Nhóm 'Người nhà'

01/03/2018 - 11:48

PNO - Những ngày đầu năm, đứa em gái giữa của tôi bỗng dưng tạo một nhóm chat trên Zalo (phần mềm nhắn tin), đặt tên là “Người nhà”.

Cuộc sống hiện đại, tất bật đã buộc chúng ta lãng quên thân tình? Hay vì chúng ta đã không dành đủ quan tâm và yêu thương cho người thân so với những mối quan hệ giao tế, làm ăn, thậm chí là bè bạn qua loa?

Những ngày đầu năm, đứa em gái giữa của tôi bỗng dưng tạo một nhóm chat trên Zalo (phần mềm nhắn tin), đặt tên là “Người nhà”.

Nhom 'Nguoi nha'
Ảnh minh họa

Rồi em thêm các anh chị em ruột lẫn dâu rể vào, tổng cộng cũng được bảy mống. Đôi chút ngạc nhiên, vài nỗi ngỡ ngàng, rồi òa lên ý nghĩ: chuyện đơn giản thế thôi mà sao bấy lâu ta chẳng nghĩ ra nhỉ?

Trong khi cứ lâu lâu ta lại tạo một nhóm chat trên mạng để liên lạc công việc, đối tác, khách hàng này nọ. Chỉ cần một người ới lên, đề nghị tổ chức đi chơi đâu đó vài ngày, người nhà gì mà cả năm chẳng thấy mặt nhau, là có thể xử lý được hết.

Thực ra, nói “cả năm” cũng hơi quá. Nhưng ngồi nhẩm lại, quả là 365 ngày thì anh chị em trong gia đình gặp nhau chắc cũng chỉ cỡ một bàn tay. Giáng sinh, tết nhất, một hai dịp cuối tuần họa hoằn, sinh nhật đứa trẻ con nào đấy trong nhà… Gia đình của thiên hạ, ai cũng bận rộn mưu sinh, hay chỉ có chị em tôi là cá biệt, sống hời hợt thờ ơ với nhau đến vậy? Cũng không biết nữa.

Cùng sống chung một thành phố, thậm chí đứa em gái út của tôi còn ở cùng trong một quận nữa kìa. Đứa nào cũng đi làm, hưởng lương công chức ổn định, chứ có phải thất bát gì đâu. Vậy mà, hễ rảnh ra thì hẹn gặp bạn bè đối tác, những mối quan hệ giao tế làm ăn, chứ ít khi nghĩ tới người nhà.

Xưa, chúng tôi lớn lên cùng nhau ở vùng quê sông nước. Cả bọn í ới tập bơi bằng thân chuối, cùng đi câu cá xúc tôm. Lại có những dịp cùng đi chăn vịt, một bầy hơn chục con thôi, để dành ăn tết. Chí chóe giành nhau miếng bánh chuối chiên, bịch kẹo dừa khi mẹ đi chợ về. Năm tháng ngây ngô hồn nhiên qua nhanh, chẳng mấy chốc mà rời quê, bươn bả cuộc đời, lấy vợ gả chồng, lên chức bố mẹ, ken đầy những bổn phận, trách nhiệm và cả những tham vọng trần thế…

Nhom 'Nguoi nha'
Ảnh minh họa

Xưa, chị em trong nhà, đặc biệt là hai đứa liền kề, rất hay tị nạnh nhau, bởi sợ mình bị thiệt thòi, bị xử ép, bị ăn hiếp. Nếp nhà được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện, rằng hồi xưa ông ngoại trọng nam khinh nữ, mấy cậu rất tệ với mẹ với dì… rằng con gái phải cố mà học hành để có sự nghiệp riêng, đừng sống đời phụ thuộc, rằng ai rồi cũng phải tự sống cho mình, anh chị em đều phải tự lập mà thôi.

Xưa, tôi và đứa em trai kế từng ở trọ đi học trong một căn phòng chật hẹp. Hai chị em nhín tiền chợ để mua cuốn truyện Harry Potter, giành nhau xem đứa nào được đọc trước. Tôi có người yêu, thường hay làm siêng xào bắp, làm bánh mang qua cho chàng; phần em mình chỉ là tí chút cuối nồi, những thứ xấu xí thô vụng còn sót lại.

Xưa, ba má tôi xây căn nhà một trệt hai lầu, dự tính cho tất cả các con, dâu rể về ở chung hết. Ước mơ sum vầy một mối ấy kéo dài chưa được nửa năm thì tan tác. Xa mỏi chân, gần mỏi miệng. Mẹ chồng - nàng dâu, chị dâu - em chồng, chị em bạn dâu… những sự nhấm nhẳng theo thói thường đẩy hết gia đình nhỏ này tới cặp vợ chồng khác rời khỏi cái tổ ấm ngày càng rộng thênh kia.

Rồi cái cớ áo cơm khiến người nhà dần rời rạc, đôi lúc nhớ tới nhau cũng chỉ là vài tin nhắn vô hồn. Điện thoại thông minh đâu chuyển giùm cái vỗ vai động viên hay hơi ấm sẻ chia của người nhà.

Nay, chúng tôi mạnh ai nấy sống, chẳng phải không hề quyến luyến hay ghi nhớ chút tình cảm yêu thương gì. Khi em gái tôi sinh khó, cả nhà đã ngồi lặng lẽ ngoài hành lang bệnh viện, cầu mong em bình an. Khi tôi bị tai nạn giao thông, vừa được chuyển tới phòng cấp cứu, đã thấy em trai tất tả chạy tới, nỗi lo lắng hiện rõ trên nét mặt.

Khi bà ngoại tôi mất, mấy chị em tôi đã thu xếp để sắp lớp ngủ lại nhà ngoại, trong cái đêm cuối cùng đợi đưa ngoại về đất lạnh. Chẳng qua, hình như bây giờ, khi “hữu sự” mới thấy mặt nhau, còn cuộc sống tất bật đã khiến cho người ta lãng quên đi hầu hết thân tình.

Nay, chị Hai tóc đã loáng thoáng vài sợi bạc, đứa em gái út cũng lấy chồng được mấy năm dài, cơm áo gạo tiền đã chẳng phải quá lo, thì hai chữ “người nhà” phải chăng mới thấm thía? Nay, cả bọn nhìn cái nhóm “Người nhà” mà cứ rưng rưng... 

Bằng Lăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI