắc-xin COVID-19 chính: Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna. Giá mỗi liều dao động từ 250-1.200 USD, trung bình khoảng 500 USD”. Theo các chuyên gia, người bán phần lớn đến từ Pháp, Đức, Anh và Mỹ, thanh toán chủ yếu bằng Bitcoin.

Dmitry Galov, chuyên gia an ninh mạng tại Kaspersky Lab, nhận định: “Khó nói chắc chắn liệu những lời đề nghị bán vắc-xin trên “web đen” có phải lừa đảo hay không, hoặc liệu người mua có thực sự nhận được những gì họ đang tìm kiếm. Có những đánh giá tích cực dưới một số quảng cáo này. Chúng tôi cho rằng điều đó thể hiện mọi người đã mua đúng sản phẩm”. Trong khi đó, giấy chứng nhận tiêm chủng giả với tài liệu đi kèm kiểu châu Âu có giá khoảng 20-25 USD. Riêng tại phân khúc nói tiếng Nga, chi phí làm giả giấy chứng nhận khoảng 47-67 USD.

“Vàng lỏng” trong đại dịch

Theo cơ quan cảnh sát toàn cầu Interpol, giữa lúc các chính phủ gấp rút tiêm chủng cho công dân, nhiều nhóm tội phạm có tổ chức đang tìm cách khai thác những điểm yếu trong chuỗi cung ứng vắc-xin toàn cầu, thúc đẩy “đại dịch tội phạm song song” nhằm tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận bất hợp pháp.

nhiều nhóm tội phạm có tổ chức đang tìm cách khai thác những điểm yếu trong chuỗi cung ứng vắc-xin toàn cầu, thúc đẩy “đại dịch tội phạm song song” nhằm tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận bất hợp pháp
Nhiều nhóm tội phạm có tổ chức đang tìm cách khai thác những điểm yếu trong chuỗi cung ứng vắc-xin toàn cầu, tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận bất hợp pháp - Ảnh: Getty Images

Jürgen Stock, Tổng thư ký Interpol, cho biết, một số vụ lừa đảo mới nhất mà tổ chức theo dõi tại 194 quốc gia thành viên bao gồm việc đánh cắp vắc-xin thật và bán trên thị trường chợ đen, hoặc tiếp thị vắc-xin giả có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. 

Ngày 3/3, cơ quan này tiết lộ trường hợp buôn bán vắc-xin giả liên lục địa đầu tiên được xác nhận. Trong đó, nhóm tội phạm có tổ chức ở Trung Quốc đã đổ dung dịch muối vào ống thuốc trước khi buôn lậu đến Nam Phi, nơi sản phẩm được bán dưới nhãn vắc-xin COVID-19. Hơn 80 người đã bị bắt, chủ yếu ở Trung Quốc, vì tham gia vào kế hoạch trên, và thu giữ ít nhất 2.400 liều vắc-xin giả. 
Khi bắt đầu đại dịch, các nhóm tội phạm tập trung vào việc bán khẩu trang, chất khử trùng và bộ xét nghiệm COVID-19 giả, nhưng bây giờ sự chú ý chuyển sang vắc-xin. “Vắc-xin chính là vàng lỏng năm 2021, và chúng tôi nhận thấy ngày càng trở thành sản phẩm phổ biến của tội phạm”, ông Stock nhận xét. 

 Tấn Vĩ (theo CNN, Tass, Time)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI