Nhóm trẻ gia đình không phép: Quản chẳng được, cấm không xong

05/12/2013 - 10:18

PNO - PN - Hai tuần sau vụ cháu Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi) bị bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (tạm trú Q.Thủ Đức, TP.HCM) giẫm chết vào ngày 16/11, dư luận lại tiếp tục bàng hoàng vì cháu N.D. Long (13 tháng tuổi) đã chết do chấn thương sọ...

edf40wrjww2tblPage:Content

NỞ RỘ

Một điểm giữ trẻ tự phát trên đường số 4, KP.6, P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) thường xuyên có tiếng trẻ nhỏ khóc. Chủ nhân của nhóm trẻ này là một phụ nữ trung niên chỉ nhận giữ, chăm sóc và cho các cháu ăn uống chứ không có hoạt động giảng dạy như ở trường. Bốn năm đứa trẻ gửi ở đây đa phần đều dưới 15 tháng tuổi, bị các trường mầm non (MN) công lập từ chối. Phụ huynh gửi trẻ tại đây đóng từ 20.000-30.000đ/ngày.

Hẻm Sinco (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM) là khu vực tập trung nhiều công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nên nhu cầu gửi trẻ ở đây cũng rất lớn. Để đáp ứng, các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) đua nhau mở ra. Được nhiều phụ huynh tín nhiệm gửi con là nhóm trẻ của chị N. Nơi này nuôi giữ 14 trẻ từ sáu tháng đến ba tuổi trên diện tích khoảng 50m2 gồm cả nhà bếp và nhà vệ sinh.

Khu vực ngã tư Gò Mây gần khu công nghiệp Tân Bình cũng có nhiều nhà nhận giữ trẻ giá rẻ cho con em công nhân. Những điểm giữ trẻ này chỉ giữ vài bé trong khu trọ công nhân. Cô Xuân (Quảng Nam) đang giữ hai bé chừng một tuổi cho biết: “Tôi ở quê vào trông cháu cho con trai và con dâu đi làm, nhân tiện giữ luôn mấy cháu cho hàng xóm. Mỗi tháng chỉ lấy vài trăm nghìn, không lo sữa”. Tất nhiên, những điểm giữ trẻ kiểu gia đình thế này không hề đăng ký giữ trẻ với địa phương.

Q.Tân Phú là một trong những quận có NTGĐ và trường MN ngoài công lập thuộc hàng cao nhất TP.HCM, đảm đương khoảng 2/3 số trẻ đang ra lớp. Quận này hiện có 121 NTGĐ có giấy phép hoạt động. Tại Q.Gò Vấp cũng có khoảng 50% trẻ học ngoài công lập, trong đó có khoảng 90 NTGĐ và hơn 35 trường. Chi phí rẻ (mỗi ngày khoảng 20.000-30.000đ) và có thể đóng theo ngày, theo tuần; có thể gửi sớm - đón trễ, thậm chí gửi qua đêm nếu cần, giữ trẻ cả thứ Bảy, Chủ nhật… nên không ít cha mẹ là công nhân, thường xuyên phải tăng ca, đã chọn NTGĐ để gửi con, bất kể có phép hay không phép.

Nhom tre gia dinh khong phep: Quan chang duoc, cam khong xong

Một nhóm trẻ gia đình tại P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM

NƠI SIẾT, NƠI MỞ

Chủ nhân các NTGĐ thường là những người có trình độ học vấn thấp, không có công ăn việc làm, không có nghiệp vụ giữ trẻ, trong khi trẻ được gửi ở những nơi này phần đông là từ sáu - dưới 18 tháng, lứa tuổi các trường MN hạn chế nhận, nên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để hạn chế rủi ro, cơ quan quản lý giáo dục các quận, huyện đã thực hiện các biện pháp khá gắt gao. Tuy nhiên, chỉ có thể quản lý đối với những NTGĐ có phép. Bà Chung Bích Phượng - Phó phòng Giáo dục (GD) Q.Tân Phú cho biết, hiện quận đang hạn chế việc thành lập NTGĐ tràn lan. Khi xem xét cho phép mở nhóm, phòng sẽ dựa trên số trẻ và trường học hiện hữu trên địa bàn để cân đối giữa số trường - nhóm luôn đáp ứng 80% số trẻ trong độ tuổi ra lớp, nhằm tránh sự cạnh tranh không lành mạnh.

Theo bà Phượng, điều kiện mở nhóm có dễ hơn mở trường, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho trẻ như: có biên bản kiểm tra của PCCC quận, có bếp một chiều, chủ nhóm phải có nghiệp vụ, trưởng nhóm phải có chuyên môn trung cấp sư phạm MN và có chứng nhận được đào tạo nghiệp vụ quản lý MN; giáo viên và bảo mẫu phải qua đào tạo...

Nhìn chung, trên lý thuyết, các quận đang quản lý rất chặt hoạt động giữ trẻ, đặc biệt ở các NTGĐ. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn và rất đa dạng nên các nhóm trẻ “chui” (không phép) vẫn ngang nhiên tồn tại. Chiều 3/12, khi chúng tôi hỏi chị N. về vấn đề giấy phép, chị kể: trước khi giữ trẻ, chị có lên Phòng GD tìm hiểu xin giấy phép, nhưng khi biết địa điểm của chị chỉ rộng khoảng 50m2, cán bộ phòng nói ngay là “không đủ chuẩn, đừng mở”. Sau đó, chị có trở lại Phòng GD quận một lần nữa: “Lần này tôi được tư vấn kỹ hơn là phải có nhà bếp đạt chuẩn (một chiều), phải có nhà vệ sinh đạt chuẩn (0,4m2/cháu). Nhưng mình tận dụng nhà ở làm điểm giữ trẻ, làm sao đáp ứng được các tiêu chuẩn đó. Vì vậy, tôi liều giữ trẻ “chui”, chấp nhận bị phạt còn hơn là để các bé không người trông nom, còn nguy hiểm hơn”.

LÀM BÀI BẢN CŨNG KHÔNG XONG!

Trường hợp của chị Huỳnh Trần Thị Ngọc Bích (ngụ 57C, đường số 9, KP.5, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) thật trớ trêu. Do có ý định phải thành lập nhóm trẻ thật bài bản nên chị đã đầu tư xây sân chơi cát, xây phòng giữ trẻ đúng chuẩn, có bếp ăn tách riêng với khu nhà giữ trẻ…trên 1.000m2 đất sẵn có của mình. Chị Bích cũng đã hoàn tất khóa đào tạo bảo mẫu ba tháng và đang hoàn thành chứng chỉ chủ trường MN… Cứ ngỡ bấy nhiêu là đủ, chị nộp hồ sơ xin giấy phép, nhưng chờ suốt từ tháng Chín đến nay chẳng thấy hồi âm.

Sau vụ cháu bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu đạp chết, các điểm giữ trẻ gia đình ở Q.Thủ Đức bị kiểm tra ráo riết, buộc phải đóng cửa hàng loạt, phụ huynh không tìm được chỗ gửi con, chị Bích đánh liều nhận trẻ vào giữ, nhưng chỉ vài ngày là chị bị cơ quan chức năng xử phạt.

Bà Mai Liên - chủ nhóm trẻ MN Hoa Sen (Q.Gò Vấp) cho biết, ngoài việc được cấp tờ giấy phép, hiện các NTMN không hề được hỗ trợ gì từ phía Nhà nước, địa phương. Đó là chưa kể, các quy định để được cấp phép chẳng khác nào “đóng cửa” luôn các NTGĐ và các nhóm lớp MN tư thục trước khi nó được mở ra!

Theo tính toán của các chủ nhóm, với quy định chỉ được nuôi dạy các cháu ở tầng trệt và tầng một thì mỗi nhà phố (một trệt, một lầu) sẽ bố trí được ba lớp (mỗi lớp có nhà vệ sinh rộng 4m2, tính ở mức lý tưởng) với tối đa 30 trẻ. Với mức thu là 1,6 triệu đồng/trẻ/tháng (mức phổ biến hiện nay), tổng thu/tháng là 48.000.000đ. Sau khi trừ lương của năm cô giáo (ít nhất) là 17,5 triệu đồng (3,5 triệu đồng/cô/tháng, mức trung bình hiện nay), tiền ăn của trẻ: 19,5 triệu đồng (25.000đ/ngày), ba triệu điện nước, chủ trường còn lại tám triệu đồng (gồm cả lương, tái đầu tư và dự phòng). Nếu đi thuê nhà thì sẽ lỗ khoản tiền thuê. Đó là lý do mà những người khá giả, có tâm, có hiểu biết không dại gì nhảy vào lĩnh vực này.

Từ thực tế trên, nhiều nhóm trẻ đã đề nghị các quận huyện cần hết sức linh động nhằm tạo điều kiện cho các nhóm trẻ ra đời và hoạt động. Chẳng hạn, nếu không quá khắt khe ở điều kiện nhà vệ sinh thì số cháu mà các cơ sở nhận nuôi dạy sẽ đông hơn, các cơ sở sẽ yên tâm hơn trong việc duy trì và phát triển, đồng thời sẽ có thêm nhiều nhóm trẻ ra đời, được quản lý, đảm bảo an toàn cho trẻ hơn là hoạt động “chui”.

 Nhật - Phương - Hà

TP.HCM chỉ có khoảng 50% trẻ đến tuổi ra lớp đang học tại 414 trường MN công lập. 50% số trẻ còn lại theo học tại 341 trường MN ngoài công lập. Ngoài ra, còn có hơn 1.100 NTGĐ được cấp phép. Tuy nhiên, do không quản lý được nên ngành GD-ĐT chưa thống kê được NTGĐ không phép.

● Ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP: Cần thanh, kiểm tra đột xuất

Điều cấp thiết hiện nay là chính quyền địa phương phải phối hợp chặt với phòng giáo dục-đào tạo nhanh chóng rà soát, nắm tình hình, biết được nơi nào xuất hiện nhóm trẻ tự phát để chấn chỉnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Cần thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động của các cơ sở trông giữ trẻ để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tìm hiểu nơi gửi trẻ để không còn những sự việc đáng tiếc xảy ra.

 ● Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Phó ban Văn hóa xã hội HĐND TP : Có nhiều nguồn vốn vay để đầu tư cho các điểm giữ trẻ

Sự tồn tại và phát triển của các NTGĐ là tất yếu trong quá trình xã hội hóa giáo dục, góp phần giảm “gánh nặng” cho Nhà nước. Nhu cầu xin cấp giấy phép thành lập nhóm trẻ rất cao, nhưng vì đa số đều tận dụng nhà ở làm điểm giữ trẻ nên nhiều nơi chưa đáp ứng được các điều kiện để được cấp giấy phép như an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cháy nổ… Vốn đầu tư cơ sở vật chất cũng là một trong những khó khăn của các điểm giữ trẻ. Hiện có khá nhiều nguồn vốn vay mà người lao động dễ tiếp cận để đầu tư cơ sở vật chất như Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN TP, Quỹ trợ vốn cho người lao động tự tạo việc làm (C.E.P) của Liên đoàn Lao động TP, hoặc có thể vay vốn của Hội Nông dân TP, Hội Cựu chiến binh TP, Liên minh hợp tác xã… Mức vay có thể lên tới 30 triệu đồng/lần.

 ● Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, đại biểu HĐND TP: Việc quản lý bộc lộ nhiều lỗ hổng

Việc quản lý các điểm, nhóm giữ trẻ ngày càng bộc lộ nhiều lỗ hổng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho xã hội. Nhà nước nên có cơ chế phối hợp để quản lý các điểm, NTGĐ; nên có sự hỗ trợ về chính sách thuế, thủ tục đất đai... giúp các cơ sở tư thục phát triển, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Cần có giải pháp khuyến khích, huy động các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho GDMN theo đề án xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp chuyên đề, tập huấn, hướng dẫn kiến thức và kỹ năng nuôi giữ trẻ cho người trông giữ trẻ ở các điểm, nhóm giữ trẻ; đồng thời có chế độ, chính sách hỗ trợ chế độ ăn cho con công nhân có hoàn cảnh đặc biệt.

Uyên Phương (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI