"Nhồi nhét" trẻ học ngay ngưỡng cửa vào lớp 1: Đừng khiến con thành người bất hạnh

25/08/2016 - 11:00

PNO - Con vào lớp 1 với nỗi lo chồng chất, cha mẹ tiếp tục "chạy đua" thuê hàng loạt gia sư kèm cặp con sớm tối.

Bé nôn ọe vì học, cha mẹ vẫn gồng mình "không còn cách nào khác"

Tâm lý các bậc phụ huynh có con chuẩn bị bước vào năm đầu đời đi học với "nỗi sợ" muôn trùng: Sợ con học dốt, sợ con không theo kịp, sợ con thua kém bạn bè, sợ sau này con không được vào trường chuyên, lớp chọn như đúng khát vọng của cha mẹ... Vì vậy, ngay trước ngưỡng cửa vào lớp 1, nhiều bé đã được cha mẹ chính thức cho "nhập cuộc" bằng hàng loạt những hình thức học thêm đến phờ phạc cả tinh thần lẫn thể trạng.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (32 tuổi, mẹ bé Châu) chia sẻ: "Mình năm nay mới có con vào lớp 1, thú thực rất hoang mang, không định nhồi nhét kiến thức cho con học thêm, học nếm nhiều như vậy đâu, nhưng các bạn trong lớp bạn nào cũng 3-4 gia sư tận nhà khiến mình cũng bù đầu với con. Nếu không học thêm, sợ cháu bước vào lớp 1 lại không theo kịp bạn bè thì hỏng".

Xuất phát từ tâm lý chung của hầu hết các bậc cha mẹ như vậy, chị Trang đã thuê hẳn cho bé Châu một đội ngũ gia sư gồm 3 cô: Toán, Tập viết, Tiếng Anh... ngay từ đầu tháng 5 (sau khi kết thúc chương trình mầm non), luân phiên ép con học trước kiến thức khiến bé bị sốc, nản và lúc nào cũng trong tình trạng... cầu cứu.

"Bé Châu ranh lắm, buổi tối không muốn học là giả vờ xin cô đi vệ sinh, ra ngoài lấy nước hoặc kể chuyện trên trời dưới bể để cô bị sao lãng cho nhanh hết giờ. Lắm được thóp con, mỗi lần học gia sư thì ông bà, bố mẹ phân công ngồi cùng luôn trong phòng theo dõi con học. Có hôm con buồn ngủ quay sang cầu cứu, nhưng không được chấp nhận. Chính những lúc này, mình muốn thử thách sự cố gắng của con, phải cho con vào khuôn khổ!", chị Trang nhìn nhận.

Cùng hoàn cảnh của chị Trang, gia đình anh Nguyễn Văn Minh (35 tuổi) cũng gian nan không kém vì con chuẩn bị vào lớp 1: "Chủ nhật tuần trước, có lúc đang học  trên phòng, bé mệt quá có xin cô xuống nhà nằm thở và kêu đau đầu, hôm nào cũng nức nở khóc. Nhiều lúc con lười khóc giả nhưng nhiều lúc thấy con nôn ọe mới biết con đang căng thẳng và mệt thật, những lúc đó mình cũng xót con lắm, đành cho con nghỉ mấy buổi tối đi chơi công viên thư giãn", anh Minh chia sẻ.

Những phụ huynh này cho hay, dù biết các bé tuổi còn quá nhỏ không nên ép học quá nhiều có thể gây lên tác dụng phụ không mong muốn, thế nhưng họ lý giải "cực chẳng đã..."

"Mẹ nào mẹ chẳng xót con. Trước đây nhìn các chị em đồng nghiệp ép con học mình cũng sợ phát khiếp cũng này nọ, khuyên răn. Nhưng đến lúc mình bước vào hoàn cảnh của họ mới thấu hiểu được nỗi áp lực con không vào được trường như mong muốn, áp lực đủ mặt nếu con học kém so với bạn bè... nên bắt buộc phải thuê gia sư dạy cho con thôi, không còn cách nào khác", chị Nguyễn Phương (40 tuổi) phân trần.

Đừng biến con thành trẻ bất hạnh

Trước vấn nạn ép bé lớp 1 học trước chương trình này, "nhồi nhét" kiến thức cho con bằng mọi cách của các bậc cha mẹ, trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM, GS. Văn Như Cương nhận định: Mặc dù, Bộ GD đã đề nghị không nên làm như thế, tuy nhiên các cha mẹ vẫn thuê gia sư về nhà dạy cho con, các bé học đủ mọi thứ trên đời và đây là điều chúng ta cần sửa đổi.

"Người ta nói có hạnh phúc là trẻ con được đi học, thì đây là bất hạnh vì trẻ phải học quá nhiều!", GS. Cương nhìn nhận.

Theo GS. Cương "Xuất phát từ tâm lý của cha mẹ là: Con tôi mà không đi học thì con tôi dốt hơn con người khác. Rồi lại sợ rằng con sau này lên cấp 2 không được vào lớp tốt, cấp 3 cũng không được vào trường tốt...", với tâm lý chạy đuổi leo lên  như thế thì khổ lắm.

Việc học ấy khiến cho trẻ vô cùng áp lực, phụ huynh không hề biết rằng kiến thức của bọn trẻ phải học nặng như thế nào? Không chỉ những kiến thức cơ bản mà còn Toán nâng cao, Tiếng Việt nâng cao...  Học ở trường, học ở nhà đã làm mất đi thời gian vui chơi của trẻ thơ.

Ngày trước đâu có học khổ như bây giờ, vừa học vừa chơi đùa, nhảy nhót... chứ đâu đến mức học kinh hoàng mọi lúc, mọi nơi như vậy?", GS đặt câu hỏi.

Trước thực trạng áp lực học tập đang tiếp tục bủa vây các bé, vị GS có lời khuyên các bậc phụ huynh cần nhìn nhận và có một cuộc vận động, thống nhất với nhau: Hãy để cho con em mình học hành một cách nhẹ nhàng. Cố gắng không lấy cái lập luận của cha mẹ để áp vào các con cái, khiến chúng phải khổ sở "gồng gánh" kiến thức khi còn quá nhỏ như vậy.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI