Nhóm bạn trẻ muốn biến hơn 500 loại rau thành bột như matcha

29/11/2019 - 06:30

PNO - Lô hàng bột rau má đầu tiên xuất được sang Hà Lan là động lực để nhóm bạn trẻ tại TP.HCM hướng đến nhiều sản phẩm bột rau khác.

Lô hàng bột rau má đầu tiên xuất được sang Hà Lan là động lực để nhóm bạn trẻ tại TP.HCM hướng đến nhiều sản phẩm bột rau khác.

Biến rau thành bột ăn liền

Là người biến các loại rau ăn lá (rau má, diếp cá, tía tô, chùm ngây, trà xanh…) tươi thành bột dạng như matcha bằng công nghệ sấy lạnh, Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc điều hành Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (TP.HCM) - chia sẻ, cô và nhóm cộng sự hướng tới mục tiêu sản xuất bột rau từ hơn 500 loại rau gia vị, rau ăn lá của Việt Nam.

Theo Hương, tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm này của thị trường rất lớn, do người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, ưu tiên tiêu dùng sản phẩm thiên nhiên, an toàn và tốt cho sức khỏe. Những người bận rộn, ít có thời gian ăn đủ lượng rau trong ngày rất cần sản phẩm nhanh, tiện lợi dạng này. 

Hương cho biết, từ rau má, tía tô, diếp cá được trồng, thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGap, qua sấy lạnh, sẽ cho ra bột rau tương ứng với màu sắc, mùi vị, dinh dưỡng đảm bảo như rau tươi. Để ra được 1kg bột rau, cần đến 18kg rau tươi, giá bán bột rau dao động từ 115.000-165.000 đồng/150g. Trung bình mỗi tháng công ty của cô tiêu thụ khoảng hơn 60 tấn nguyên liệu tươi để sản xuất sản phẩm, phân phối ở nhiều kênh bán hàng khác nhau.

Sau 3 năm bắt tay gầy dựng vùng trồng rau sạch, cơ sở sản xuất, phân phối sản phẩm ra thị trường, mới đây, Ngọc Hương và cộng sự đạt được giải nhất vòng chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Ban Thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức. 

Nhom ban tre muon bien hon 500 loai rau thanh bot nhu matcha
Để ra được 1kg bột rau sấy lạnh, cần đến 18-28kg rau tươi

Theo Hương, thuận lợi lớn nhất là sản phẩm được thị trường đón nhận ngay từ đầu, sau 6 tháng khởi nghiệp với số vốn 120 triệu đồng mượn từ gia đình, người thân, từ đó có nguồn doanh thu để mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm bột rau sấy lạnh được nhiều đơn vị đánh giá cao, đề nghị hợp tác vì nâng được giá trị cho nông sản Việt.

Hiện có nhiều đơn vị muốn mua lại cổ phần công ty, nhưng Ngọc Hương cho biết, cô và nhóm bạn đã từ chối do chưa phù hợp với mục tiêu và con đường làm nông nghiệp của công ty. Hương phân tích, nông nghiệp không phải là mô hình đầu tư vài ba năm rồi thu lợi nhuận, sau đó bán lại cổ phần. Nó là một chặng đường dài mà mình phải trực tiếp làm, hiểu và đồng hành.

Sáng tạo từ điều kiện thiếu thốn

Theo Hương, khi có ý tưởng, cứ mạnh dạn làm ngay với tất cả những điều kiện mình có, đừng chần chừ. Đừng nghĩ mình có nhiều tiền thì mới khởi nghiệp. Cứ làm, rút kinh nghiệm xem mình thiếu gì, cần điều chỉnh gì để hoàn thiện và phát triển.

Hương dẫn chứng, cách đây gần 3 năm, khi mới khởi nghiệp, trong quá trình tìm máy móc, nhiều đơn vị chào bán máy với giá 400-500 triệu đồng/cái. Đó là con số quá lớn, vượt ngoài khả năng của Hương và nhóm bạn lúc đó. Các bạn đã tự mày mò tìm hiểu, nghiên cứu và chế tạo ra một dây chuyền sản xuất bột rau sấy lạnh với thế mạnh, kiến thức chuyên môn của từng thành viên trong nhóm về lĩnh vực nông nghiệp, cơ khí, công nghệ thực phẩm, kinh tế. 

Ngoài ra, theo Hương, để khởi nghiệp với lĩnh vực nông nghiệp, ngoài vốn, cần phải biết cách tiếp cận những nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng vì lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều rủi ro: thời gian đầu tư lâu dài, thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Khi bắt tay làm rau sấy lạnh, nhóm chưa có sẵn tiêu chuẩn nên phải nghiên cứu từ đầu, quy trình để làm ra sản phẩm cũng tự mày mò, hoàn chỉnh. Hương và cộng sự đã mất hơn một năm để nghiên cứu và hiện làm tới đâu, hoàn thiện quy trình tự động hóa tới đó, kết hợp cả nhập máy móc, đặt sản xuất và tự sáng tạo ra. 

Sau khi chọn phân phối sản phẩm rau sấy lạnh vào phân khúc khách hàng mục tiêu là đối tượng chú trọng sức khỏe, sẵn sàng mua sản phẩm giá cao, Hương và cộng sự đang tiếp tục sản xuất các sản phẩm rau sấy lạnh dạng gói nhỏ dùng một lần có giá trung bình, phù hợp số đông khách hàng và đưa hàng vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Theo kế hoạch, trong năm tới hệ thống này sẽ tiếp nhận ít nhất 10 loại bột rau sấy lạnh của nhóm Hương. 

Dự án bột rau sấy lạnh của Ngọc Hương và cộng sự được hội đồng giám khảo cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019” đánh giá cao ở chỗ, biết sử dụng nguồn nguyên liệu của quê hương mình, cộng với ứng dụng công nghệ trong chế biến, trồng trọt, làm gia tăng giá trị nguồn tài nguyên quê hương. Đặc biệt, dự án đã được hiện thực hóa, sản xuất ra sản phẩm, có tính thương mại cao. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI