Nhóm G7 đề ra kế hoạch đối trọng sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

12/06/2021 - 14:29

PNO - Hôm 12/6, nhóm Bảy quốc gia giàu có G7 dự kiến công bố một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu mới nhằm đối trọng sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên rằng, Mỹ cũng sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo G7 khác (bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản) thực hiện "hành động cụ thể đối với lao động cưỡng bức" ở Trung Quốc, và đưa ra những lời chỉ trích Bắc Kinh trong thông cáo cuối cùng.

Vị quan chức này chia sẻ: "Đây không chỉ là yêu cầu cản bước hoặc đối đầu với Trung Quốc. Cho đến nay, nhóm vẫn chưa đưa ra một giải pháp thay thế tích cực nào phản ánh các giá trị, tiêu chuẩn và cách thức hoạt động của mình".

Hội nghị thượng đỉnh các nước G7 hiện đang diễn ra từ 11–13/6/2021 tại Cornwall , Anh
Hội nghị thượng đỉnh các nước G7 diễn ra từ 11–13/6/2021 tại Cornwall , Anh

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI) là một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ USD do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, liên quan đến các sáng kiến ​​phát triển và đầu tư trải dài từ châu Á sang châu Âu và hơn thế nữa.

Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án BRI như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác.

Theo cơ sở dữ liệu của công ty phân tích tài chính Refinitiv (Mỹ - Anh), tính đến giữa năm 2020, hơn 2.600 dự án với chi phí 3,7 ngàn tỷ USD có liên quan đến sáng kiến ​​BRI, dù cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ khoảng 20% ​​dự án đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.

Vào tháng 3/2021, Tổng thống Biden cho biết ông đã đề nghị với Thủ tướng Anh Boris Johnson - người chủ trì hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày của các nhà lãnh đạo G7 tại Anh - rằng, các nước dân chủ nên phát triển kế hoạch của riêng họ.

Quan chức Mỹ khẳng định cho đến nay, phương Tây chưa đưa ra được giải pháp thay thế tích cực cho "sự thiếu minh bạch, các tiêu chuẩn lao động và môi trường kém, cũng như cách tiếp cận cưỡng chế của chính phủ Trung Quốc'', vốn khiến tình hình xã hội tại nhiều quốc gia trở nên tồi tệ hơn.

Quan chức này cho biết: "Vì vậy, chúng tôi sẽ công bố một sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng toàn cầu mới đầy tham vọng với các đối tác G7 mang tên “Xây dựng thế giới tốt hơn”, và đây không chỉ là sự thay thế cho BRI”.

Mỹ thúc giục các thành viên khác của G7 đưa ra tiếng nói mạnh hơn về vấn đề Trung Quốc
Mỹ thúc giục các thành viên khác của G7 đưa ra tiếng nói mạnh hơn về vấn đề Trung Quốc

Trong các cuộc đàm phán, ông Biden cũng sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo khác thừa nhận các hành vi cưỡng bức lao động là hành vi xúc phạm nhân phẩm con người, và là "một ví dụ nghiêm trọng về cạnh tranh kinh tế không công bằng của Trung Quốc" để chứng tỏ rằng họ nghiêm túc trong việc bảo vệ nhân quyền.

Theo quan chức trên, thông cáo cuối cùng sẽ được ban hành vào cuối hội nghị thượng đỉnh vào Chủ nhật 13/6.

Không có chi tiết cụ thể về cách thức tài trợ cho chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu này. Nhưng dự kiến kế hoạch sẽ liên quan đến việc huy động hàng trăm tỷ USD chi tiêu công và kinh phí khu vực tư nhân để giúp thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng trị giá 40 ngàn tỷ USD ở các nước nghèo vào năm 2035.

Linh La (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI