Nhóm nhạc có thành viên ảo khiến dư luận nghi ngại

05/11/2020 - 18:52

PNO - Nhóm Aespa gồm 4 thành viên thật đi kèm 4 phiên bản người ảo của chính họ, gọi là ae. Mô hình này đang vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích.

Nhóm gồm 4 thành viên thật là: Winter, Karina, NingNing, Giselle và những mô hình ảo mô tả chính họ, nhưng được trang bị trí tuệ nhân tạo. Theo video quảng bá đầu tiên với thành viên Karina, cho thấy mô hình ảo có thể tham gia biểu diễn hoặc trò chuyện, livestream với người thật. 

4 thành viên người thật của Aespa
4 thành viên người thật của Aespa

Chủ tịch Lee So Man - đại diện SM Entertainment (đơn vị quản lý) cho biết: “Trong Aespa, các thành viên thực và ảo không bắt buộc phải làm gì theo yêu cầu của nhau. Họ sẽ có thể tương tác trực tiếp vì thành viên ảo đều được trang bị trí tuệ nhân tạo. Họ có thể giúp đỡ và trò chuyện trực tiếp với nhau thông qua các buổi giao lưu trên mạng xã hội”.

Mô hình kết hợp giữa người thật và người ảo được quảng bá là hướng đi mới mẻ của ngành công nghiệp giải trí. Nhưng hiện tại dư luận đang có phản ứng trái chiều với mô hình này.

Một số khán giả cho rằng hình ảnh ảo của thành viên Winter có tính chất gợi dục với vòng eo quá nhỏ, ăn mặc gợi cảm khác nhiều với thực tế. Một tài khoản viết: “Tôi nhìn hình ảnh ảo của Winter và cảm giác đó như một chất độc hại”.

Thành viên Winter và mô hình ảo tương ứng (trái)
Thành viên Winter và mô hình ảo tương ứng (trái)

Lee Hye-jin, trợ lý giáo sư truyền thông tại Đại học Nam California (Mỹ), cho rằng có sự khác biệt đáng kể về văn hóa trong cách thảo luận trực tuyến về mô hình của nhóm Aespa. Lee cho biết các nhà quan sát phương Tây đặt vấn đề với SM Entertainment về việc bổ sung người ảo vào nhóm nhạc người thật, gây ảnh hưởng tâm lý, quan hệ xã hội. 

“Ý tưởng về thần tượng ảo này, với đại diện là phụ nữ, chẳng khác nào xem phụ nữ là những cỗ máy, một điều mà người phương Tây đã chống lại từ rất lâu”, Lee Hye-jin nói. Lee Hye-jin không chắc khả năng thành công của Aespa bởi những mô hình ảo không có tình cảm nên khó tạo sự kết nối với khán giả thật.

Thomas Baudinette, một giảng viên nghiên cứu quốc tế tại Đại học Macquarie (Úc) cũng bày tỏ sự lo ngại. Anh cho rằng trong bối cảnh bất bình đẳng giới, nạn phim khiêu dâm tại Hàn Quốc, phòng chat tình dục… thì việc cho ra đời những mô hình ảo càng nguy hại hơn. Vì những mô hình này có thể sẽ dễ bị gán ghép vào những nội dung khiêu dâm hơn.

Baudinette, nhà nghiên cứu về văn hoá thần tượng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, cho biết thực tế hình ảnh những ngôi sao K-pop được sử dụng trong nội dung khiêu dâm deepfake (kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo, nhằm gán gương mặt người này lên mặt người khác trong video với độ chân thật rất cao) khá nhiều. Một nghiên cứu năm 2019 từ Công ty an ninh mạng Deeptrace Labs ước tính rằng 25% nội dung khiêu dâm deepfake được thực hiện từ hình ảnh các sao nữ Hàn Quốc.

Karina và mô hình ảo được SM giới thiệu đầu tiên
Karina và mô hình ảo được SM giới thiệu đầu tiên

In Ji Wong, một chuyên gia đào tạo thần tượng nổi tiếng cho rằng khi dùng từ khoá để tìm kiếm nhóm nhạc ảo K/DA trên các web thì phần lớn hình ảnh là nội dung 18+ và những nội dung ăn theo. Nhưng đây chỉ là nhóm ảo, còn Aespa còn có cả người thật nên mọi việc đều có thể gây ảnh hưởng tâm lý của họ, đặc biệt trong những tình huống tiêu cực.

Chuyên gia In Ji Wong chia sẻ thêm, SM Entertainment chỉ đang muốn khai thác triệt để giá trị của các thần tượng nữ mà không kiểm soát những hệ luỵ có thể kéo theo.     

Trong khi đó, theo Lee Hye-jin, người Hàn lại xem mô hình ảo là điều hết sức bình thường. Trước đó, tại Nhật Bản cũng từng xuất hiện mô hình này. Hiện tại, dư luận Hàn Quốc tập trung nhiều nhất là quá khứ gây tranh cãi của thành viên Karina như: uống rượu khi chưa đủ tuổi, lăng mạ các ngôi sao K-pop…

Trung Sơn (theo South China Morning Post, tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI