Chỉ đường cho hươu...

Nhóm bạn gái hơi "dị"

24/10/2022 - 05:16

PNO - Sao con gái tuổi này lại không rung động với tình cảm của người thật, chỉ tò mò chuyện con trai yêu con trai?

Lên cấp III, cháu kết thân với một bạn mê truyện tranh, nhất là truyện tranh Nhật. Bạn rủ cháu nhập hội các bạn nữ mê truyện shōnen-ai trong trường.

Ba mẹ cháu không vui vì sở thích có vẻ khác người của nhóm bạn này: Sao con gái tuổi này lại không rung động với tình cảm của người thật, chỉ tò mò chuyện con trai yêu con trai?

Các bạn ấy có dị không ạ? Có bất thường về mặt tâm lý và giới tính không?

Một nữ sinh lớp 10 (TP.Thủ Đức, TPHCM)

Việc các cháu lập nhóm có cùng sở thích mê truyện tranh không có gì là bất thường về mặt phát triển tâm sinh lý ở lứa tuổi này. Nếu ngấu nghiến truyện tranh để… ăn thay cơm mới là dị.

Shōnen-ai (thiếu niên ái) là một thể loại truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản có nội dung chủ yếu xoay quanh tình yêu giữa hai người con trai. Những cặp “tình trai” này chỉ dừng lại ở những nụ hôn chứ không mang tính chất tình dục.

Trong truyện thiếu niên ái có hai nhân vật: “Seme” và “Uke”. Seme được mô tả như một người đàn ông đích thực - người chủ động trong tình yêu giữa hai người; Uke thì mềm mại như con gái và nhường nhịn Seme. 

Phần đông bạn đọc của loại truyện tranh này là các thiếu nữ nên hầu hết các tác phẩm được sáng tác bởi phụ nữ và cho phụ nữ. Các “fan cuồng” chia sẻ “thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các mỹ nhân nam”, “cách miêu tả tình yêu nam - nam đọc rất cuốn”, “trong mối tình không có nữ nên nữ độc giả không cảm thấy… bị cạnh tranh và vẫn có thể gắn kết với các nhân vật”…

Một số cho rằng việc con gái thích tìm hiểu tình yêu boy-x-boy tương tự như “phe đầu đinh” thích xem truyện yêu đương đồng giới của “phe bánh bèo”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Cư dân mạng lý giải phần nào nguyên nhân các thiếu nữ quan tâm đến chuyện trai đẹp yêu nhau: Hồi nhỏ, cô bé nào chẳng thích nghe truyện cổ tích về hoàng tử, công chúa và hạnh phúc với cái kết tốt đẹp cho hai người. Song đó là khi còn trong sáng ngây thơ, trong người các bé chưa có cái gọi là “máu ghen” - nôm na là lòng đố kỵ giữa phụ nữ với nhau. Lớn lên, các cô bắt đầu biết “ghét cái đẹp”, thấy các công chúa ấy sao mà tầm thường. Thế là nàng công chúa đáng thương và tội nghiệp của chúng ta bị gạt sang một bên, thay vào đó là một… hoàng tử khác, xứng đáng với chàng hoàng tử tài giỏi kia.

Từ đó, shōnen-ai ra đời…

Khi đọc truyện, các cô gái thường ngưỡng mộ đến mức thầm yêu nhân vật nam “trên cả tuyệt vời” trong truyện và đặt mình vào vai nhân vật nữ chính (được tác giả gắn cho những ưu điểm vượt trội) nên hay có cảm giác mình hơi bị… lép vế so với nàng. Mỗi khi chứng kiến cảnh nam chính quan tâm đến cô gái đó, độc giả nữ nảy sinh tình cảm khó chịu tự nhiên.

Vậy nhưng nếu đối tượng quan tâm của chàng trai cực kỳ nam tính trong truyện lại là một chàng đẹp trai khác thì… yên tâm rồi. Nhìn hai chàng yêu nhau thì đỡ “đau lòng” hơn là dõi theo mỗi chàng theo đuổi một cô. Phần vì tình yêu của họ dù đơm hoa nhưng không bao giờ kết trái, phần vì nó đẹp lấp lánh như pha lê, phù hợp với tình cảm mộng mơ của lứa tuổi này.

Các anh chàng lại có khí chất trội hơn các bạn trai cùng trang lứa ngoài đời. Thêm vào đó, tình yêu đồng giới vẫn là một vùng mờ với nhiều người, vì thế, cái gì kín đáo bí mật thường dễ kích thích trí tò mò hơn.

Tuy nhiên, ngoài chúi mũi “tập trung chuyên môn” vào truyện tranh Nhật, các cháu nên tìm đọc những tác phẩm văn học nổi tiếng, xem những bộ phim hay, thưởng thức những bức tranh đẹp, các bản nhạc thú vị… để làm giàu vốn kiến thức xã hội cho mình hoặc biến thú vui ấy thành động lực học ngôn ngữ Nhật để sau này có thể tự đọc từ nguyên bản. Đừng để việc giải trí ảnh hưởng đến thời gian học hành và rèn luyện trong mấy năm học phổ thông quan trọng, cháu nhé!

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI